Tìm kiếm
 

 Nội dung bản tin

 
(04/6/2014) Ứng dụng CNTT và truyền thông phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn
Cập nhật: 04-06-2014 10:57
Chiều 29/5, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC01/11-15 – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài “Nghiên cứu đề xuất và triển khai thử nghiệm các mô hình, giải pháp phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam” mang mã số KC01.06/11-15. Đề tài do PGS.TS Hoàng Minh – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông làm chủ nhiệm.

  ung dung cntt va truyen thong vao san xuat.JPG

   Toàn cảnh phiên nghiệm thu

Mục tiêu của đề tài nhằm xác định, lựa chọn các công nghệ viễn thông phù hợp cho ứng dụng ICT phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam; Xây dựng mô hình cung cấp thông tin phục vụ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm giúp người dân ở các vùng này tiếp cận được thông tin tri thức, thị trường để hỗ trợ sản xuất, bán sản phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng; Có được kết quả thử nghiệm mô hình và giải pháp lựa chọn.
Theo đó, đề tài KC01.06/11-15 tập trung vào nghiên cứu các nội dung như: Nghiên cứu hiện trạng và yêu cầu phát triển ICT phục vụ kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn; Lựa chọn công nghệ, giải pháp và mô hình viễn thông cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Nghiên cứu hiện trạng và yêu cầu phát triển ICT phục vụ kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn; Xây dựng hệ thống cung cấp, xử lý, cập nhật thông tin phục vụ phát triển nông thôn; Triển khai thử nghiệm hệ thống ICT tại 03 vùng nông thôn điển hình; Xây dựng lộ trình và đề xuất các chính sách thúc đẩy sự phát triển ICT cho phát triển nông thôn.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã đạt được nhiều kết quả. Đề tài đã xây dựng được sản phẩm “các mô hình viễn thông cho các vùng nông thôn” trong đó đã xây dựng được 6 mô hình viễn thông cho 6 vùng nông thôn điển hình của Việt Nam là vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng nông thôn Tây Nguyên, vùng nông thôn Đông Nam Bộ, vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Các mô hình này đã thỏa mãn được các tiêu chí yêu cầu theo mỗi vùng nông thôn phù hợp với điều kiện địa lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, loại hình làng nghề của nông thôn Việt Nam. Sản phẩm này đã sẵn sàng cho chuyển giao và đã được VNPT Vĩnh Phúc, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn CMC chấp thuận tiếp nhận.
Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng được sản phẩm “hệ thống cung cấp, xử lý, cập nhật thông tin phục vụ phát triển nông thôn”. Kết quả của sản phẩm này đã xây dựng được mô hình và sơ đồ thiết kế mang nội dung thông tin công cộng (PCN) có khản năng cung cấp và phân phối nội dung thông tin qua mạng ICT gồm diễn đàn trao đổi thông tin và mạng xã hội cho các tổ chức, cá nhân cho phép người quản trị cập nhật thông tin dễ dàng, người sử dụng truy nhập thông tin đơn giản, cho phép tìm kiếm thông tin và trao đổi thông tin với chuyên gia và những người khác. Sản phẩm này đã sẵn sàng chuyển giao và có thể được Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Hội Nông dân Việt Nam tiếp nhận.
Ngoài ra, đề tài đã xây dựng được sản phẩm “xây dựng lộ trình và đề xuất các chính sách thúc đẩy phát triển ICT cho nông thôn”. Theo đó, sản phẩm này đã đề xuất xây dựng 05 nhóm chính sách thúc đẩy phát triển ICT cho nông thôn, đề xuất lộ trình phát triển ICT nông thôn giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Sản phẩm này đã sẵn sàng chuyển giao và được Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông – Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận.
Kết quả của đề tài khi chuyển giao sẽ được đưa vào ứng dụng trong thực tế và trực tiếp phục vụ cho các mục tiêu, yêu cầu phát triển ứng dụng ICT ở vùng nông thôn, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn Việt Nam. Đồng thời, kết quả đề tài cũng cung cấp các kiến thức khoa học, các kiến thức trong trồng trọt, sản xuất, và chăn nuôi nhằm góp phần nâng cao nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh ở nông thôn. Mặt khác, thông qua hệ thống cung cấp, cập nhật, trao đổi thông tin, sẽ trợ giúp cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp xúc, tiếp thị các sản phẩm ra bên ngoài, tăng cường khả năng cạnh tranh góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng nông thôn này.
Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng đều đánh giá số lượng các sản phẩm đủ, chất lượng đạt yêu cầu. Tuy nhiên, theo Hội đồng đề tài cũng cần bổ sung thêm cơ sở lý luận, các tiêu chí để phân cấp các vùng; cần có giải pháp để website có tính cập nhật thông tin, bổ sung chức năng tìm kiếm; diễn đàn cần có sự phân quyền; phần chính sách cần làm rõ giữa các chính sách hiện có với các phần tự đề xuất ra; cần khảo sát phổ tần của truyền hình sử dụng cho từng vùng cụ thể để từ đó biết được vùng phổ tần còn lại phục vụ cho mạng truy nhập vô tuyến, từ đó xác định băng thông và các dịch vụ cung cấp.
                                                                             Dương Phúc (Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập