Ngay khi được tin GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng, hai vị lãnh đạo là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư chúc mừng tới người đã đem lại niềm tự hào cho dân tộc. Thủ tướng viết: “Đây là vinh dự to lớn đối với Giáo sư và gia đình, là niềm tự hào của nền giáo dục Việt Nam, của dân tộc Việt Nam và là nguồn động viên, khích lệ mạnh mẽ đối với các nhà khoa học trẻ Việt Nam”.
GS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, khẳng định: “Giải thưởng Fields mà GS Ngô Bảo Châu đạt được không chỉ có ý nghĩa ở Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn trong khu vực và thế giới. Việt Nam là một đất nước nghèo, không có truyền thống về khoa học, về toán lại được giải thưởng Fields. Nó đã chứng minh, nếu có cách làm đúng thì những người từ vùng lạc hậu như đất nước chúng ta cũng có thể đạt được đỉnh cao trong khoa học. Đó là ý nghĩa sâu sắc đối với quốc tế”.
GS G. Laumon, người thầy của GS Ngô Bảo Châu tại trường Đại học Sư phạm Pháp, đánh giá: “Ngô Bảo Châu hiện đã đạt được đỉnh cao trong nửa đầu sự nghiệp của anh ấy. Anh ấy hiện nay là người dẫn đầu, nhà lãnh đạo của toàn thế giới, trong một lĩnh vực rộng lớn của toán học”.
Từ hiện tượng Ngô Bảo Châu…
GS Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972 tại Hà Nội. Anh là con trai GS.TSKH Cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Cơ học Việt nam. Mẹ anh là PGS.TS Dược học Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền TW, đồng thời là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam.
Ngô Bảo Châu từng là học sinh Trường Thực nghiệm Giảng Võ, sau đó học tại khối phổ thông chuyên Toán trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Anh đã hai lần đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế tại Australia năm 1988 và Cộng hoà Liên bang Đức (1989). Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic toán quốc tế. Ngô Bảo Châu là cựu sinh viênTrường Đại học Sư phạm cấp cao (École normale supérieure), Pháp.
Năm 2004, anh được trao tặng giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay cùng với GS Gérard Laumon vì đã có chứng minh được Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita. Cũng trong năm đó, anh được phong Giáo sư tại ĐH Tổng hợp Paris 11.
Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Năm 2006, anh được mời đọc báo cáo tiểu ban tại Đại hội Toán học thế giới tại Madrid (Tây Ban Nha). Anh là người Việt Nam thứ ba có vinh dự này. Trước anh là hai giáo sư người Việt Nam ở nước ngoài, đó là GS. F. Phạm và GS. Dương Hồng Phong.
Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, anh được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.
Tháng 6 vừa qua, công trình của anh mang tên “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie), dày 169 trang, đã được chính thức công bố trên tạp chí Publications Mathématiques de L’IHÉS, do NXB Springer phát hành.
Với các công trình khoa học của mình, ngày 19/8, GS Ngô Bảo Châu đã được Đại hội Toán học thế giới ICM2010 trao giải Fields tại Ấn Độ.
GS Ngô Việt Trung - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, nhận xét: “Nhìn lại con đường vinh quang của GS Ngô Bảo Châu, một điểm khác biệt với nhiều người học toán trong cùng thời kỳ là GS Châu không chọn con đường dễ dàng, mà luôn muốn đạt đỉnh cao ở mỗi giai đoạn. Như khi GS Châu sang Pháp, được học bổng vào ĐHTH Paris VI (thuộc loại tốt trong hệ thống ĐH của Pháp), nhưng anh lại chọn con đường khó hơn rất nhiều là quyết tâm vào trường ưu tú nhất là Trường Sư phạm cấp cao (ENS). Hay khi làm luận án thì GS Châu chọn làm với GS Laumon, nếu nói về thành tựu thì chưa quen biết mấy, nhưng là con người có những ý tưởng táo bạo nhằm vào giải quyết những vấn đề đỉnh cao của toán. Nếu không có tính cách luôn muốn vươn lên đỉnh cao ấy, GS Châu rất khó lòng đạt được thành tựu bây giờ”.
… đến chính sách trọng dụng nhân tài
Theo GS Ngô Việt Trung, với trình độ toán học phát triển như vũ bão thì phải vào những môi tường tốt nhất, tiếp xúc với những con người có tư tưởng lớn nhất thì mới đạt đỉnh cao như GS Châu được. Muốn lâu dài có những Ngô Bảo Châu tiếp theo, không chỉ cần ưu đãi, mà phải có cả hệ thống khoa học đúng đắn.
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, theo ông Trung, những người thật sự giỏi, đạt trình độ của những chuyên gia hàng đầu thế giới thì nên ở lại nước ngoài mới có thể phát triển về mặt chuyên môn. Thành công của họ cũng sẽ đem lại vinh quang cho Việt Nam, đồng thời với cương vị của họ, trình độ của họ có thể giúp được đất nước ở những khía cạnh khác nhau.
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa - người từng cộng tác, làm việc với GS Ngô Bảo Châu, cho biết: Từ hàng chục năm nay, bất cứ khi nào có điều kiện anh Châu đều tự bỏ tiền túi ra để mua vé máy bay trở về Việt Nam, làm việc cho Viện Toán học, chỉ với mức lương mỗi tháng không bằng một ngày làm việc của anh ấy ở nước ngoài. Thời gian gần đây nhất, anh ấy đã về Việt Nam 5 tuần và làm việc vô cùng tâm huyết với mong muốn phát triển toán học Việt Nam.
Theo ông Hoa, về Việt Nam làm việc một phần thời gian mới là giải pháp tối ưu với GS Châu. Thứ nhất, nước ta không thể có điều kiện trả lương như nước Mỹ đang trả lương cho anh; thứ hai là anh không có một tập thể đồng nghiệp giỏi làm việc cùng để có thể trao đổi những ý tưởng như anh đang làm việc tại trường ĐH Chicago (Mỹ). Bên cạnh đó, nếu GS Châu về hẳn Việt Nam thì quan hệ quốc tế của anh sẽ bị giảm và việc mời chuyên gia giỏi thế giới và giới thiệu sinh viên của mình đi học với những thầy giỏi ở nước ngoài sẽ không thuận lợi.
Ông Hoa cho biết, Viện Toán học đã phá lệ hết mức có thể, trả lương cho GS Châu với bậc cao nhất Nhà nước cho phép đối với giáo sư là 8,0 nhân hệ số thì cũng chỉ được khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cho rằng: “Muốn có nhân tài thì khâu đầu tiên là phải phát hiện và đào tạo nhân tài. Rất may là thế hệ các nhà lãnh đạo tiền bối, nhất là Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các nhà khoa học đầu đàn như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm... từ rất sớm, ngay trong ngọn lửa chiến tranh ác liệt đã đặt đúng vấn đề, từ đó đã đưa ra nhiều chủ trương mạnh mẽ, thiết thực chứ không chỉ nói chung chung để chọn ra và nuôi dưỡng "những con gà nòi".
Các nhà lãnh đạo và bác học sáng suốt ấy đã phát hiện những "thế mạnh" có thực của con người Việt Nam là năng khiếu trừu tượng, kể cả trong toán học - một môn không cần phải đầu tư quá nhiều về cơ sở vật chất, thậm chí nói một cách hình tượng thì chỉ cần một mảnh giấy trắng và cây bút chì cũng có thể làm nên những phát minh lớn. Đến tận nay chúng ta vẫn loay hoay tranh cãi là nên ưu tiên khoa học cơ bản hay ứng dụng nhưng các vị ấy từ lâu đã thấy sự cần thiết phải chú trọng cả khoa học cơ bản - nền tảng để đưa khoa học nước nhà chiếm lĩnh những đỉnh cao”.
Có một hiện tượng rất đáng quan tâm là tại hầu hết các cuộc thi Olympic quốc tế về các môn khoa học cơ bản như toán, lý, hóa, sinh các em học sinh Việt Nam đều được giải cao song cũng chưa có ai thống kê xem trong số đó có bao nhiêu em thành đạt và thành danh; nguyên nhân vì sao? Ở đây có vấn đề lớn là môi trường làm việc để phát huy tài năng.
Theo ông Vũ Khoan, "hiện tượng" Ngô Bảo Châu nhắc nhở chúng ta nhiều điều: phải có chính sách rõ ràng và biện pháp thiết thực để phát hiện và đào tạo nhân tài; phải trọng dụng họ và tạo mọi điều kiện tinh thần và vật chất để họ cống hiến; phải giúp họ cọ sát với khoa học thế giới và bao trùm lên cả là phải đổi mới mạnh mẽ chính sách giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ - những điều được coi là "quốc sách hàng đầu" nhưng còn ẩn chứa biết bao sự bất cập.
Thời cơ cho toán học Việt Nam
Thành công của GS Ngô Bảo Châu được ví như “cú hích” quan trọng để Việt Nam ra chính sách thức đẩy nền toán học Việt Nam. GS Ngô Bảo Châu bày tỏ nguyện vọng được cống hiến cho sự phát triển toán học Việt Nam nói riêng và nền khoa học Việt Nam nói chung, ở một mức độ cao hơn và hiệu quả hơn, so với những hoạt động giảng dạy trực tiếp mà bấy lâu nay anh vẫn tích cực tham gia, mỗi khi có điều kiện về nước.
Như một minh chứng cho quyết tâm của Chính phủ, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Toán học Việt Nam soạn thảo. Một trong những điểm then chốt của Chương trình là thành lập một Viện Nghiên cứu và Đào tạo cấp cao về Toán.
Một trong những mô hình có thể tham khảo cho viện kiểu mới này chính là Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (IAS, Mỹ), nơi GS Ngô Bảo Châu được mời tới làm việc từ năm 2007 cho tới nay. Chính tại nơi đó, GS Ngô Bảo Châu đã tìm được ý tưởng đột phá để giải quyết thành công và sau đó hoàn thiện công trình để đời của mình: Chứng minh “Bổ đề cơ bản”.
Có điều rất thú vị là chính A. Einstein đã từng làm việc tại đây. Cũng tại IAS này, sau 7-8 năm liên tục theo đuổi, A. Wiles ( nhà toán học người Anh ) đã giải quyết hoàn toàn Bài Toán cuối cùng của Fermat, một giả thuyết vô cùng hắc búa đã thách đố loài người suốt ba thế kỷ rưỡi. IAS là Viện Toán học số một thế giới. Nó là một khuôn mẫu hay để thúc đẩy phát triển toán học. Do vậy nhiều nước sau đó đã lập những viện tương tự như IHES của Pháp, Viện Toán Max-Planck của Đức, RIMS của Nhật, KIAS của Hàn Quốc, …
Với “biên chế" và chi phí rất ít, Viện này sẽ là nơi để giảng viên toán các trường đại học, các tân tiến sĩ toán… thỉnh thoảng đến trong một thời gian ngắn để tập trung triển khai những ý tưởng nghiên cứu của mình. Viện sẽ là nơi giao tiếp giữa các nhà toán học Việt Nam thuộc nhiều thế hệ ở trong nước và ngoài nước, trong đó có những nhà toán học xuất sắc cao niên như GS Hoàng Tụy, trẻ trung như GS Ngô Bảo Châu và rất nhiều tài năng khác.
Giải thưởng Fields như là Giải thưởng Nobel trong Toán học, bởi vì theo di chúc từ năm 1901 của người sáng lập Thụy Điển A. Nobel, Giải thưởng Nobel không dành cho Toán học. Thế nhưng Giải thưởng Fields lại chỉ được trao cho những thiên tài toán học phát lộ sớm, vì điều kiện tiên quyết của nó là chỉ trao cho những người không quá 40 tuổi vào năm trao giải.
Nhà toán học Canada John Charles Fields là người sáng lập giải thưởng. Nó được trao lần đầu vào năm 1936 và từ năm 1950 được trao đều đặn bốn năm một lần tại các kì Đại hội Toán học thế giới và mỗi lần có không quá 4 người được nhận.
Trong 70 năm qua, 1936 – 2006, cả thế giới có tất cả 48 nhà toán học được trao Giải thưởng Fields. Mới chỉ có 11 nước vinh dự có công dân của mình đạt Giải thưởng Fields. Đó là: Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Nhật, Phần Lan, Italia, Thụy Điển, Đức, New Zealand và Úc, trong đó chỉ có 3 người có quốc tịch châu Á, đều là người Nhật và có hai người gốc Hong Kong - Trung Quốc là Shing-Tung Yau (quốc tịch Mỹ ) và Terence Tao (quốc tịch Úc) đã được trao Giải thưởng Fields.
GS Ngô Bảo Châu đã lập một kỳ tích và mang lại vinh quang đặc biệt cho đất nước Việt Nam, bởi trong suốt 74 năm qua, châu Á mới có một quốc gia duy nhất có công dân được nhận giải này là Nhật Bản (vào các năm 1954, 1970 và 1990). |
|