- Giới thiệu, tuyên truyền những hệ giá trị của lịch sử, văn hoá cho nhân dân, cho những người yêu thích lịch sử, góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử, cơ sở để nâng cao lòng tự hào về lịch sử, về cách mạng cho quần chúng;
- Nâng cao khả năng chuyên môn, nghề nghiệp của đội ngũ trí thức, hội viên, cộng tác viên của Hội;
- Từ thực tiễn và kết quả nghiên cứu lịch sử, góp phần đúc kết và rút ra những bài học kinh nghiệm có ích cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý có ứng dụng trong hoạt động xã hội;
- Tạo điều kiện cho hội viên có thêm thu nhập chính đáng, xây dựng quỹ hội cho các hoạt động của hội.
Trên cơ sở nhận thức này, những năm qua, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nghiên cứu, phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị khoa học trong và ngoài tỉnh nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, đề án trên các lĩnh vực lịch sử truyền thống, văn hoá, khảo cổ…có hiệu quả, xây dựng được nhiều tài liệu, ấn phẩm phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, lãnh đạo và quản lý xã hội.
Tiêu biểu như Lịch sử Đảng bộ Đồng Nai, Lịch sử Đảng bộ các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hoà; Lịch sử các ngành như Mặt trận Tổ quốc, Phụ nữ, Lực lượng vũ trang, Liên đoàn lao động, Cao su Đồng Nai; các đề tài Văn hoá khảo cổ học thời đại kim khí ở vùng đất ngập mặn Đồng Nai; Điều tra khai quật khảo cổ học phục vụ yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá Đồng Nai, các đề tài nghiên cứu về văn hoá, tín ngưỡng như Thiết chế đình chùa, miếu của người Hoa ở Đồng Nai; Di sản văn hoá làng Hiệp Phước Nhơn Trạch, Nghề thủ công truyền thống ở Thạnh Phú, Vĩnh Cửu…Phối hợp nghiên cứu Địa chí Đồng Nai; Át lát Đồng Nai; Lịch sử Đảng bộ miền Đông trong hai cuộc kháng chiến; Lịch sử chiến khu Đ; tham gia tổ chức các hội thảo khoa học về cách mạng tháng Tám; đường Hồ Chí Minh với miền Đông Nam bộ; Hội thảo về chiến thắng Xuân Lộc giải phóng thị xã Long Khánh trong chiến dịch Hồ Chí Minh…; tham gia các đề án đặt tên đường ở thành phố Biên Hoà và các huyện.. .
Từ kết quả trên chúng tôi rút ra những bài học về xác định đề tài nghiên cứu, về hợp tác nghiên cứu khoa học như sau:
1. Các đề tài nghiên cứu khoa học lựa chọn vừa phải có tính thiết thực, vừa tầm, vừa sức và có tính khả thi với đội ngũ hội viên ở địa phương; đồng thời có giá trị phục vụ các nhu cầu xã hội. Với những đề tài nghiên cứu có phạm vi không gian rộng có tính chất quy mô đa ngành, cần phải có sự phối hợp hợp tác với các chuyên gia hoặc các cơ quan nghiên cứu khoa học ở các Viện nghiên cứu, Trường Đại học ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (như các đề tài về khoa học khảo cổ; lịch sử miền Đông; những đề tài liên quan đến văn hoá Hán Nôm…). Thực tế, kết quả các đề tài nghiên cứu của Hội đều được triển khai ứng dụng ở các lĩnh vực liên quan (như xây dựng giáo trình, giáo án giảng dạy ở các trường học; cở sở để tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về truyền thống; cung cấp dữ liệu để trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, các tượng đài, Bia lưu niệm…, tham mưu cho các cấp lãnh đạo khi ban hành các văn bản có liên quan đến lịch sử, văn hoá gắn với phát triển đô thị).
2. Trong nghiên cứu, đặc biệt với những đề tài về khoa học lịch sử, văn hoá của địa phương, việc huy động lực lượng nghiên cứu của địa phương là nòng cốt, nhằm mục đích nâng cao trình độ, khả năng nghiên cứu chuyên môn của hội viên. Việc mời thêm chuyên gia là các nhà khoa học ngoài tỉnh cộng tác là hết sức quan trọng, liên quan đến vấn đề thẩm định các giá trị; đặc biệt các chuyên gia sẽ hỗ trợ thêm đội ngũ nghiên cứu địa phương về lý luận, về phương pháp luận trong nghiên cứu, đảm bảo tính khoa học trong nghiên cứu; đồng thời cũng là cách để các hội viên học tập tự trao dồi nâng cao trình độ chuyên môn.
3. Về nguồn kinh phí cho nghiên cứu lịch sử văn hoá địa phương: Ngân sách khoa học đầu tư cho nghiên cứu khoa học của tỉnh thông qua cơ quan quản lý là sở Khoa học và công nghệ tỉnh là một nguồn quan trọng. Các hội nên liên kết chặt chẽ với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh – là thành viên Hội đồng Khoa học tuyển chọn các đề tài, dự án nghiên cứu để đăng ký với sở Khoa học - Công nghệ hàng năm; Liên hiệp Hội là đầu mối thông tin thông báo kịp thời cho các hội thành viên những nội dung vấn dề cần nghiên cứu trên các lĩnh vực liên quan để thông báo cho các hội thành viên.
4. Các Hội thường xuyên nắm bắt chủ trương đường lối phát triển kinh tế văn hoá xã hội của tình, trên cơ sở đó chủ động đề xuất những vấn đề tư vấn, phản biện xã hội và đề xuất các đề tài cần nghiên cứu thiết thực phù hợp với khả năng chuyên môn, lại đáp ứng phục vụ yêu cầu lãnh đạo quản lý của Nhà nước và các bang ngành liên quan đến hội của mình.
5. Vấn đề cơ sở dữ liệu nghiên cứu : Dữ liệu, cơ sở dữ liệu là nguồn cơ sở cần thiết cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Theo chỗ chúng tôi nắm hiện nay ở phía Nam có Kho Lưu trữ Trung ương II (thành phố Hồ Chí Minh) với nguồn dữ liệu lớn có cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh liên quan đến tiến trình lịch sử Biên Hoà những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đế nay; kho lưu trữ Trung ương III ở thành phố Đà Lạt với những dữ liệu bằng chữ Hán Nôm, trong đó nhiều tư liệu liên quan Biên Hoà thời kỳ phong kiến tên nhiều lĩnh vực xã hội. Đây là hai kho lưu trữ tư liệu quý cho công tác nghiên cứu khoa học. Tôi đề nghị Sở Khoa học - Công nghệ, Liên Hiệp Hội tạo điều kiện cho hội Khoa học Lịch sử xây dựng đăng ký triển khai đề tài “Hệ thống cơ sở dữ liệu tỉnh Biên Hoà - Đồng Nai khai thác từ kho Lưu trữ Trung ương II và III”.