Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì và phát triển như: vốn đầu tư, năng lực quản lý, mặt bằng sản xuất, xử lý môi trường, thị trường, thiếu lao động có tay nghề, đặc biệt là thiếu sự liên kết, thống nhất trong tổ chức sản xuất kinh doanh. Để góp phần khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống phù hợp với tình hình phát triển kinh tế thị trường, tận dụng những tiềm năng sẵn có, thúc đẩy các ngành nghề truyền thống phát triển vững mạnh, tăng khả năng cạnh tranh và đứng vững trong quá trình hội nhập kinh tế thị trường, Đồng Nai chủ trương ưu tiên khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống trên địa bàn, đặc biệt là các nghề dệt thổ cẩm của người Châu Mạ ở xã Tà Lài - huyện Tân Phú, nghề đúc gang trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, nghề sản xuất, chế biến nấm các loại trên địa bàn thị xã Long Khánh, nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện Trảng Bom, nghề mây tre đan trên địa bàn huyện Định Quán...
Cùng với các đề án khôi phục phát triển nghề truyền thống, Đồng Nai đặc biệt quan tâm bố trí mặt bằng quy hoạch cụm công nghiệp sau khi đề án được phê duyệt, phát triển cụm công nghiệp theo hướng trở thành trung tâm liên kết các cơ sở hiện có, hình thành khu sản xuất tập trung bố trí các công đoạn sản xuất có khả năng gây ô nhiễm, showroom trưng bày sản phẩm. Riêng năm 2010, UBND cấp tỉnh và cấp huyện đã phê duyệt kế hoạch xây dựng điểm sản xuất thổ cẩm dân tộc Châu Mạ xã Tà Lài - huyện Tân Phú; Cụm công nghiệp: gỗ mỹ nghệ - huyện Trảng Bom; Cụm công nghiệp mây tre đan - huyện Định Quán; Cụm công nghiệp đúc gang - huyện Vĩnh Cửu; Cụm công nghiệp sản xuất chế biến nấm - thị xã Long Khánh. Việc hình thành các cụm công nghiệp phục vụ làng nghề là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, thu hút đầu tư, thu hút lao động nông thôn tham gia phát triển làng nghề, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp địa phương theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Để tạo nguồn lao động phục vụ các cơ sở công nghiệp nông thôn, các ngành nghề truyền thống, Trung tâm khuyến công Đồng Nai đã hỗ trợ kinh phí khuyến công để đào tạo nghề, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng từ 60 - 80% lao động được đào tạo tại chỗ và 100% lao động được bàn giao cho đơn vị thụ hưởng. Ưu tiên bố trí các dự án đầu tư ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được vào các cụm công nghiệp, các điểm công nghiệp nhỏ và các điểm công nghiệp làng nghề theo quy hoạch, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; Tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp và đào tạo lao động có tay nghề, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cũng như tiếp cận các tiến bộ của khoa học nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham quan khảo sát, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất tiên tiến, tìm kiến nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất; Tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề để các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, thông tin, đẩy nhanh các mối quan hệ kinh tế hợp tác đa phương, đặc biệt chú trọng đến thị trường nước ngoài nhằm tăng giá trị xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống tham gia hội chợ triển lãm ở trong và ngoài nước; Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho lao động, đặc biệt là lao động vùng sâu, vùng xa, vùng công nghiệp chậm phát triển, trong đó có định hướng sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu; khai thác, tận dụng tiềm năng nguyên liệu sẵn có tại địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các dịch vụ tài chính, tín dụng một cách có hiệu quả… Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mây tre lá trên địa bàn tỉnh năm 2013 đạt 9 triệu USD; 9 tháng đầu năm 2014 đạt 7,5 triệu USD, đóng góp 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành mây tre lá của tỉnh giai đoạn 2010 - 2014 đạt 10,7%. Việc phát triển ngành nghề mây tre lá đã giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động nông thôn, thu nhập bình quân khoảng 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Thị trường xuất khẩu mặt hàng mây tre lá tập trung vào 3 thị trường chính là châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á, trong đó, nhiều nhất là các nước: Đức, Mỹ, Nhật…
Hiện nay tỉnh Đồng Nai hiện có 35.096 ha diện tích rừng có lồ ô, tre, nứa. Toàn tỉnh có khoảng 194 triệu cây lồ ô, tre, nứa và một số các loại nguyên liệu khác như: song mây, le, mum khuy, dây rừng… Đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành mây tre lá của tỉnh. Tuy nhiên, trữ lượng không được khai thác của các loại cây này chiếm tới 50% tổng số cây do nằm trong rừng đặc dụng đã ảnh hưởng mạnh tới việc khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu cho các cơ sở mây tre lá của tỉnh. Phần lớn diện tích và trữ lượng lồ ô, tre, nứa phân bố trong các khu rừng đặc dụng, đó là sinh cảnh rừng để các động vật hoang dã kiếm ăn và cư trú, là nguồn thức ăn của một số loài vật nên nếu tiến hành khai thác, sử dụng sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn do nhiều tác động. Bên cạnh đó, việc khai thác lồ ô, tre, nứa dễ gây cháy rừng trong mùa khô cùng với hiện tượng cây lồ ô, mum khuy theo chu kỳ… là những khó khăn, thách thức lớn trong vấn đề nguồn nguyên liệu cho ngành mây tre lá Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP tư vấn tài chính và đầu tư AFI, công ty tư vấn thực hiện đề án phát triển ngành mây tre lá tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Sở NN-PTNT cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 280 cơ sở chuyên sản xuất mây tre lá. Với tổng trữ lượng lồ ô, tre, nứa gần 194 triệu cây, sản lượng có thể khai thác hàng năm khoảng từ 20 - 30%, tương ứng từ 39 - 58 triệu cây/năm đủ khả năng đáp ứng nguyên liệu tre, nứa cho các cơ sở sản xuất mây tre lá trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do chính sách đóng cửa tất cả các loại rừng tự nhiên của tỉnh nên nguồn nguyên liệu lồ ô, tre, nứa cung cấp cho các cơ sở mây tre lá trở nên khan hiếm. Từ đó, đã có hàng loạt các cơ sở mây tre lá nhỏ buộc phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Một số cơ sở lớn thì tìm kiếm nguồn nguyên liệu tre, nứa ngoài tỉnh như Lâm Đồng, Tây Ninh để phục vụ sản xuất hoặc chuyển sang dùng loại nguyên liệu khác để thay thế hoặc nguyên liệu giả mây.
Cũng theo ông Đức, toàn tỉnh hiện có 1.416,5 ha mây trong rừng gỗ hoặc rừng hỗn giao với tổng trữ lượng trên 600 ngàn sợi, sản lượng có thể khai thác hàng năm khoảng 30%, tương ứng 92 - 100 tấn song mây/năm. Với sản lượng này, hằng năm có khả năng đáp ứng 38% tổng nhu cầu nguyên liệu song mây cho các cơ sở sản xuất mây tre lá trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do chính sách “đóng cửa rừng” của tỉnh, nên nguồn nguyên liệu song mây trên thực tế hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 5 - 10% nhu cầu sản xuất cho các cơ sở.
Hiện nay, số cơ sở mây tre lá trên địa bàn tỉnh được tổ chức theo hình thức cá thể, hộ gia công chiếm số lượng lớn, tới trên 90%. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất thủ công với kỹ thuật, công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng sản phẩm thấp dẫn đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Các doanh nghiệp chưa có sự liên kết với nhau và với người trồng nguyên liệu. Do đó, cả người trồng nguyên liệu và người chế biến hưởng lợi rất ít từ ngành mây tre lá. Việc phân phối, tiếp thị, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm mây tre lá trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế và chưa có tính định hướng phát triển nên khối lượng tiêu thụ của mặt hàng này chủ yếu xuất bán qua khâu trung gian, mang lại hiệu quả kinh tế thấp và thiếu tính bền vững.
Theo ông Phạm Văn Nhân, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, dự báo đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 cơ sở và đến năm 2030 vào khoảng 350 cơ sở sản xuất mây tre lá. Để phát triển ngành mây tre lá, bên cạnh việc tập trung cho nhóm sản phẩm có lợi thế như: lục bình, giả mây, tre và đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất của ngành thì việc phát triển chuỗi giá trị ngành là vô cùng quan trọng. Bởi việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị sẽ góp phần cung cấp nguồn nguyên liệu mây tre lá chất lượng, ổn định và bền vững thông qua việc quản lý thu hoạch các vùng nguyên liệu đã được quy hoạch, cải tiến và khoanh nuôi theo kỹ thuật mới. Nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở, công ty chế biến trong Hiệp hội các nhà sản xuất mây tre lá của tỉnh nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của các khách hàng lớn trong và ngoài nước cũng như thâm nhập, phát triển thị trường mới. Đồng thời, thắt chặt mối quan hệ mới giữa các cơ sở, công ty cung cấp nguyên liệu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng quy mô kinh tế và năng lực sản xuất. Việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm sẽ góp phần nâng cao năng lực của các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành mây tre lá về kiến thức, công nghệ sản xuất, kỹ năng quản lý, tiếp thị. Thúc đẩy đổi mới thiết kế và phát triển sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm mây tre lá đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong những năm qua nhiều doanh nghiệp không chỉ đóng góp với địa phương về mặt ngân sách mà còn mang lại thu nhập cho nhiều lao động ở các địa phương cũng như góp phần đào tạo nghề mới thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội của tỉnh nói chung.
Ngọc Giáp