Hai vinh dự nhà nước nói trên là kết quả của một tri thức giàu lòng yêu nước. GS. Đặng Vũ Hỷ tốt nghiệp bác sĩ năm 1937 tại Pháp chuyên ngành da liễu, về nước làm hợp đồng cho Sở than Đông Dương nhưng sau đó trở về Hà Nội mở phòng mạch tư làm nghề tự do và sống rất sung túc. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông thôi làm phòng mạch và nhận lời mời của GS. Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường đại học Y khoa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tham gia giảng dạy tại trường và điều trị bệnh nhân tại Nhà thương Đồn Thủy (ngày nay là Bệnh viện quân đội 108 và Bệnh viện Hữu Nghị).
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đồng hành cùng toàn dân tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của dân tộc tới ngày thắng lợi hoàn toàn. Đầu năm 1946, ông được phân công phụ trách Trạm quân y Cổ Lễ mặt trận Hà Nam Ninh. Là bác sĩ đào tạo tại Pháp và chỉ làm chuyên môn nhưng khi hữu sự vì đất nước, tài chỉ huy tổ chức Trạm Quân y phục vụ bộ đội và nhân dân được phát huy nên ông đã vượt nhiều khó khăn trong tình trạng hiểm nguy và thiếu đủ mọi thứ của những ngày đầu kháng chiến 9 năm.
Năm 1948, ông được chuyển sang dân y và làm Trưởng ty Y tế Ninh Bình rồi trở thành cán bộ giảng dạy Trường Y sĩ Liên khu III-IV ở Thanh Hoá vào năm 1950 chuyên giảng dạy nội khoa.
Trường Y sĩ Thanh Hoá là nơi đào tạo y tế dân y cho toàn Bắc Bộ và học sinh tốt nghiệp của trường là cán bộ lãnh đạo dân y các tỉnh trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và trong những ngày hoà bình sau 1954, rồi chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trở về Hà Nội, do thành tích giảng dạy và những công trình biên soạn sách giáo khoa và nhiều sáng kiến khoa học nên BS. Đặng Vũ Hỷ được Nhà nước phong tặng học hàm giáo sư trong đợt đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bấy giờ ông được trở về làm chuyên khoa da liễu, là Chủ nhiệm bộ môn của Trường đại học Y khoa, kiêm Chủ nhiệm khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai.
Ông đã đóng góp công sức nâng cao chất lượng khoa học của khoa nên khoa đã được nâng lên thành Viện Da liễu, được Chính phủ cho thành lập rất sớm cùng thời với Viện Tai mũi họng.
Viện Da liễu đã phát triển chất lượng khoa học nhanh chóng và đặc biệt quan tâm đến bệnh phong, những người không may trong những người kém may mắn nhất vừa đau khổ do bệnh tật lại đau khổ hơn nhiều do kỳ thị của xã hội.
Lúc đó chưa có rifampycin nên tổn thương do bệnh phong rất nặng nề và phẫu thuật phục hồi chức năng chưa phát triển nên tình trạng biểu hiện bệnh phong rất bi đát khiến xã hội xa lánh. Không ngại lây bệnh, không hề xa lánh bệnh nhân, GS. Đặng Vũ Hỷ đã đến tất cả những trại phong của Việt Nam ở miền Bắc và tìm mọi cách xoa dịu vết thương thể xác và tinh thần cho họ.
Chúng tôi - thế hệ sinh viên y khoa 1952-1956 vào trường tại Chiêm Hóa năm 1951 nhưng khai giảng vào tháng 1/1952 nên gọi là khóa 52; khóa cuối cùng học trong rừng Chiêm Hóa, Tuyên Quang, khi về học lại được xếp vào năm thứ 5, vẫn thi nội trú và được học thầy Hỷ vào những năm 1956.
Đến ngày nay, khi viết bài này vào ngày 26/5/2008, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua mà tôi vẫn thấy hiển hiện trước mắt hình ảnh của thầy Hỷ dáng cao to, nụ cười rất có duyên và hóm hỉnh với giọng nói trầm và từ tốn cùng cử chỉ ân cần chu đáo tỉ mỉ khi thăm khám cho bệnh nhân.
Tại giảng đường thực tập nội dung da liễu khó hấp dẫn hơn là ngoại, nội khoa vì tuổi trẻ thích những vấn đề bệnh lý sâu sắc nhưng với tài sư phạm rất có duyên lại khéo liên hệ với thực tế nên giờ giảng của thầy vẫn rất hấp dẫn, đặc biệt là giảng trên người bệnh những chi tiết nếu không có kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm lâm sàng thì rất dễ bỏ qua nên khi đi thực tập luân khoa đến khoa da liễu chúng tôi lại thích thú khi theo thầy thăm khám cho bệnh nhân và giảng dạy lâm sàng trực tiếp từ bệnh nhân.
Tỉ mỉ, từ tốn, ân cần, tôn trọng bệnh nhân là những điều cơ bản mà thầy Hỷ đã để lại trong tâm hồn của chúng tôi lúc còn rất trẻ mới bước vào ngành y.
Tôi vinh dự được Nhà nước phong tặng là Thầy thuốc Nhân dân từ Bệnh viện Hữu Nghị là do ảnh hưởng của những tấm gương cao quý của thế hệ giáo sư đầu tiên chuyên về lâm sàng như GS. Tôn Thất Tùng, GS. Đặng Văn Chung và GS. Đặng Vũ Hỷ.
Khi có cương vị lãnh đạo ngành, do ảnh hưởng của thầy Hỷ và thầy Phạm Ngọc Thạch, tôi rất chú ý đến bệnh phong và 3 đồng chí ủy viên Bộ Chính trị (Võ Văn Kiệt, Hà Phan, Lê Phước Thọ) đã gọi điện cho tôi phải cải thiện nhanh chóng bệnh phong ở Tây Nguyên.
Tôi đã chọn được TS. Nguyễn Sỹ Hóa, Trại trưởng Trại phong Quỳnh Lập về làm Viện phó Viện Da liễu và TS. Hóa đã hoàn thành xuất sắc công việc này, tạo công ăn việc làm tái hòa nhập cộng đồng cho người mắc bệnh phong ở Tây Nguyên.
Tôi nghĩ bất cứ ai sống và chăm lo cho người phong chu đáo tận tình phải có tấm lòng cộng sản chân chính pha trộn lòng từ bi bác ái mới làm được và tấm gương tiêu biểu là thầy Hỷ và BS. Ngoạn, TS. Hóa và những cán bộ hiện nay đang đảm nhận chức vụ trưởng trại.
Thầy Hỷ có nhiều công trình khoa học nhưng tôi tâm đắc về công trình chống sán vịt vì chính ông đã lội xuống những cánh đồng trồng cói ngập nước vùng ven biển cho vĩ ấu trùng cắn vào chân để nghiên cứu viêm da do ấu trùng hay gọi nôm na là bệnh da do sán vịt. Từ thực tiễn bản thân ông đã phát hiện ra một loại dầu có sẵn trong nước để bôi vào chân trước khi lội xuống nước để phòng bệnh rất hiệu quả. Công nhân an tâm làm việc, một bài học lớn về hiệu quả thiết thực đầu ra của mọi công trình khoa học lâm sàng và tự mình tình nguyện là bệnh nhân đầu tiên để nghiên cứu phương thức phòng chống. Nhân cách này cũng thấy ở thầy Phạm Ngọc Thạch và Đặng Văn Ngữ. Công cuộc đổi mới đã đưa đất nước ta từ khủng hoảng kinh tế xã hội lên địa vị ngày nay nhưng bản thân tôi vẫn luôn suy nghĩ nhất là lúc đắm mình trong quá khứ thời chiến tranh giành độc lập thống nhất đất nước và bao cấp... rất khó khăn vất vả nhưng có nhiều nhân cách khoa học lớn. Thầy Tùng, thầy Di, thầy Ngữ, thầy Thạch, thầy Hỷ... và thế hệ sau gần gũi với thầy Hỷ là Phạm Khuê gồm nhiều người cùng thế hệ và đến chúng tôi là thế hệ thứ tư và tiếp theo một số khá đông đã trưởng thành từ chế độ bao cấp và trong chiến tranh, phần lớn đậm hay nhạt đều có phong cách nhân văn yêu khoa học, yêu công việc, yêu và kính trọng bệnh nhân.
Tưởng niệm thầy Hỷ và những thầy cùng thế hệ đầu tiên là để tự răn mình làm thế nào cho xứng đáng với truyền thống của ngành, nói rộng ra là của dân tộc đã đi theo tiếng gọi của Bác Hồ: "Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Cơ chế ngày nay là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phải có cơ chế thích hợp mà may thay kinh nghiệm trên toàn thế giới đã chỉ ra rằng chỉ có một cơ chế cơ bản đã thử thách hơn một thế kỷ là cơ chế bảo hiểm y tế bắt buộc; vì xã hội sẽ ngăn cách dịch vụ thầy thuốc trả tiền trực tiếp thành gián tiếp qua bảo hiểm y tế bắt buộc; vì xã hội sẽ là cơ chế kinh tế để cán bộ y tế thắp sáng tính nhân văn cốt lõi nghề nghiệp của chúng ta và sẽ có một thế hệ các thầy thuốc tỏa sáng hơn những thế hệ đi trước vì năng động hơn, môi trường hội nhập quốc tế thuận lợi hơn bắt đầu bằng hội nhập kinh tế WTO với một điều kiện thuộc bản chất nằm ngoài mọi cơ chế là lòng yêu nước và yêu con người, yêu bệnh nhân.
Thầy Hỷ bị ốm nặng trong chiến tranh ác liệt bằng không quân của Mỹ tại miền Bắc, Chính phủ thấy rõ công lao đóng góp của thầy nên năm 1971 đã gửi thầy sang Trung Quốc điều trị và thầy đã từ trần ngày 04/10/1972, an táng tại Nghĩa trang Ngân Hà thành phố Quảng Châu đã được 31 năm. Năm 2003, gia đình cố GS. Đặng Vũ Hỷ đã đưa hài cốt Giáo sư về quê nhà an táng tại Nghĩa trang Tiền Sơn, thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Theo lời kêu gọi của những học trò luôn tưởng nhớ thầy, tôi viết bài này tưởng nhớ đến thầy, như một nén tâm nhang thắp trên mộ thầy. Những tấm gương cao đẹp thế hệ đầu tiên của các thầy trong đó - có thầy Hỷ của ngành y tế sẽ sống mãi trong lòng dân. Thế hệ ngày nay tiếp tục toả sáng tính nhân văn, lòng yêu bệnh nhân, yêu khoa học y học, y tế, trên nền cơ bản nhất là lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống