Đây là quan điểm của các chuyên gia
Australia và Việt Nam tại buổi làm việc giữa đại diện "Chương trình viện
trợ phát triển của Australia” (AusAid) với Viện Chiến lược và Chính sách khoa
học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN Việt Nam ngày 20/9 tại Hà Nội.
Buổi làm việc nhằm mục đích xác định
các nội dung liên quan đến chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực
KH&CN cũng như kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chính sách nhân lực
KH&CN của Việt Nam, góp phần hoàn thiện chương trình viện trợ phát triển
của Australia, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.
Theo TS. Hoàng Xuân Long, Phó Viện
trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN (NISTPASS), Chính phủ Australia
và Chương trình AusAid thời gian qua đã hỗ trợ 3 nội dung quan trọng cho phát
triển của Việt Nam: cấp học bổng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; hỗ trợ
cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách kinh tế; phát triển môi trường bền vững với
các chủ đề về nước sạch, vệ sinh và biến đổi khí hậu.
Việc thu hút nguồn
nhân lực KH&CN trình độ cao phải
gắn liền với việc
sd hiệu quả nguồn nhân lực đó
Đại diện NISTPASS đã giới thiệu một
số nội dung quan trọng liên quan đến nguồn nhân lực KH&CN của Việt Nam,
trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các điểm hạn chế như nhân lực KH&CN còn
thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; cơ cấu phân bổ nhân lực chưa hợp lý giữa
vùng, miền, ngành; hiện trạng môi trường hàn lâm cũng như môi trường kinh tế
cho các hoạt động nghiên cứu còn nhiều hạn chế;… Đồng thời đưa ra những khó
khăn chính trong phát triển của chuyên gia KH&CN như: thù lao cho hoạt động
nghiên cứu thấp, cơ hội tiếp xúc với khoa học quốc tế chưa nhiều, thiếu liên
kết hợp tác với tổ chức khoa học quốc tế trong khi chưa có tổ chức nào đứng ra
làm trung gian môi giới,…
Các chuyên gia của NISTPASS cũng
giới thiệu các quan điểm phát triển nguồn nhân lực KH&CN của Việt Nam tại
các văn bản chính sách gần đây như Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam
giai đoạn 2011-2020, Luật KH&CN (sửa đổi), Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về Phát triển KHCN và một số quan điểm chính
sách được vận dụng để xây dựng các chính sách liên quan.
Hai bên đã cùng trao đổi, thảo luận
về những chính sách phát triển KH&CN nói chung trong đó có chính sách phát
triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực KH&CN ưu tiên. Theo đó, hai bên cùng
cho rằng việc phát triển và thu hút nhân lực trình độ cao cũng phải đồng thời
cùng với sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đó, nếu không sẽ là một lãng phí vô
cùng lớn cả về tài chính, con người cũng như các nguồn lực xã hội.
Các chuyên gia cũng đưa ra những gợi
ý để chuẩn bị cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, bao gồm:
mở rộng chương trình tài trợ học bổng sau tiến sĩ và quỹ giáo sư dành cho tiến
sĩ, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên. Đây là lực lượng nhân lực KH&CN
trình độ cao, có vai trò then chốt và tiềm năng trở thành nhà khoa học đầu đàn
trong các lĩnh vực KH&CN của Việt Nam. Bên cạnh các hỗ trợ học bổng,
hỗ trợ nghiên cứu, các chính sách hỗ trợ cho chuyên gia quay trở về nước cũng
nên được quan tâm. Một số chính sách hỗ trợ tới các nghiên cứu cụ thể như
nghiên cứu về giới, khuyến khích nhà khoa học nữ, hỗ trợ tài chính cho các cựu
sinh viên đề xuất, hỗ trợ cho việc hình thành nhóm nghiên cứu,... cũng nên được
quan tâm xem xét.
Bà Sheridan, Chuyên gia của Chương
trình AusAid cho rằng tiến trình xây dựng chiến lược này đòi hỏi thời gian lâu
dài và qui trình phức tạp, song hy vọng sẽ là đóng góp thiết thực, hữu ích cho
phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong thời gian tới.