Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Giá trị về khoa học và thực tiễn của một cụm công trình
Cập nhật: 27-04-2012 04:43
Hơn 120 nhà khoa học cùng tham gia nghiên cứu, điều tra, biên soạn và đến năm 2010, Cụm công trình Bộ Ðộng vật chí, Thực vật chí (36 tập) và Bộ sách Ðỏ Việt Nam, được xuất bản. Với giá trị khoa học to lớn và ý nghĩa thực tiễn thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Cụm công trình này đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2010.
 
Hoạt động điều tra cơ bản về khu hệ động vật, thực vật và nguồn lợi sinh vật đã được khởi phát từ đầu thế kỷ 20. Nhưng nó chỉ thật sự được quan tâm, có tổ chức hệ thống từ sau năm 1954. Nhất là sau chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975, đất nước được thống nhất, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho những người làm khoa học công tác điều tra, nghiên cứu, phát hiện và thống kê một cách toàn diện các loài sinh vật hiện có với các đặc điểm sinh học, sinh thái các loài, giá trị nguồn lợi... trên mọi miền đất nước. Nhằm góp phần cung cấp cơ sở dữ liệu cho công tác quy hoạch phát triển, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Ðồng thời, có những khảo sát, cảnh báo các biến động và nguy cơ bị xâm hại cũng như tuyệt chủng của một số loài sinh vật trên đất nước ta. Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức quốc tế và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam, một khối lượng tư liệu to lớn (tuy chưa thật đầy đủ) về sự phân bố, thành phần loài, sinh học, sinh thái... của các loài thực vật, động vật trong thiên nhiên nước ta được điều tra, nghiên cứu.

 

PGS, TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện KH và CN Việt Nam) trao đổi ý kiến với chúng tôi: Việc biên soạn Bộ Ðộng vật chí, Thực vật chí Việt Nam đã được tiến hành từ năm 1996, khi một đề án của Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) được xây dựng và giao cho Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chủ trì. Sau 15 năm, với một lực lượng hơn 120 người, trong đó khoảng 100 cán bộ có trình độ GS, PGS và Tiến sĩ thuộc các Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Hải dương học, Tài nguyên môi trường biển, Sinh học nhiệt đới (Viện KH và CN Việt Nam), Ðại học Khoa học tự nhiên (Ðại học quốc gia Hà Nội), Viện Dược liệu, Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng T.Ư, Ðại học Nông nghiệp Hà Nội... triển khai thực hiện. Năm 2010, Bộ Ðộng vật chí, Thực vật chí và Bộ Sách Ðỏ Việt Nam hoàn thành in ấn, xuất bản. Theo các cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Bộ Ðộng vật chí (25 tập) và Thực vật chí (11 tập) là tài liệu khoa học kiểm kê khu hệ động vật và thực vật trong thiên nhiên nước ta từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Công trình này cung cấp số lượng loài, sự phân bổ của chúng, các đặc điểm sinh học, sinh thái, giá trị khoa học và thực tiễn của động vật và thực vật hiện có trong thiên nhiên trên đất liền và vùng biển đảo nước ta. Bộ Sách Ðỏ Việt Nam được soạn thảo dựa trên sách Danh lục Ðỏ Việt Nam. Phần động vật gồm 407 loài, thực vật gồm 462 loài được phân hạng về mức độ bị xâm hại và nguy cơ đe dọa. Sách Ðỏ Việt Nam là tiếng chuông cảnh báo về công tác bảo tồn thiên nhiên ở nước ta, bởi tài liệu này cho biết tình trạng nguy cấp của 49 loài động vật và 45 loài thực vật bị đe dọa tuyệt chủng. Ðặc biệt, đến nay đã có tám loài động vật và một loài thực vật hoang dã ở nước ta bị "xóa sổ", làm cho đa dạng sinh học của Việt Nam suy giảm đáng kể.
Khối lượng hơn 10 nghìn trang in, được biên soạn và xuất bản trong một thời gian khá dài (15 năm), cụm công trình: Bộ Ðộng vật chí, Thực vật chí và Sách Ðỏ Việt Nam là một thành tựu khoa học trong hoạt động điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên sinh vật, bảo tồn đa dạng sinh học của thiên nhiên nước ta trong thời gian vừa qua. Lần đầu, chúng ta có một tài liệu tổng hợp rất cơ bản, mang tính chất chính thống và tin cậy về tiềm năng tài nguyên sinh vật, thay vì các tài liệu riêng lẻ, chưa đủ tin cậy được công bố tản mát trước đây. Ðáng chú ý, Sách Ðỏ Việt Nam là cơ sở khoa học cho việc soạn thảo các văn bản mang tính chất pháp lý trong việc xử lý các vi phạm về bảo vệ đa dạng sinh học, sinh thái môi trường và bảo vệ các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ðáng chú ý, trong khu vực châu Á đến nay mới có ba nước là Trung Quốc, Xin-ga-po và Việt Nam đã soạn thảo và xuất bản được Danh lục đỏ và Sách Ðỏ một cách hoàn chỉnh về động vật và thực vật của nước mình.

 

Việc hoàn thành biên soạn và xuất bản các Bộ Ðộng vật chí, Thực vật chí và Sách Ðỏ Việt Nam là đóng góp lớn của chúng ta vào lĩnh vực nghiên cứu, đánh giá tài nguyên sinh vật và bảo tồn đa dạng sinh học của khu vực và thế giới. Ðiều quan trọng hơn là cụm công trình khoa học này góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi từ các tài liệu chuẩn, tương đối đầy đủ về các loài động vật, thực vật, các nhà chuyên môn và quản lý có thể xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển; khai khác và sử dụng nguồn lợi sinh vật hợp lý vào hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, phát triển nông nghiệp và nông thôn... ở nước ta. Với những giá trị to lớn về mặt khoa học và ý nghĩa kinh tế - xã hội, cụm công trình Bộ Ðộng vật chí, Thực vật chí và Sách Ðỏ Việt Nam đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH và CN năm 2010.

                                                                                                                                                                                             NGỌC VĨ ( nhandan.com.vn) ​

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập