Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản đối với Việt Nam trong suốt thời gian qua trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực phát triển điện hạt nhân. Bộ trưởng khẳng định, việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam vì mục đích hòa bình và yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh được đặt ở mức cao nhất và ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang thiếu những chuyên gia giỏi về điện hạt nhân cũng như các văn bản pháp quy, quản lý rủi ro trong quá trình xây dựng,… Vấn đề này rất cần sự hỗ trợ của các quốc gia có nhiều kinh nghiệm về điện hạt nhân, trong đó có Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, ông Shigeaki Tsunoyama đã chia sẻ với Việt Nam những thông tin quý báu về hiện trạng của các lò hạt nhân tại Nhật Bản khi xảy ra sự cố (Fukusima- Nhật Bản) và cách xử lý. Bởi theo ông Shigeaki Tsunoyama, để phát triển công nghệ hạt nhân, 3 yếu tố cơ bản nhất vẫn là: con người, tiếp đến là công nghệ, sau đó mới là chính sách. Hiện nay, trường Đại học Aizu đang tập trung vào phát triển công nghệ hạt nhân cùng với yếu tố an toàn được đặc biệt chú trọng.
Cũng theo ông Shigeaki Tsunoyama, yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng, điều này được thể hiện trong lĩnh vực đào tạo. Đại học Aizu hiện đang có quan hệ với 57 trường Đại học của 16 quốc gia trên thế giới. Lĩnh vực đào tạo nhân lực có trình độ cao về KH&CN cũng là một trong các thế mạnh của trường. Thông qua chuyến thăm lần này, Nhật Bản mong muốn có sự hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam như: Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội… Đây sẽ là nguồn nhân lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực điện hạt nhân.
Kết thúc buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Quân cảm ơn sự chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ phía đoàn Nhật Bản trong việc cung cấp thông tin, cách thức xử lý chi tiết sau sự cố Fukusima cũng như sự hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân. “Việt Nam đã và đang tiến hành tổ chức nhiều buổi hội thảo thông qua các tổ chức quốc tế, trong đó có sự phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về an toàn hạt nhân, đặc biệt là kinh nghiệm từ phía Nhật Bản. Đây sẽ là những thông tin thực tế nhất cho phát triển điện hạt nhân với mục tiêu an toàn là hàng đầu đối với Việt Nam trong thời gian tới”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Nguồn: Internet