Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
(19/11/2014) Ông Nguyễn Thiện Nhân và điểm 10 xuất sắc cho câu trả lời về chiếc mũ rơm
Cập nhật: 19-11-2014 09:12
Ngày 13/11, tại buổi Tọa đàm Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam và nhiệm vụ đào tạo tài năng trẻ quốc gia, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã tặng điểm 10 cho học sinh với phần trả lời xuất sắc về chiếc mũ rơm.
 
Trong buổi giao lưu đầy ý nghĩa với các nhà giáo, các thế hệ học sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amasterdam và 170 học sinh giỏi của thủ đô Hà Nội trong các đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2015, ông Nguyễn Thiện Nhân đã mang theo chiếc mũ rơm và đặt câu hỏi với học sinh về sự ra đời của chiếc mũ rơm.
mu-rom-e4645.jpg
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
đặt câu hỏi thú vị với học sinh về chiếc mũ rơm.
Học sinh Đỗ Hải Nam lớp 12 chuyên Sử Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trả lời: “Mũ rơm là một vật chứng gắn liền với tuổi thơ của bố mẹ chúng cháu. Mũ rơm ra đời vào năm 1964, sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ cho không quân và hải quân bắn phá miền Bắc. Học sinh, trẻ em đi học đều phải đội mũ rơm tránh bom…”.
Với câu trả lời xuất sắc này, ông Nguyễn Thiện Nhân đã chấm điểm 10.
Ông Nhân ra tiếp câu hỏi: Các nước có mũ sắt để tránh bom, tại sao Việt Nam lại dùng mũ rơm?
Học sinh Nguyễn Trọng Đạt, Trường THPT Chu Văn An: “Việt Nam không dùng mũ sắt vì nguồn khoáng sản ít, hoàn cảnh chiến tranh gấp gáp, sắt để sản xuất vũ khí. Còn mũ rơm là biểu tượng truyền thống, trong lịch sử đã được sử dụng rất nhiều, là nghệ thuật sáng tạo trong chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ…”.
Kể tiếp những câu chuyện về “thời đội mũ rơm” của mình, ông Nhân cho biết, ông là học sinh thế hệ mũ rơm, năm 1965 đi sơ tán, về nông thôn học sinh đều đội mũ rơm vì không đủ mũ sắt. Một sợi rơm rất mềm chẳng giải quyết gì nhưng bện lại chắn được vật cứng, sắc.
Qua câu chuyện trên, ông Nhân cho rằng, trong chiến tranh, các thế hệ người Việt Nam vẫn kiên cường đứng lên vừa chiến đấu thống nhất nước nhà, vừa xây dựng kiến thiết đất nước, kế tục ý chí đó, thế hệ trẻ hôm nay phải biết vươn lên, không chấp nhận đói nghèo, lạc hậu.
“Các em phải nắm trong tay vận mệnh đất nước, đưa đất nước phát triển, giữ vững biên giới, giữ gìn văn hóa dân tộc, sứ mệnh đó vô cùng lớn lao khi đất nước đang trong quá trình hội nhập” - ông Nhân nhắn nhủ.
giao-luu-a8c2c.jpg
Quan trọng chính sách thu hút nhân tài
Tại cuộc giao lưu, khách mời đã thảo luận chủ đề người Việt sau khi du học nên trở về nước hay ở lại nước ngoài. Học sinh Phạm Mai Phương, huy chương vàng Olympic Hoá quốc tế 2014 tâm sự: “Trước khi đến với kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế, cô chủ nhiệm nói với em rằng, lần thi này này không giống các lần trước mà mang trọng trách làm cho đất nước vẻ vang. Khi được xướng tên một trong 3 học sinh được điểm cao nhất, em rất tự hào, tự hào khoác trên vai lá cờ Tổ quốc, em cảm thấy mình trưởng thành hơn. Tuy nhiên, em nghĩ đây mới chỉ là bước khởi đầu, kỷ niệm đẹp, tương lai còn dài, em sẽ đi du học theo đuổi ngành Hóa học. Đất nước cần nhiều nhân lực chất lượng cao, hy vọng ngành Hoá học sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.
Chia sẻ về việc đào tạo học sinh trường chuyên, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, người ta hay nghĩ trường chuyên là nuôi gà công nghiệp, gà chọi, điều này đã khác xưa và đang thay đổi. Bằng chứng là học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vừa học giỏi vừa tích cực hoạt động xã hội.
“Chúng ta mong muốn học sinh được tiếp thu nền giáo dục tốt nhưng khát vọng vươn xa thành công dân toàn cầu là điều đáng khuyến khích. Hy vọng học sinh đi du học tiếp thu được chất xám thế giới về phục vụ đất nước” - ông Chuẩn cho hay.
Trả lời câu hỏi nhà nước có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài như thế nào để người giỏi ở nước ngoài nói chung và nhân tài Việt Nam về cống hiến cho đất nước, ông Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng: “Người Việt Nam mà đau đáu với quê hương nhớ về cội nguồn thì dù ở đâu, dù làm gì cuối cùng vẫn dành một phần trái tim mình cho quê hương. Do vậy, chúng ta không nên đặt yêu cầu đi du học nước ngoài là phải về. Nhiều cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài vẫn hướng về đất nước. Nếu ở nước ngoài có cơ hội phát triển lại gắn với đất nước thì rất hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu ai thấy có thể trở về được thì cứ trở về phục vụ ngay thì rất tốt”.
                                                                                              Dương Phúc (Nguồn: dantri.com.vn)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập