Nhìn lại chặng đường phát triển Khoa học và Công nghệ Tỉnh Đồng Nai thời gian qua, có thể nói dấu ấn đậm nét nhất là thời điểm năm 2003 thời điểm PGS.TS Phạm Văn Sáng về nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Đây cũng là thời điểm hết sức khó khăn, chuyển nhiệm vụ Quản lý Nhà nước về Môi trường sang Sở Tài nguyên và Môi trường đồng thời với việc chuyển gần một nửa số cán bộ được đào tạo sang đơn vị mới. Sở chỉ còn lại hơn một nửa cán bộ với nhiệm vụ Quản lý nhà nước về Khoa học - Công nghệ. Nhưng cũng chính từ khó khăn này, bằng tầm nhìn chiến lược và tâm huyết của mình, TS Phạm Văn Sáng đã cùng với tập thể cán bộ công chức, viên chức Sở KH&CN phấn đấu vươn lên tìm hướng đi có tính đột phá cho sự phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Nai, một trong những hướng phát triển đột phá đó là Công nghệ thông tin (CNTT). Từ năm 2003 đến nay việc ứng dụng CNTT để đưa tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả vượt bậc tạo dấu ấn và hình ảnh mang made in DOST Đồng Nai không những trong tỉnh mà còn trong cả nước và quốc tế.
Lĩnh vực CNTT được Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai lựa chọn để tập trung đầu tư là an ninh thông tin và CNTT phục vụ xây dựng chính phủ điện tử và nông nghiệp, nông thôn. Trong lĩnh vực an ninh thông tin tập trung nghiên cứu các sản phẩm, giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong giao dịch điện tử của các cơ quan trong hệ thống chính trị, hành chính. Sản phẩm, giải pháp trong lĩnh vực này đã đạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế và được ứng dụng có hiệu quả trong thực tế, trong đó Tỉnh ủy Đồng Nai đã sử dụng cổng cách ly phi chuẩn NSSP để đảm bảo an toàn cho Hệ thống thông tin của Ban Chấp Hành Tỉnh ủy. Năm 2009 Sở đã được tổ chức DAS (Vương Quốc Anh) trao giấy chứng nhận ISO/IEC 27001: 2005 cho hệ thống quản lý an ninh thông tin của đơn vị và trở thành cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được trao giấy chứng nhận hệ thống quản lý an ninh thông tin đạt chuẩn quốc tế.
Để ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành tác nghiệp tiến tới phục vụ xây dựng chính phủ điện tử Sở đã thí điểm xây dựng mô hình văn phòng điện tử di động M-Office (Mobile Office) để phục vụ tác nghiệp quản lý điều hành hoạt động các Phòng ban chuyên môn của Sở, bên cạnh đó xây dựng các chương trình quản lý như chương trình quản lý đề tài nghiên cứu khoa khọc, chương trình đăng ký trực tuyến thiết bị đo lường, đăng ký sở hữu trí tuệ, chương trình tư vấn các nội dung về khoa học và công nghệ và đặc biệt là xây dựng phòng họp hội nghị trực tuyến, trung tâm tích hợp dữ liệu (Data Center). Các ứng dụng này đã phát huy hiệu quả, không chỉ trong tỉnh mà còn chuyển giao cho nhiều cơ quan, đơn vị ngoài tỉnh. Thực tế vận hành đã chứng tỏ văn phòng điện tử di động M-Office, là nơi mà mọi công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ được thực hiện theo quy trình, thủ tục, hướng dẫn công việc rõ ràng, khoa học thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, M-Office góp phần tăng cường sức mạnh của người quản lý bằng cách giao việc và thu hồi các ý kiến xử lý công việc qua mạng, liên kết nhiều người cùng tham gia vào một công việc trong các luồng. Tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý hành chính trong cơ quan. Bên cạnh đó các chương trình quản lý và hội nghị, hội thảo trực tuyến đã góp phần thực hiện có hiệu quả trong mô hình tổ chức các hội nghị khoa học online giữa Đồng Nai với Hà Nội, giữa Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh. Sở cũng đã thực hiện thành công đầu tiên trong cả nước mô hình Hội đồng Khoa học 3.3 ( ba nhà khoa học ở Hà Nội, ba nhà khoa học ở TP Hồ Chí Minh và ba nhà quản lý ở Đồng Nai) góp phần nâng cao chất lượng đề tài, dự án khoa học bởi có sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học của 2 trung tâm khoa học lớn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Một trong những khó khăn hiện nay là làm thế nào đưa Khoa học và Công nghệ đến với bà con nông dân, đặc biệt là bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa còn nhiều thiệt thòi với khoảng cách về không gian địa lý và khoảng cách về trình độ, mặt bằng dân trí. Trên thực tế, việc ứng dụng và phát triển CNTT chủ yếu tập trung ở các khu vực thành thị, còn ở vùng nông thôn, nơi chiếm tới hơn 70% dân số, thì tiềm lực này còn rất thấp và nghèo nàn. Giải quyết bài toán đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tập trung xây dựng đồng bộ trên 3 lĩnh vực: Đào tạo nhân lực, Cơ sở hạ tầng, và Nguồn lực thông tin. Đó chính là mục tiêu của Chương trình đưa thông tin khoa học công nghệ về nông thôn - Một Chương trình được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá rất cao, điển hình trong cả nước.
Mục tiêu của Chương trình đến năm 2012 xây dựng được 100% điểm cung cấp thông tin khoa học công nghệ trong các Trung tâm giáo dục cộng đồng. Kết quả đến nay đã xây dựng được 84 điểm. Tại mỗi điểm trang bị: 02 bộ máy vi tính, 01 máy in, 01 máy chụp hình kỹ thuật số cùng bàn ghế vi tính, bàn ghế làm việc, tủ đựng đĩa, bản tin, tạp chí.
Xây dựng Website của xã trong Cổng thông tin khoa học công nghệ Đồng Nai. Các thông tin về giá cả thị trường, thời tiết dịch bệnh… được cập nhật thường xuyên trên trang web của xã giúp bà con nông dân có thể theo dõi để chủ động trong việc phòng ngừa và phát triển cây trồng vật nuôi của mình nhằm đạt được những hiệu quả cao nhất và giảm thiệt hại xuống thấp nhất, chủ động trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi phương thức canh tác truyền thống kém hiệu quả bằng phương thức mới, áp dụng những thành tựu khoa học – công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi tăng năng suất.
Cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ với hơn 60.000 công nghệ nông thôn toàn văn, hơn 40.000 câu hỏi đáp khoa học, hơn 3.000 phim khoa học. Đồng thời xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên đề thiết thực cho người dân, như CSDL 200 câu hỏi - đáp về dịch hại trên cây trồng và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; CSDL 21 loại cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu. Đặc biệt là cấp khóa cho 100% các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trong toàn tỉnh để truy cập, khai thác CSDL 10 vạn câu hỏi - đáp về khoa học kỹ thuật phục vụ cho việc học tập và công tác giảng dạy.
Chương trình đã mang lại hiệu quả trong việc ứng dụng CNTT làm phương tiện để cung cấp thông tin khoa học - công nghệ cho bà con nông dân. Qua đây người dân đã thực sự không còn xa lạ với công nghệ thông tin. Việc nắm bắt, tìm kiếm với những công nghệ mới nhất luôn được đáp ứng, bên cạnh đó các sản phẩm, thương hiệu của người dân đã được quảng bá một cách rộng rãi hơn, được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết tới. Có thể nói chương trình đã góp phần không nhỏ xóa mù thông tin Khoa học – Công nghệ ( KH - CN ) cho bà con nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn và thiệt thòi mọi mặt. Các Điểm Thông tin KHCN đã thực sự trở thành chiếc cầu nối nông dân với các kết quả khoa học công nghệ.
Còn với những vùng chưa có điều kiện đến với Internet, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện Chương trình đưa băng thông rộng đến tất cả các xã những nơi còn chưa có internet và nếu chờ khi có đủ điều kiện tiếp cận thì phải vài năm nữa. Mục tiêu của Chương trình là đảm bảo 100% trung tâm các xã đều có internet băng thông rộng. Sau khi phân tích các công nghệ đưa băng thông rộng về vùng sâu, vùng xa, nơi dịch vụ ADSL chưa có hoặc đầu tư không mang lại hiệu quả, Sở đã chọn công nghệ VSAT- IP ( VISAT-IP là từ viết tắt tiếng Anh Very Small Aperture Terminal, có nghĩa là trạm thông tin vệ tinh mặt đất cỡ nhỏ). Kết quả đến nay 100% các xã đều có internet băng thông rộng. Ngoài ra, còn phục vụ cho các khu du lịch sinh thái, dự án nghiên cứu trong rừng sâu Nam Cát Tiên, Trạm thu mua nông sản của doanh nghiệp chế biến, hộ kinh doanh dịch vụ internet nơi chưa có ADSL.
Chương trình đưa băng thông rộng đến tất cả các xã ứng dụng công nghệ VSAT-IP xây dựng mô hình đưa Internet băng thông rộng đến các xã vùng sâu vùng xa chưa có ADSL có ý nghĩa kinh tế chính trị xã hội to lớn. đảm bảo quyền được hưởng thụ các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Giúp các giáo viên ở các trường tìm kiếm thông tin bổ ích để bổ sung vào việc soạn giáo án phục vụ cho công tác giảng dạy. Việc triển khai truyền hình trực tuyến, hội nghị trực tuyến, triển khai nghị quyết của Tỉnh Đảng Bộ và quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh bằng hình thức online tại các vùng sâu vùng xa không còn gặp trở ngại về đường truyền Internet nữa. Từ đó các nhà lãnh đạo, các chuyên viên ở cấp xã nâng cao trình độ công nghệ thông tin để phục vụ cho chương trình cải cách hành chính và mục tiêu chính phủ điện tử.
Việc xây dựng tiềm lực CNTT phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã giúp thông tin khoa học và công nghệ đến được tận người dùng tin cuối cùng, bỏ qua khâu trung gian, làm cho người dân có đủ thông tin cần thiết để giải quyết công việc của mình một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác và tạo ra cơ hội cho bà con nông thôn tiếp cận và hưởng thụ văn hóa, giáo dục trong nước và quốc tế một cách bình đẳng như người dân sống ở thành thị. Xây dựng nguồn lực CNTT là một nội dung hết sức được quan tâm, làm thế nào để có được một đội ngũ cán bô có trình độ CNTT tối thiểu để vận hành cơ sở hạ tầng CNTT được đầu tư và là hạt nhân phổ cập kiến thức CNTT. Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai đã triển khai mạnh mẽ một chương trình đào tạo trình độ A về CNTT cho tất cả các xã của 11 Huyện, Thị xã và TP Biên Hòa. Chỉ trong vòng 04 năm từ năm 2006 đến 2010 chương trình đã đào tạo được 7003 cán bộ chủ chốt ở các xã và trong số đó có 5645 cán bô cấp xã nhận được chứng chỉ A Tin học. Và cũng chính từ đây, một sân chơi bổ ích thiết thực về CNTT đã ra đời đó là Hội thi Cán bộ Xã giỏi ứng dụng CNTT; Hội thi Cán bộ Tuyên giáo giỏi ứng dụng CNTT; Hội thi cán bộ làm công tác phụ nữ giỏi ứng dụng CNTT ra đời. Tất cả những hoạt động thiết thực đó đã thực sự tạo nguồn lực cho CNTT Tỉnh Đồng Nai.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định rằng bước đi của Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Đồng Nai đã đi đúng hướng. Việc ứng dụng CNTT để đưa nhanh tiến bô khoa học kỹ thuật đến với người dân đã có hiệu quả thiết thực và chính điều đó đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bài viết trên đây chỉ là một phần nội dung kết quả đạt được của Sở trong lĩnh vực ứng dụng CNTT với vai trò người nhạc trưởng : PGS.TS Phạm Văn Sáng. Để thay cho lời kết của bài viết này, Tôi xin trích dẫn lời phát biểu đầy tâm huyết của TS Phạm Văn Sáng- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ :” Phấn đấu đưa khoa học công nghệ Đồng Nai cất cánh, tỏa sáng và làm chủ một phần bầu trời khoa học công nghệ Việt Nam.” Và Tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều đó trong một tương lai không xa sẽ đạt được.
Thạc sỹ Phạm Gia Hải
Nguyên Phó Giám đốc Sở KH&CN