Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục lịch sử cho các thế hệ sau, người đã từng viết 208 câu thơ lục bát với tiêu đề “Lịch sử nước ta”, trong đó, Người nhấn mạnh:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tich nước nhà Việt Nam”
Lịch sử nước Việt Nam là kho lịch sử bằng vàng, được đúc kết bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt của dân tộc trong suốt hơn 4000 năm. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo đã đánh bại quân xâm lược Nam Hán, mở ra kỷ nguyên độc lập cho nước nhà sau hơn 1.000 năm chịu ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Bên cạnh đó, trận đánh trên sông Bạch Đằng còn là minh chứng sống động về nghệ thuật quân sự của ông cha ta, vì thế nên, hơn ba trăm năm sau, cũng trên sông Bạch Đằng, một lẫn nữa, quân dân nhà Trần lại giành thắng lợi trong trận chiến với quân Nguyên Mông (năm 1288), ghi dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Mô hình giả định tái hiện lại Trận đánh trên sông Bạch Đằng (năm 938) giúp học sinh quan sát được trận chiến một cách sinh động, nắm diễn biến cuộc kháng chiến một cách hệ thống, đánh giá được sự kiện, phân tích chiến thuật …Nhóm học sinh thiết kế mô hình dựa trên các vật liệu có sẵn, giá thành thấp như: Thùng xốp, ống bơm nước và ống xả, máy bơm, ống nhựa dẻo, thiết bị quay, dây kéo thuyền, xốp vụn từ các vật liệu tái tái chế, giá đỡ và thùng đựng nước, kéo, keo sữa, màu sơn, xốp giấy...
Theo diễn biến trận đánh, khi thuyền chiến của ta nhử địch vào trận địa, thuỷ triều rút, quân ta bất ngờ phản công, thuyền chiến của địch bỏ chạy và vướng vào bãi cọc ngầm, bị tiêu diệt ( lúc này các em sẽ tiến hành gạt công tắc máy bơm làm cho nước đựng trong thùng xốp hạ xuống thấp hơn mực nước ban đầu, lúc đó, nước sẽ chảy từ sa bàn (thùng xốp) qua vòi thông vào thùng không bên dưới). Khi thuỷ triều lên, các em sẽ thực hiện cách thức ngược lại.
Thuyền chiến của quân ta và thuyền giặc được liên kết động vào 2 ròng rọc. Ban đầu thuyền chiến của ta ra nhử giặc vào trận địa (ta nhấn công tắc màu xanh - bảng công tắc số 3), quân giặc sẽ tiến đánh (ta nhấn công tắc màu xanh - bảng công tắc đánh số 1; Ròng rọc theo chiều thuận nghĩa là quân địch đang tiến đánh quân ta). Khi quân ta lùi (nhấn nút màu đỏ - bảng công tắc số 3), thuyền địch được đà tiến theo tấn công và bị sa vào trận phục kích của quân ta (nhấn nút màu đỏ - bảng công tắc số 1).
Thuyền phục kích của quân ta cũng được liên kết động bởi 1 ròng rọc, khi nhấn công tắc màu xanh - bảng công tắc số 2, theo chiều thuận. Thuyền địch bị quân ta phục kích, tấn công và sa vào trận địa được bố trí cọc gỗ trước đó trở nên hoảng loạn và thua trận, thuyền địch bốc cháy (chi tiết thuyền địch cháy trong mô hình được mô tả bằng việc dùng đá khô để tạo hiệu ứng khói, khi thuyền địch vướng vào cọc sẽ làm cho lượng đá khô gặp nước và bốc khói).
Mô hình được các giáo viên và học sinh nhiệt tình đón nhận, các thầy cô giáo trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn đã áp dụng trực tiếp vào tiết học lịch sử lớp 10 (bài 16) của nhà trường và nhận xét: Nhờ có mô hình, chất lượng giờ học tăng lên rõ rệt, các em học sinh đã không còn xem môn lịch sử là môn học “khô khan” nữa, các em vừa vận hành mô hình theo nhóm, vừa trao đổi, thảo luận nên tiếp thu bài rất nhanh. Nếu được nhân rộng, mô hình này còn có thể sử dụng trong công tác giáo dục quốc phòng hoặc buổi ngoại khóa của học sinh các trường trên địa bàn tỉnh.
Thanh Thủy