Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Thành phố Hồ Chí Minh chốn “Địa linh nhân kiệt”
Cập nhật: 02-05-2012 06:03
Không biết có bao nhiêu người nói thành phố Hồ Chí Minh là chốn “Địa linh nhân kiệt”; nhưng việc nhà sử học Nguyễn Đình Đậu người gốc Hà Nội gọi cái tên như vậy thì đã có tài liệu ghi chép. Tuy là vùng đất mới sinh sau đẻ muộn, nhưng Gia Định – Sài Gòn xưa và nay là thành phố Hồ Chí Minh lại thuộc mảnh đất “Đàng trong” một cách tự nhiên. Một cách gọi có vẻ như vô thức ấy, nhưng với những sự kiện trọng đại về vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa lịch sử, địa xã hội và địa văn hoá của mảnh đất này khiến chúng ta không khỏi ngỡ ngàng. Vì sự nghiệp phát triển chung của dân tộc trong thời kỳ mới, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về vị thế của thành phố Hồ Chí Minh trong quá khứ, hiện tại và tương lai…

 

hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
 

 

Trước hết về mặt lịch sử; đất Gia Định xưa gắn liền với sự kiện lịch sử lên ngôi hoàng đế của vua Gia long; người chính thức sáng lập ra vương triều nhà Nguyễn. Theo kết quả Hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn” của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì triều đại cuối cùng trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam này đã lập nên được một giang sơn thống nhất có biên thuỳ, bờ cõi gần như trùng khớp với lãnh thổ đất nước ta hiện nay.  Dù không phải là nơi định đô lâu dài của vương triều Nguyễn, nhưng dù sao thì Gia Định xưa và thành phố Hồ Chí Minh hôm nay cũng là nơi đầu tiên của cả nước gắn bó với sự kiện lịch sử này…
“Vườn trầu có những cánh chim; Có Trung ương Đảng trong tim vườn Trầu”. Với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì Sài Gòn xưa và thành phố Hồ Chí Minh nay còn có những dấu ấn lịch sử đậm nét hơn. Đầu tiên là Hội nghị Trung ương II của Đảng Cộng sản Đông Dương - hội nghị đầu tiên của Đảng trên lãnh thổ nước ta do Tổng bí thư Trần Phú chủ trì vào đầu năm 1931 tại Sài Gòn. Trước khi Cách mạng tháng Tám nổ ra thành công năm 1945 trên toàn quốc để chiều mồng 2-9 năm ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Quốc dân đồng bào Việt Nam long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước hoàn cầu khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì trước đó 9 năm, ngày 12-8-1936, khu vực mười hai thôn Vườn Trầu, xứ Bà Điểm, Hóc Môn của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay chính là nơi cơ quan đầu não của Đảng ta trú đóng. Sài Gòn xưa và thành phố Hồ Chí Minh này nay là nơi đầu tiên của cả nước có sự hiện diện của Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Hà Huy Tập đứng đầu; chấm dứt thời kỳ lưu vong…
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, tháng 11-1939 cũng tại Bà Điểm Hóc Môn, Hội nghị Trung ương IV của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã sáng suốt đề ra nhiệm vụ chuyển hướng cách mạng đúng đắn của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới…
Đất lành sinh quả ngọt, nước linh trổ hiền tài; sự đổi mới thành công của đất nước mở ra từ Đại hội Đảng VI (tháng 12-1986); đóng góp đầu tiên vào sự thành công đó cũng chính là thành phố Hồ Chí Minh. Người đầu tiên thực hiện thành công thắng lợi này chính là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nguyên là Bí Thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta trước kia, nay đã đi lên từ chốn địa linh nhân kiệt này…
Về vị trí địa chính trị; điều tuyệt vời là nếu lấy thủ đô các nước ASEAN làm điểm ngắm, thì thành phố Hồ Chí Minh chính là tâm điểm của những vòng giao thoa đó. Với vị trí là trung tâm điểm của khu vực Đông – Nam Á, một cửa ngõ quan trọng của thế giới, thành phố Hồ Chí Minh, nơi ghi dấu ấn của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh bôn ba đi tìm đường cứu nước và ghi đậm dấu ấn của những thế hệ lãnh đạo kiên trung đầu tiên của Đảng. Ngoài 4 cố Tổng bí thư của giai đoạn đầu tiên là Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đã sống và hi sinh trên mảnh đất lịch sử này thì còn rất nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung, những nhà yêu nước khác đã gắn bó với Sài Gòn xưa… Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta sau này…
Không chỉ có vậy; dưới chế độ thực dân cũ, chế độ xã hội trên thực tế đã đánh dấu sự chấm dứt vai trò quyền lực (thực quyền) của chế độ phong kiến và đặt nền móng cho một hình thái kinh tế - xã hội mới khi chuyển từ phương thức sản xuất nông nghiệp phong kiến sang tiếp cận với nền văn minh công nghiệp (đang dần phổ biến trên phạm vi toàn thế giới lúc bấy giờ). Tạm gác những tiêu cực của một giai đoạn thoái trào lịch sử (có tính tất yếu) thì Sài Gòn xưa từng là nơi tập trung mạnh nhất các cơ quan quyền lực của chính quyền thực dân về chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội và văn hoá trên toàn cõi Đông Dương. Về mặt tích cực của cuộc giao thoa văn hoá này, chúng ta không chỉ tiếp cận được với phương thức sản xuất tiến bộ mới, phát triển sâu hơn nền kinh tế hàng hoá, xây dựng được mạng lưới đô thị theo hướng hiện đại có qui mô lớn nhất chính là thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn xưa… mà chúng ta còn tiếp cận được với một nền văn minh mới. Đó là nền tri thức Tây học dần thay thế nền văn minh Hán học… Và trong cuộc giao thoa này, chúng ta đã từng có được một thành phố Sài Gòn xưa long lanh, được thế giới mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông hoa lệ một thời…
Về mặt phong thuỷ, khí hậu, thổ nhưỡng; điều tuyệt vời mà tạo hoá đã ban tặng cho thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là vị trí cửa ngõ của cả khu vực. Nó là vùng đất của khí hậu được ưu ái mà khó có nơi nào sánh được. Khí hậu ôn hoà quanh năm mát mẻ, tốt tươi; lại không chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai, lũ, bão như bất kỳ một vùng đất nào; là vùng đất chuyển giao giữa vùng núi và đồng bằng châu thổ, thành phố có vị trí giống như ngôi nhà lớn lưng dựa vào thái sơn và mặt hướng ra biển lớn; nơi hội tụ của nhiều con sông trước khi đổ ra biển. Nếu như trong lời chỉ dụ Chiếu dời đô, Thái Tổ Lý Công Uẩn nhà Lý 1.000 năm trước nhận định; đất Thăng Long là chốn rồng cuộn, hổ ngồi; nơi hội tụ của bốn phương…; được các nhà địa chất ghi nhận sự uốn lượn đó ở bên trong lòng đất thì với dải đất tiếp giáp chân Nam Trường Sơn ở phía Nam Tổ quốc này lại được phát lộ cái thế uống lượn của rồng cuộn hổ ngồi đó ngay ra bên ngoài mà bất cứ người trần mắt thịt nào đi qua cũng có thể nhận thấy. Dọc theo quốc lộ 51 từ Biên Hoà đi Vũng Tàu là dải đất án ngữ phía đông bắc thành phố. Dải đất này với hàng loạt những địa danh có từ “Long” để chỉ tên đất, tên núi như Long Điền, Long Đất, Long Sơn, Long Hải… có địa thế giống như thế tả thanh long trong nghệ thuật phong thuỷ của người xưa khi đi tìm đất linh mưu xây nghiệp lớn…
Đến cầu Đồng Nai, những người yêu phong cảnh non nước hữu tình hẳn sẽ không khỏi thán phục về sự ưu ái của tự nhiên đối với sự diệu kỳ của mảnh đất này. Một cảnh sơn thủy giống như trong tranh thuỷ mặc, vừa có núi, vừa có sông đã hiện hữu trong tầm mắt. Ngoài những dải đất thấp uốn lượn theo thế rồng cuộn, hổ ngồi thì núi Châu Thái trên đất Gia Định xưa (thuộc tỉnh Bình Dương) hiện lên giống như sự hội tụ linh khí của đất trời, điểm nhấn tuyệt đỉnh trong bao la vũ trụ; là hồn thiêng của sông núi muôn trùng….
Theo đường Xuyên Á, qua các địa danh vốn là căn cứ địa vững chắc của cách mạng tại Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh), Dương Minh Châu (Tây Ninh)… Đây là vùng đất án ngữ phía tây bắc thành phố có vị thế như thế hữu bạch hổ trong nghệ thuật phong thuỷ. Ngược lên phía bắc (thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai) là hồ Trị An và núi Long Phượng địa danh gắn liền với sự ra đời của Trung ương Cục miền Nam. Xuôi về hướng nam (thuộc tỉnh Tiền Giang) là huyện và thị xã Gò Công với dấn ấn yêu nước của cuộc khởi nghĩa Trương Công Định và địa danh Rạch Gầm – Xoài Mút mà hơn 200 năm trước đã ghi dấu ấn vang lừng của vị hoàng đế Tây Sơn Quang Trung - Nguyễn Huệ trong trận đánh đuổi quân Xiêm. Sự xuất hiện của 2 địa danh Gò Công, Long Phượng án ngữ theo hướng bắc – nam này khiến ta liên hệ đến sao Tử Vi, Đế Đương, những sao chủ sự của một vị thế đất trường tồn muôn thuở…
   
                                                    
 
Các nhà địa chất học ví hình dáng thành phố Hồ Chí Minh giống như thế hạc tung cánh bay giữa bầu trời rộng. Thế thanh long, bạch hổ án ngữ về phía đông và phía tây thành phố lại mang hình dáng của một trang tuấn tú đang vươn vai và sải rộng đôi tay hướng tới tương lai. Sông Đồng nai (phía bắc), sông Sài Gòn ở giữa và xuôi về phương Nam là sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) mềm mại giống như những dải lụa mềm.
Thú vị hơn là khi sông Mê Kông đi vào địa phận Nam nước ta, khi đổ ra biển Đông lại tạo thành thế Cửu Long tuyệt đỉnh. Đứng từ hướng mặt trời (Xích đạo) mà khi nhìn về Trái đất, điều thật thú vị không kém là dải bờ biển Cà Mau – Kiên Giang và hai đảo Phú Quốc (nước giàu), Thổ Chu (đất ngọc) nước ta trông ra Vịnh Thái Lan có hình thù rất giống thế thanh long chầu chực, thế nhả ngọc phun châu. Sự hữu ý trong cái thế rồng chầu nhả ngọc ấy là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ có vị thế rất giống đôi mắt của thần uy của ngọc rồng…
Về vị trí địa kinh tế; với vị thế về lịch sử và địa chính trị, từ khá sớm Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh đã được cả thế giới biết đến như một viên ngọc Viễn Đông. nằm trong vòng lan toả của các nền kinh tế trong khu vực và thế giới, thành phố đã phát triển gắn liền với nền kinh tế hàng hoá đa dạng và năng động với một kết cấu hạ tầng khá đồng bộ; trong đó có hệ thống giao thông, khá hoàn chỉnh để kết nối với các vùng trong và ngoài nước; có hệ thống các định chế tài chính – ngân hàng khá phát triển và mạng thông tin liên lạc hiện đại nhất cả nước… Dù chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của mình, nhưng cho đến nay thành phố vẫn là đầu tàu kinh tế của cả nước và có sức lan toả rộng trong khu vực…
Về vị trí địa xã hội và văn hoá; cũng giống như các vị thế về kinh tế, chính trị, từ khá sớm Sài Gòn – Gia Định – thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm hội tụ của nhiều nền văn hoá mạnh; trong đó nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam giữ vai trò nền tảng chủ đạo và chỉ huy những nền văn hoá khác. Do sự giao thoa với nhiều nền văn hoá khác nhau nên các hoạt động xã hội tại thành phố cũng hàm chứa sự phong phú, đặc sắc hơn tất cả các địa phương khác; kể cả thủ đô Hà Nội… Tuy không có bề dày lịch sử lâu đời, không có những thương hiệu giáo dục nổi tiếng như kẻ sĩ Thăng Long, kẻ sĩ Bắc Hà, kẻ sĩ kinh kỳ; song mảnh đất phương Nam cũng được nhắc đến thương hiệu kẻ sĩ Đồng Nai và đặc biệt là vai trò của tri thức Sài Gòn khá nổi tiếng trong thời cận đại. Và nhắc đến Sài Gòn xưa, chúng ta kkhông thể không nhắc đến những hoạt động báo chí ngôn luận tiến bộ đầu tiên của cả nước….
Chính vì vậy, việc nhận định đúng đắn vai trò và sứ mệnh lịch sử của Sài Gòn xưa và thành phố Hồ Chí Minh hôm nay là cùng quan trọng trước yêu cầu phát triển của quốc gia…
                                                                                                                                          N. Vĩ (  Nguồn :  Xưa & Nay, số 346/2009, tr.3)

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập