Tìm kiếm
 

 Nội dung bản tin

 
(23/9/2013) Xây dựng hướng nghiên cứu ứng dụng mới về chọn tạo giống bức xạ
Cập nhật: 23-09-2013 09:42
Trong những năm gần đây, việc ứng dụng phương pháp bức xạ để chọn tạo giống mới là một trong những hướng đi mới mang lại nhiều triển vọng nhằm tạo ra những giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt. Tuy nhiên, công tác ứng dụng kĩ thuật mới trong chọn tạo giống hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

 

Chưa được quan tâm đúng mức
Chọn tạo giống đột biến cây trồng bằng kỹ thuật bức xạ đã được nghiên cứu ứng dụng nhiều ở các nước trên thế giới. Đây được coi là một ngành khoa học có sự tiến bộ nhanh về mặt kỹ thuật và đã có những đóng góp to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người về các sản phẩm nông nghiệp, có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong chọn tạo giống đột biến.
Ở Việt Nam, tuy đã có nhiều cơ sở nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực chọn tạo giống đột biến bằng bức xạ đã và đang hoạt động, nhưng hiện vẫn chưa có cơ sở nào được coi là đủ các điều kiện để thực hiện việc chọn tạo giống bức xạ. Các cơ sở nghiên cứu ứng dụng tham gia vào công tác chọn tạo giống bức xạ hiện nay thường chỉ triển khai một hay một số công đoạn trong toàn bộ quá trình chọn tạo và thường phải phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện các công đoạn chọn tạo.
xây dựng hướng nghiên cứu ứng dụng.JPG
 Ứng dụng kĩ thuật mới trong chọn tạo giống giúp nâng cao chất lượng giống cây trồng (ảnh: TH)
Thực tế đó cho thấy, chuyên ngành chọn tạo giống bức xạ là một chuyên ngành giao thoa giữa các ngành nông nghiệp, vật lý hạt nhân, sinh học,… trong đó có lĩnh vực được xem là công nghệ cao như sinh học phân tử, tin sinh học, công nghệ bức xạ chưa thực sự được chú ý đúng mức. Điều đó dẫn đến hệ quả nhiều dòng đột biến mới tạo ra chưa đăng ký được bản quyền giống, hiệu suất có được giống đột biến còn thấp so với công sức đã bỏ ra.
Ngành nông nghiệp nói chung và chọn giống cây trồng nói riêng ở nước ta đã có lịch sử từ lâu và đã hình thành nên một hệ thống đào tạo gồm các trường nghề, trường cao đẳng, đại học và các viện nghiên cứu chuyên ngành về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cơ sở chính quy đào tạo chuyên ngành này. Xét về lĩnh vực đào tạo cán bộ làm việc trong lĩnh vực này rất thiếu và yếu, cán bộ lâu năm hay chuyên gia đầu ngành lại còn ít hơn, chủ yếu là những cán bộ đã được đào tạo hay làm việc ở nước ngoài, lớp kế cận hầu như không có, những cán bộ trẻ dù có muốn được đào tạo thì cũng không có nơi đào tạo chính quy trong nước.
Nắm bắt nhu cầu thực tế
Với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp đã được giao quyền tự xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) và biện pháp tổ chức thực hiện, nhờ đó mà Trung tâm đã mạnh dạn đầu tư bỏ ra hàng trăm triệu đồng từ nguồn phí tự có để tổ chức cho cán bộ đi thăm, học hỏi kinh nghiệm tại Nhật Bản, một quốc gia rất phát triển về công nghệ chọn tạo giống đột biến cây trồng bằng kỹ thuật bức xạ. Từ đó Trung tâm đã xác định được chiến lược phát triển hướng nghiên cứu này phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị nói riêng và cả nước nói chung.
Định hướng nghiên cứu mới của trung tâm đã được Bộ KH&CN, Viện Năng lượng Nguyên tử ủng hộ thông qua việc chấp nhận cho trung tâm thực hiện một dự án “Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân công nghệ cao” trong đó có tổ hợp chọn tạo giống bức xạ và phê duyệt để thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế KH&CN theo nghị định thư 2009 – 2011 “Hợp tác chiếu xạ in vitro, in vivo trong chọn tạo một số giống hoa đột biến ở Việt Nam”.
Thông qua việc thực hiện các đề tài, nhiệm vụ đến nay phòng tạo giống bức xạ đã đạt một số kết quả rất khả quan. Chỉ trong thời gian ngắn, từ năm 2008 – 2009, phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào thực vật đã được thành lập, hoạt động ổn định, nuôi cấy được nhiều giống cây chuẩn bị vật liệu cho công tác chọn tạo giống như các chủng hoa cúc, salem, lan, cát tường, cẩm chướng, chuối laba, dâu tây, cỏ ngọt,…
Bên cạnh đó, trung tâm còn xây dựng được các quy trình căn bản về chọn tạo giống bức xạ. Chọn vật liệu cho việc chiếu xạ, tần suất chiếu xạ, chiếu xạ, nhân giống, trồng thể nghiệm để sàng lọc các đột biến ở mức độ kiểu hình, nhận dạng các dòng đột biến ở mức độ phân tử,.. Với các quy trình có được đã ứng dụng chiếu xạ tạo đột biến trên các chủng hoa cúc khác nhau trên các thiết bị Gamma, carbon beam, proton beam, máy phát tia X để tạo ra các thể đột biến, từ đó tiếp tục chọn lọc được các dòng đột biến tiềm năng, từ các dòng đột biến tiềm năng đã chọn lọc ra được 4 dòng ưu tú có thể ứng dụng vào sản xuất.
Đặc biệt, do nhận thấy nguồn nhân lực về chuyên ngành này còn nhiều hạn chế, thiếu và yếu nên trung tâm đã xây dựng kế hoạch tự đào tạo nhân lực nhiệm vụ cho phòng. Trong những năm qua phòng tạo giống bức xạ cũng than gia đào tạo cho sinh viên một số trường đại học như Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin, Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh,…
Với đội ngũ cán bộ nhiệt tình, năng động, sáng tạo ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, cùng với cơ sở vật chất trang thiết bị phòng thí nghiệm và các hợp tác trong và ngoài nước, phòng hoàn toàn có thể đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn theo định hướng của trung tâm và ngành Năng lượng nguyên tử, đặc biệt là có khả năng khai thác và sử dụng hiệu quả trang thiết bị chuyên dụng thuộc Tổ hợp chọn tạo giống bức xạ như buồng Gamma, vườn Gamma, máy phát tia X chuyên dụng được trang bị khi dự án Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật hạt nhân công nghệ cao hoàn thành đưa vào sử dụng.
                                                                             Dương Phúc(Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập