Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
(11/9/2012) Công nghệ mới trong việc xử lý nước thải bệnh viện
Cập nhật: 11-09-2012 02:05
Các nhà khoa học của Viện Công nghệ Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã phát triển và hoàn thiện một công nghệ xử lý nước thải bệnh viện mới có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện Việt Nam, khắc phục được hầu hết các nhược điểm của các công nghệ nêu trên.

 

 Công nghệ mới trong việc xử lý nước thải bệnh việnkhk7y766677676457.jpg

Hệ thống xử lý nước thải do Viện Công nghệ môi trường chế tạo và lắp đặt
tại các bệnh viện C Thái Nguyên.

Đó là công nghệ xử lý bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt cải tiến cấp khí tự nhiên. Lọc sinh học nhỏ giọt là loại bể lọc sinh học với vật liệu tiếp xúc không ngập nước. Nước thải được chia thành các màng nhỏ chảy qua vật liệu đệm sinh học và nhờ sự có mặt của các vi sinh vật phân hủy hiếu khí trên lớp màng vật liệu mà các chất hữu cơ trong nước thải được loại bỏ.
Hệ thống xử lý nước thải y tế của Viện Công nghệ Môi trường có chi phí đầu tư và vận hành, diện tích mặt bằng xây dựng thấp hơn hẳn các phương pháp sinh học thông thường. Mặt khác, quy trình vận hành nó rất đơn giản, các thao tác được thực hiện dễ dàng và hoàn toàn tự động bởi hệ thống điều khiển. Công nghệ lọc sinh học nhỏ giọt dựa trên các công đoạn xử lý sinh học diễn ra trong tháp dạng kín có thông khí tự nhiên nên không phải sục khí bằng máy bơm khí như những công nghệ khác. Do đó, lọc sinh học nhỏ giọt vẫn duy trì được sự sinh trưởng và phát triển của vi sinh vật cả khi mất điện hoặc nguồn điện không ổn định, trong khi các công nghệ lọc khác (như lọc sinh học ngập nước, lọc sinh học trong thiết bị hợp khối, thiết bị sinh học theo mẻ và bùn hoạt tính tuần hoàn) đòi hỏi phải cung cấp không khí thường xuyên bằng các máy thổi khí (tiêu tốn điện năng lớn, gây tiếng ồn và có thể còn phát tán vi khuẩn gây bệnh ra môi trường xung quanh).
Ưu điểm nổi bật nữa của công nghệ xử lý nước thải y tế của Viện Công nghệ Môi trường là toàn bộ hệ thống thiết bị và vật liệu được sản xuất hoặc có sẵn ở trong nước nên việc bảo trì các bộ phận, bổ sung hoặc thay thế một phần vật liệu đệm sinh học sau 10-15 năm hoạt động được thực hiện dễ dàng với chi phí rất thấp.
Nước thải sau khi được xử lý bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt cũng sẽ được loại bỏ tách bùn ở bể lắng Lamell. Bùn thải được xử lý ở bể phân hủy yếm khí. Kết thúc quá trình xử lý là khâu khử trùng. Viện Công nghệ môi trường cũng phát triển và sản xuất chất khử trùng natri hypoclorit từ nước muối bằng phương pháp điện hóa. Đây là phương pháp áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, thân thiện với môi trường, chi phí rẻ, không sử dụng hóa chất làm nguồn nguyên liệu đầu vào.
Áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, Viện Công nghệ Môi trường đã chuyển giao công nghệ, thi công, lắp đặt hàng chục dây chuyền công nghệ này tại nhiều bệnh viện, các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như chế biến sữa, sản xuất rượu bia... và đã thu được kết quả rất tốt như Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang (công suất Q = 330 m3/ngày đêm), Bệnh viện Lao Thái Nguyên (Q = 160 m3/ngày đêm), Bệnh viện C Thái Nguyên (Q = 360 m3/ngày đêm), Bệnh viện A Thái Nguyên (Q = 360 m3/ngày đêm), Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ Thái Bình (Q = 130 m3/ngày đêm), Bệnh viện tâm thần kinh Hưng Yên (Q = 150 m3/ngày đêm), Nhà máy sữa Mộc Châu (Q = 250 m3/ngày đêm), Trụ sở Công an Tỉnh Quảng Bình (Q = 50 m3/ngày đêm), Công ty cổ phần sữa Hà Nội, Hanoi Milk (Q = 300 m3/ngày đêm)...
Và gần đây nhất là ngày 17/7/2012, hệ thống xử lý nước thải với công nghệ lọc sinh học cải tiến của Viện Công nghệ Môi trường cho Bệnh viện Quân dân y Tỉnh Đồng Tháp đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Hệ thống có công suất 130 m3/ngày đêm, chất lượng xử lý đạt QCVN 28:2010, mức A. Đây là kết quả hợp tác Khoa học và phát triển công nghệ giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và UBND Tỉnh Đồng Tháp.
Có thể nói, xử lý nước thải bệnh viện bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt là phương pháp hiệu quả, rất phù hợp với điều kiện Việt Nam, giúp giải bài toán môi trường và kinh tế cho các bệnh viện ở nước ta hiện nay.
Nước thải bệnh viện là một nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vì có hàm lượng hữu cơ, các chất dinh dưỡng cao và đặc biệt có chứa nhiều vi khuẩn, virut gây bệnh. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã nghiên cứu, phát triển nhiều công nghệ xử lý nước thải bệnh viện như bể sinh học tiếp xúc hiếu khí, công nghệ bùn hoạt tính trong các bể aeroten truyền thống, SBR-xử lý hiếu khí theo mẻ, lọc sinh học ngập nước, công nghệ AAO, công nghệ màng sinh học MBR… Tuy nhiên, các công nghệ này đòi hỏi chi phí đầu tư cao, vận hành gặp nhiều khó khăn.
                                                                       Xuân Tuyến (theo TS. Trịnh Văn Tuyên, Viện Công nghệ Môi trường)
                                                                                                      www.khoahocphothong.com.vn

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập