Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Ứng dụng Công nghệ sinh học vào điều trị bệnh
Cập nhật: 31-08-2012 12:37
Hiện nay tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tế bào gốc vào điều trị bệnh đã đạt được một số kết quả bước đầu rất khả quan...
 ung dung conmg jbhjhcdxbhjfhcjgu546.jpg
 
"Hết sợ” các bệnh về máu và xương
Tại TP.HCM, nhóm nghiên cứu của PGS.BSCKII. Trần Văn Bé (hiện là chủ tịch Hội truyền máu - huyết học Việt Nam, chủ nhiệm bộ môn huyết học Trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch - TP.HCM) đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật chiết tách tế bào gốc tạo máu từ máu cuống rốn để điều trị bệnh lý về máu”. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện được kỹ thuật thu thập máu cuống rốn từ sản phụ mới sinh và kỹ thuật chiết tách tế bào gốc tạo máu. Sản phẩm tế bào gốc tạo máu này đã được ứng dụng điều trị cho người mắc bệnh bạch cầu cấp và bệnh Thalassemia. Hướng nghiên cứu để ứng dụng điều trị các bệnh về máu còn có đề tài sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân để điều trị các tổn thương cơ xương khớp khó liền (thực hiện tại Viện quân y 108 bước đầu cho kết quả rất khả quan).
Một kết quả nghiên cứu khác do nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trần Công Toại và ThS. Phan Kim Ngọc (bộ môn mô - phôi - di truyền học Trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch - TP.HCM; và phòng thí nghiệm nghiên cứu - ứng dụng tế bào gốc Trường ĐH KHTN - TP.HCM) thực hiện là đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tế bào vùng rìa giác mạc và biệt hóa tế bào gốc máu cuống rốn người”. Kết quả nghiên cứu đã giúp cải tiến thời gian phẫu thuật từ 1,5 giờ giảm còn 40 phút, kỹ thuật này đã được chuyển giao cho khoa giác mạc - Bệnh viện mắt TP.HCM.
Ngoài các đề tài vừa nêu còn có một số nghiên cứu khác đã được ứng dụng vào thực tế, mở ra nhiều cơ hội chữa bệnh cho người dân. Chẳng hạn như “Quy trình biệt hóa tế bào gốc sinh tinh thành tinh trùng để điều trị vô sinh ở nam giới” (Học viện quân y thực hiện); hay “Ứng dụng tế bào gốc tự thân để điều trị bệnh suy tim sau nhồi máu cơ tim” (triển khai tại Viện tim mạch, và Bệnh viện Bạch Mai); hoặc “Biệt hóa tế bào gốc màng dây rốn thành tế bào da để chế tạo thành vật liệu tương đương da” (Viện bỏng quốc gia đang áp dụng)...

Thêm nhiều hướng nghiên cứu, ứng dụng mới

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Trần Công Toại và ThS. Phan Kim Ngọc hiện đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình phân lập, nuôi cấy, biệt hóa tế bào gốc tủy xương, hướng đến ghép điều trị bệnh lý tổn thương xương”. Kết quả nghiên cứu này sẽ giúp nâng cao hơn hiệu quả trong việc điều trị các bệnh về xương như ghép tự thân cho các bệnh nhân khớp giả thân xương cánh tay, cẳng tay và xương chày (ghép xương theo chiều dài thân xương).
PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng và nhóm cộng sự ở Trung tâm công nghệ sinh học (Trường đại học Tây Nguyên), Viện sinh học nhiệt đới, Viện vaccin Nha Trang đã thực hiện thành công ở quy mô phòng thí nghiệm quy trình tạo hạt nano chitosan (từ nguyên liệu vỏ tôm, cua, mực...) sản phẩm hạt nano chitosan có kích thước ổn định, đồng đều (khoảng 50 nm). Hạt nano chitosan này được sử dụng làm tá chất kích thích miễn dịch cho vaccin cúm A/H1N1. Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng nghiên cứu cho thấy, hạt nano chitosan giúp gia tăng khả năng đáp ứng miễn dịch, khả năng hình thành kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên cúm A/H1N1. Hạt nano chitosan cũng có hiệu quả rất cao khi xâm nhập qua niêm mạc mũi, vì vậy còn có thể ứng dụng chế tạo ra vaccin dạng xịt qua đường mũi (hiệu quả, tiện dụng). Kết quả nghiên cứu này mở ra một triển vọng nhiều hứa hẹn cho hướng ứng dụng vỏ tôm, cua, mực... để sản xuất vaccin cúm A.
Các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm tế bào gốc Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM cũng vừa thực hiện thành công đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào hướng điều trị bệnh về xương. Nhóm nghiên cứu của ThS. Đặng Thị Tùng Loan đã hoàn thành bước đầu đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình chuột nhắt trắng bị hoại tử xương chi do thuốc glucocorticoid”. Hướng nghiên cứu này sẽ là cơ sở cho hướng điều trị hoại tử xương thông qua việc ghép tế bào tủy xương. ThS. Đặng Thị Tùng Loan cho hay, nhiều nghiên cứu gần đây cho rằng bệnh hoại tử xương có căn nguyên từ tế bào. Do vậy liệu pháp tế bào được xem là hướng điều trị có nhiều triển vọng.

Sẽ hình thành trung tâm tế bào gốc

ThS. Đinh Minh Hiệp, phó trưởng phòng quản lý khoa học - Sở KH&CN TP.HCM cho biết, trong thời gian tới TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển chương trình nghiên cứu công nghệ sinh học, công nghệ tế bào gốc ứng dụng trong đời sống. Một số mục tiêu cụ thể như sau:
Nghiên cứu tạo sản phẩm cụ thể phục vụ điều trị, các sản phẩm thuốc hoặc tương đương thuốc.
Phối hợp với các trường viện, cơ sở y tế, doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực, xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu trở thành các chuyên gia về tế bào gốc.
Từng bước xây dựng cơ sở vật chất hình thành một trung tâm nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc theo mô hình các phòng thí nghiệm tiên tiến châu Âu.
Thúc đẩy hướng hợp tác ứng dụng các kết quả nghiên cứu tế bào gốc sau nuôi cấy, tăng sinh và biệt hóa vào điều trị và sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm.
Tăng cường hợp tác quốc tế theo các chương trình nghiên cứu, đào tạo nhằm thúc đẩy việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài…
Theo Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ khoa học và công nghệ), từ nay đến năm 2015 sẽ tiếp tục đẩy mạnh những nghiên cứu ứng dụng về tế bào gốc. Những đề tài nghiên cứu đã có kết quả khả quan sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo về thử nghiệm lâm sàng, tiến tới xây dựng phác đồ điều trị bệnh bằng tế bào gốc. Trong năm 2012 sẽ triển khai nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc để điều trị các bệnh như chấn thương cột sống (có tổn thương tủy); đột quỵ não; ung thư buồng trứng và ung thư vú; bệnh tiểu đường...
 
                                                                                                             Xuân Tuyến (nguồn khoahocphothong.com.vn)

 

 

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập