Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
(23/9/2013) Vì sao máy bay nhỏ do Việt Nam chế tạo chưa được cất cánh?
Cập nhật: 23-09-2013 08:54
Cách đây hơn 10 năm, một dự án tầm quốc gia về chế tạo máy bay đã được triển khai và đã có một số máy bay do Việt Nam chế tạo được bay thực nghiệm. Tuy nhiên, dự án này đã bị quên lãng. Vì sao? TS. Trần Đình Bá, Hội khoa học kinh tế Việt Nam phân tích về vấn đề này.

 Dự án tâm huyết

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Công văn số 55/TB-VPCP - 18/4/2003 giao cho Hội cơ học Việt Nam, Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nghiên cứu, chế tạo máy bay cánh quạt loại nhỏ, 2 chỗ ngồi để hàng không VN được bay lên từ đôi cánh của chính mình. GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân lúc đó là phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao dự án và cam kết thành phố sẽ hỗ trợ tối đa, huy động các nguồn lực để tham gia đề án này, sẵn sàng ứng trước một phần chi phí trong giai đoạn ban đầu...
Dự án được các doanh nghiệp Việt kiều hưởng ứng nhiệt liệt và tài trợ. Ông Nguyễn Sang, giám đốc NT Enterprise Inc và ông Trần Trung Tín, giám đốc Asean Telecom Network đặt nhiều hy vọng vào tính khả thi của dự án, hứa sẵn sàng tiêu thụ các máy bay làm ra đạt tiêu chuẩn quốc tế với số lượng đặt hàng đợt đầu tiên là trên 100 chiếc, đồng thời vận động đầu tư cho dự án 5 triệu USD.
 may_bay.jpg
Ảnh: T.L
Thành công bước đầu
Hội cơ học VN cùng Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, tập hợp những kỹ sư trẻ của bộ môn hàng không thuộc Trường ĐH bách khoa TP.HCM và Trường ĐH bách khoa Hà Nội để thiết kế chế tạo máy bay. Họ đã trải qua bước nghiên cứu cải hoán chiếc máy bay siêu nhẹ VAM-1 của Canada thay khoảng 20% để phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Công việc sớm hoàn thành nhưng các thủ tục xin phép bay thử nghiệm VAM-1 kéo dài do cơ chế “xin - cho”.
Đến tháng 7/2005, đề tài mới nghiệm thu đợt 1, và đến 12/2005 mới bắt đầu được bay thử nghiệm. Chưa hết, khi kéo máy bay ra chạy thử kỹ thuật tại sân bay Phước Long - Bình Phước thì phải hoãn vì đơn vị quản lý sân đã cho thuê mặt sân để phơi nông sản chưa kịp thu hồi. Mãi tới 18/12/2005, máy bay chiếc VAM-1 sơn cờ VN do phi công dũng cảm Phạm Duy Long đã cất cánh thành công với 3 lần cất hạ cánh nhẹ nhàng trước mắt Hội đồng giám khảo bay thử nghiệm gồm các giáo sư, tiến sĩ ở Bộ khoa học - công nghệ, Bộ quốc phòng và Bộ giao thông vận tải do đại tá không quân Lương Quốc Bảo làm chủ tịch. Một bức điện khẩn cấp báo ngay tin vui cho phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm lúc đó phụ trách khoa học công nghệ...
Với kết quả khả quan của VAM-1, Hội cơ học Việt Nam đã quyết định chế tạo máy bay siêu nhẹ VAM-2 hoàn toàn nội địa hóa, ngoại trừ động cơ máy bay do Áo sản xuất. Đây là cơ hội để lực lượng khoa học trong nước thể hiện khả năng sáng tạo của mình vì công nghiệp hàng không là ngành rất mới ở nước ta. VAM-2 dựa trên mô hình máy bay siêu nhẹ ở nhiều nước kết hợp. Bên cạnh đó, Hội cơ học cũng hợp đồng với Công ty chế tạo mô hình máy bay Hòa Bình để chế tạo phần cánh, đuôi, thân, động cơ, chong chóng... 
Câu hỏi chưa có lời đáp
Những tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sức lao động sáng tạo một đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, cùng với việc đánh giá của Hội đồng khoa học, Hội đồng nghiệm thu thử nghiệm VAM-1 thành công thì VAM-2 càng thành công. Vậy mà chiếc VAM-2 đó đã không được bay. Sự nghiệp chế tạo máy, niềm tự hào của nền hàng không VN không được nhắc đến từ đó. Cả chiếc VAM-1 bay thành công và chiếc VAM-2 chuẩn bị bay cũng bị cho vào kho khóa chặt từ đó đến nay.
VN đang là quốc gia sở hữu một số lượng tới 63 sân bay với mật độ dày đặc đứng hàng đầu thế giới với bán kính 30 km “phủ sóng”. Tất cả 63 sân bay đều rất phù hợp cho loại máy bay siêu nhẹ để có thể sử dụng cho nhiệm vụ điều tra nghiên cứu thổ nhưỡng, phun thuốc trừ sâu, quản lý đất đai, quản lý rừng, khắc phục thiên tai, cấp cứu y tế, du lịch, công vụ đến những phi vụ đặc biệt về quốc phòng - an ninh như tuần tra bờ biển, kiểm soát an toàn môi trường, thần tốc ngăn chặn tội phạm... Ấy vậy mà máy bay nhẹ Việt Nam vẫn chưa được cất cánh, đến nay vẫn chưa có giải thích thỏa đáng. Trách nhiệm này thuộc về Cục hàng không dân dụng VN - cơ quan quản lý nhà nước về hàng không và thực thi Luật hàng không dân dụng VN. Không có quá tải sân bay, càng không thể có kẹt đường hàng không, vậy thì cớ gì mà máy bay Việt Nam chế tạo, đảm bảo yêu cầu lại không được cất cánh?                    
                                                                         Dương Phúc (Nguồn: khoahocphothong.com.vn)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập