Cho đến nay, khi nhắc lại sự kiện vượt ngục, ông Lê Kim Tiến (bí danh là Năm Thanh) hiện đang sống tại Xuân Lập (Long Khánh) vẫn bùi ngùi xúc động. Lau hàng nước mắt nhớ về 22 đồng đội đã hy sinh ngay trong ngày vượt ngục hiện chưa tìm thấy hài cốt ông kể, ngay chiều hôm đó, khi nhận lệnh của trên ông cùng các đồng đội của mình vẫn thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày của người tù với một phong thái khá tự nhiên. Chỉ đến khi những người tù đã thoát ra khỏi nhà lao Tân Hiệp thì kẻ thù mới hoang mang và cho bố phòng lại toàn bộ hệ thống canh giữ, nhất là với những tù chính trị. Nhớ lại những ngày ấy, các chiến sỹ cách mạng không thể nào quên khi lén lút bắt những côn trùng, thằn lằn, nhặt lá cây để ăn và tự bồi bổ cho mình ngoài khẩu phần chúng phát cho người tù là lưng bát cơm nấu bằng gạo mục nát kèm với đất và chút mắm để tiếp tục có sức đấu tranh.
Không gian nhà giam trong trí nhớ của ông Tiến là một căn phòng khoảng 200m2, bốn bề kín mít, không đủ không khí cho tù nhân thở, ở góc phòng đặt một thùng tôn để tù nhân đại, tiểu tiện, mùi xú uế bốc lên khắp gian phòng… Cuộc vượt ngục phá khám Tân Hiệp ngày 2-12-1956 đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng miền Nam, 22 người đã hy sinh ngay trong làn đạn của giặc khi vượt ngục đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Dù gian khổ, dù hy sinh mất mát nhiều trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc nhưng những người chiến sỹ cộng sản vẫn tin tưởng vào ngày thắng lợi cuối cùng. Sau khi thoát khỏi nhà ngục, ông cùng đồng đội tiếp tục đấu tranh cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Ông Nguyễn Văn Thông, Nguyên bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa vẫn còn ứa nước mắt khi kể lại ngày nhà báo Dương Tử Giang, bị giam tại nhà lao Tân Hiệp ngã xuống trong thời điểm vượt ngục: “17 giờ 30 phút ngày 2-12-1956, anh Giang cùng hàng trăm tù nhân chính trị nổi dậy phá khám Tân Hiệp. Trong lúc địch và ta bắn nhau ác liệt, anh Giang đã vượt qua cổng ngục, khi tới suối Đồng Tràm thì bị trúng đạn rồi nằm sấp bên bờ suối tắt thở”.
Bà Nguyễn Thị Thoại hiện đang sống cùng người em trai tại Cẩm Mỹ cũng không thể nào quên cái ngày vượt ngục đầy kỷ niệm ấy. Bà kể lại, những ngày sống trong nhà tù của bọn đế quốc, chúng dùng những hình thức tra tấn dã man nhất như cho người tù “đi tàu nhanh”, “đi tàu lặn”, “đi tàu ngầm” hay “đi tàu bay”… là các loại hình tra tấn cột chặt chân, tay của người tù ra phía sau, dùng dây kéo người tù nhấn đầu họ ngụp lặn xuống phi nước, khi người tù rãy rụa thì áp suất nước đẩy va đập cho họ phun máu miệng, máu mũi. Khi không còn rãy rụa được chúng đưa ra hô hấp rồi tiếp tục tra tấn… Những đòn, roi kinh hoàng ấy của bọn đế quốc tại các nhà lao Tân Hiệp, Côn Đảo, Phú Quốc không thể làm nao núng tinh thần các chiến sỹ cách mạng. Họ vẫn kiên cường đấu tranh, vẫn không quản gian nan để chờ ngày thắng lợi cuối cùng.
Trong hồi ký của bà Lưu Thị Na đã viết rằng, ngày 30-12-1970, bọn cai ngục đưa cảnh sát dã chiến về ném lựu đạn hơi cay vào các phòng, riêng phòng 11 bị ném 24 trái, làm cả 51 người trong phòng ngất xỉu, phỏng toàn thân rồi chúng dùng thuốc xịt kiến DDT bơm vào mặt tất cả chị em làm mọi người bất tỉnh nhân sự, sau đó bị kéo bừa ra phơi nắng. Dịp này, chị Chính quê ở Vĩnh Long bị nhiễm độc nặng mà chết. Còn chị Thanh sau khi ra tù, lập gia đình, sinh được 2 con, một đứa 8 tuổi vừa đi học về lăn đùng ra chết, được các bác sỹ khám nghiệm cho biết do nhiễm độc từ mẹ…
Bà Trần Thị Hòa, trưởng ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh kể lại thời khắc này, lúc này là mùa đông, tiết trời xe lạnh, mới 17 giờ trời đã nhá nhem tối. Một số đồng chí trong tổ xung kích, mình trần mặc quần đùi, đi đi lại lại bên ngoài sân trại và tiếp cận các mục tiêu. Số anh em ở các trại D, E, G là những người được phổ biến trước đều đứng hoặc ngồi trước cửa, thấp thỏm chờ hành động.
Nhận chỉ thị của trên, đúng 17 giờ 30 phút ngày 2-12-1956, khi tên lính trực vừa đánh kẻng báo cho tù nhân vào trại thì tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp nhà tù. Các mũi xung kích nhanh chóng tiến thẳng đến các mục tiêu đã được phân công như bắt giám thị và bọn tay sai, cướp kho súng, bắn áp đảo địch để anh em thoát ra cổng. Anh em từ các trại tràn ra cửa như nước vỡ bờ. Một số anh em không được phổ biến trước thấy vậy cũng chạy theo.
Sự hy sinh, mất mát gian khổ là thế nhưng khí tiết của những người cách mạng vẫn tiếp tục được nêu cao, soi sáng trong cuộc sống đời thường. Ngày nay, dù tuổi cao, sức yếu song những cựu tù chính trị vẫn tiếp tục giúp nhau trong cuộc sống đời thường. Hàng trăm phần quà tình nghĩa, hàng nghìn lời động viên thăm hỏi khi có dịp ghé thăm nhau vẫn được các cựu tù còn sống dành lời khắc ghi, để tri ân, để tưởng nhớ những người đã khuất. Cuộc giao lưu họp mặt truyền thống của cựu tù nhà lao Tân Hiệp lần thứ 5 được tổ chức sáng nay (1-12) thêm một lần nữa nhắc nhở những người cựu tù, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ và thế hệ trẻ luôn khắc ghi một thời đạn bom khói lửa, tàn khốc, ác liệt nhưng vô cùng vinh quang và tự hào, góp phần làm nên chiến thắng vang dội của dân tộc trong thế kỷ XX.
Ngọc Giáp