Để đảm bảo việc thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay là một trong những vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự quan tâm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân.
Để đáp ứng các yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, ngày 28/3/2007 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai thống nhất chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (Chương trình liên tịch số 95/LHH-STNMT). Với mục tiêu tập hợp và phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ thuộc các thành phần kinh tế và xã hội hoạt động trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường; Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tuyên truyền phổ biến thông tin, nghiên cứu khoa học và công nghệ của Liên hiệp Hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với các nội dung phối hợp: (1) Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và hoàn thiện các quy định về bảo vệ môi trường của tỉnh; tham gia giám sát việc tuân thủ thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; (2) Tham gia phản biện và giám sát việc thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án môi trường; (3) Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên của tỉnh; (4) Giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng, lồng ghép vấn đề môi trường trong các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương; (5) Tổ chức xét chọn các tổ chức và cá nhân tham gia giải thưởng môi trường hàng năm do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Thực hiện Chương trình liên tịch này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Liên Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tập hợp và phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ thuộc các thành phần kinh tế và xã hội hoạt động trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường. Qua các năm, Liên hiệp hội và Sở Tài nguyên và Môi trường liên tục tổ chức các hình thức truyền thông nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho Hội viên liên hiệp hội trong việc bảo vệ môi trường. Hằng năm, Liên hiệp Hội xây dựng thiết kế kỹ thuật và dự toán kinh phí nhiệm vụ truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Sau khi thông qua Hội đồng thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường phân bổ kinh phí thực hiện các nội dung của Thiết kế kỹ thuật từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
Năm 2007, Liên hiệp hội tổ chức Hội Thảo “Hóa học và đời sống” cho 200 cán bộ chủ chốt Liên hiệp Hội và hội viên Hóa học, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hóa chất trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về tác dụng và những mặt hạn chế của hóa chất đối với đời sống con người cho đội ngũ báo cáo viên của Liên hiệp Hội, đồng thời giao đội ngũ này có trách nhiệm phổ biến nội dung trên đến hội viên và làm báo cáo viên tại các Trung tâm học tập Cộng đồng ở cơ sở.
Năm 2008, Liên hiệp Hội tổ chức 05 lớp tập huấn cho 1100 hội viên về nâng cao nhận thức và kỹ năng xử lý rác thải y tế. Đối tượng tham gia là các bác sĩ, hộ lý, y công, lương y, cán bộ khoa chống nhiễm khuẩn đang làm việc chủ yếu ở các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Lớp tập huấn được Hội viên tham gia đầy đủ, đúng thành phần, nghiêm túc trong việc tiếp thu kiến thức và thực hành kỹ năng. Chương trình tập huấn được Ban thường vụ Liên hiệp Hội nhận xét là tổ chức thành công với chất lượng tốt. Phòng Y tế các huyện yêu cầu Liên hiệp Hội tiếp tục tổ chức những lớp tập huấn như trên tại các địa phương.
Năm 2009, trước những bức xúc về ô nhiễm chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Liên hiệp hội tổ chức 10 lớp tập huấn (thu hút hơn 1.500 đối tượng tham gia) kết hợp Hội thảo và triển lãm ảnh về thực trạng và giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi tại 10 xã thuộc 03 huyện Định Quán, Thống Nhất, Vĩnh Cửu. Nội dung Tập huấn – Hội thảo – Triển lãm ảnh được nhân dân, nhất là bà con nông dân hoan nghênh vì đó cũng chính là vấn đề bức xúc mà chính quyền địa phương và bà con nông dân đang quan tâm. Ngoài việc được nâng cao về nhận thức, được bồi dưỡng về kỹ năng xử lý chất thải chăn nuôi, bà con còn được giải đáp thỏa đáng các thắc mắc có liên quan.
Năm 2010, trước sự tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu toàn cầu, Liên hiệp hội và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học gồm các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh mong tìm ra các giải pháp mới, ứng phó hữu hiệu làm giảm tác động của sự biến đổi khí hậu. Đồng thời mở các lớp tập huấn – hội thảo với các đối tượng khác (quản lý, doanh nghiệp, nhân dân,…) nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hành động cho mọi người để hiểu và ứng phó tốt với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngoài những hoạt động trên, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật đã tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường thông qua các tuần lễ bảo vệ môi trường hằng năm như: Ngày đất ngập nước 22/2, Ngày Đa dạng sinh học 22/5, Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Giờ Trái đất, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn với các hoạt động: tham gia mitting, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường… Ngoài ra, Liên hiệp hội đã tích cực phản biện và giám sát việc thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án môi trường, tham gia góp ý các dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường của tỉnh, các góp ý dự thảo các văn bản về quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, hoạt động phối hợp giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường đã đạt được nhiều kết quả trên các mặt: góp ý, phản biện và giám định xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bảo vệ môi trường; giáo dục và đào tạo; thông tin và phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường cho các thành viên thuộc Hội; động viên phong trào quần chúng tham gia hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường; …Đặc biệt, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh ngày càng có vai trò quan trọng, phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức đã có những đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã tạo nên những chuyển biến trong nhận thức và hoạt động bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp và cộng đồng. Theo đó, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường luôn được tăng cường; việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng rộng rãi và kịp thời; đã tạo cơ chế phối hợp giữa Sở tài nguyên và môi trường với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật trong việc thực hiện công tác truyền thông môi trường.
Để đẩy mạnh việc phối hợp công tác truyền thông bảo vệ môi trường giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trong thời gian tới:
- Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục: (1) Chủ động đề xuất với Liên hiệp các Hội KH&KT tư vấn, phản biện những văn bản pháp quy do Sở dự thảo trình UBND tỉnh ban hành; những chương trình, kế hoạch về bảo vệ khai thác tài nguyên và môi trường; các báo cáo đánh giá tác động môi trường và việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về môi trường; (2) Chủ động đề xuất với Liên hiệp các Hội KH&KT các nội dung, hình thức cụ thể nhằm tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường; (3) Chủ trì xây dựng tổ chức vận động các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia giải thưởng môi trường hàng năm do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức, tiến tới có giải ở tỉnh; (4) Hỗ trợ kinh phí kỹ thuật và các nguồn lực khác cho Liên hiệp các Hội KH&KT nhằm bảo đảm triển khai thực hiện được các yêu cầu, nhiệm vụ do Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất.
- Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật: (1) Nghiên cứu các đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời chủ động đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường những văn bản pháp quy, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội cần phải tư vấn, phản biện và giám định về bảo vệ môi trường; (2) Hướng dẫn các hội thành viên, các tổ chức Khoa học và Công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT, tập hợp và tổ chức các nhà khoa học triển khai nghiên cứu về bảo vệ và cải thiện môi trường. Tham gia các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức khi có yêu cầu Liên hiệp các Hội KH&KT tham gia; (3) Phối hợp thực hiện hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Có thể nói rằng việc tăng cường sự phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật trong các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ tuyên truyền, vận động các thành viên, đoàn viên, hội viên tham gia bảo vệ môi trường và giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; cùng huy động và phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, của toàn dân cùng tham gia công tác BVMT; đưa nội dung BVMT vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; phổ biến, nhân rộng các mô hình tiên tiến trong hoạt động BVMT; xác định trách nhiệm BVMT của cá nhân, tổ chức và cộng đồng, đồng thời đề cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.