Trong những năm qua, Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai không ngừng phát triển không những về số lượng mà cả về chất lượng. Các hội viên luôn tích cực phát huy tinh thần sáng tạo, thực hiện tốt các Qui chế chuyên môn đáp ứng nhu cầu công tác chăm sóc người bệnh toàn diện. Ban Chấp hành tỉnh Hội gồm có 23 đồng chí (Đại học: 10, Trung học: 13). Trong đó: Chủ tịch, 03 Phó chủ tịch có 01 Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, 01 Ủy viên phụ trách công tác kiểm tra và 01 Thủ quỹ. Có 22 Chi hội trực thuộc với tổng số hội viên 2.310 tỷ lệ nữ chiếm trên 80% (1.928), nam chiếm gần 20% (382). Hệ thống mạng lưới tổ chức Điều dưỡng trưởng (ĐDT) hiện nay đã được thiết lập trên tất cả các bệnh viện trực thuộc phù hợp với trình độ chuyên môn và theo phân Hạng bệnh viện. Hội viên có đủ năng lực điều hành và phối hợp thực hiện các dịch vụ chăm sóc người bệnh đạt hiệu quả tốt. Hệ thống quản lý được triển khai thực hiện theo từng khối đơn vị nằm trên địa bàn tỉnh như: Các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, các Chi cục, các trung tâm y tế, trạm y tế xã – phường – thị trấn;
Trình độ chuyên môn của các hội viên đã có chuyển đổi quan trọng về số lượng và chất lượng: Nguồn lực hội viên là điều dưỡng của các Chi hội được thường xuyên đào tạo thêm về trình độ chuyên môn theo từng năm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển hiện nay (Điều dưỡng có trình độ trung học được đào tạo nâng lên đại học và cao đẳng).
Trong toàn tỉnh có 18 Bệnh viện trực thuộc (02 Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 04 Bệnh viện chuyên khoa, 03 Bệnh viện Đa khoa khu vực, 09 Bệnh viện Đa khoa các huyện và thành phố Biên Hòa), 03 Chi cục (Dân số - KHHGĐ, Vệ sinh An toàn thực phẩm và Kiểm dịch Y tế Quốc tế), 31 Trung tâm (Trung tâm Y tế các huyện và các Trung tâm Y tế chuyên khoa), 13 Phòng khám đa khoa khu vực, 171 Trạm Y tế xã - phường – thị trấn và có trên 4.000 cơ sở hành nghề Y, Dược tư nhân.
Các nhiệm vụ và hoạt động chính của Hội:
- Chăm sóc người bệnh toàn diện được thông qua việc triển khai thực hiện các Quy chế chuyên môn do Bộ Y tế ban hành; chức năng của hội viên đã được mở rộng: Chủ động trong thực hiện chăm sóc, phối hợp tốt trong điều trị, tư vấn, giáo dục sức khỏe người bệnh;
- Áp dụng mô hình phân công chăm sóc thích hợp, chuyển đổi mô hình phân công theo công việc sang mô hình phân công theo nhóm; tổ chức được các kíp trực đúng theo qui định tại các khoa có bệnh nhân nặng. Đảm bảo được sự có mặt thường xuyên của điều dưỡng trên giường bệnh đáp ứng nhu cầu cho người bệnh đang nằm điều trị tại các khoa lâm sàng;
- Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện: Công tác này được kiện toàn hàng năm, hệ thống tổ chức mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện được triển khai thực hiện theo nội dung Thông tư 18/2009/TT-BYT ngày 14/10/2009 do Bộ Y tế ban hành như: Cũng cố việc thành lập khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đúng qui định (Nhân sự, cơ sở vật chất, quy trình một chiều, xử lý dụng cụ tập trung…);
- Quán triệt cho cán bộ, công nhân viên chức bệnh viện thực hiện tốt việc thu gom, quản lý, xử lý chất thải y tế được thông qua các hoạt động: Xây dựng quy trình xử lý chất thải y tế theo quyết định 43/2007/QĐ-BYT 30/11/2007 do Bộ Y tế ban hành; Tổ chức hướng dẫn thu gom, phân loại, xử lý chất thải tại nguồn sau khi sử dụng; Giao trách nhiệm cá nhân chịu trách nhiệm chính theo dõi, quản lý, thu gom xử lý; Mở sổ theo dõi khối lượng chất thải hàng ngày, được giao nhận giữa các khoa với bộ phận thu gom; xây dựng hợp đồng với cơ sở tiếp nhận xử lý (chất thải thông thường và chất thải tái chế).
- Đào tạo, huấn luyện định hướng cho điều dưỡng mới và tổ chức Hội thi tay nghề giỏi được thông qua Hội thi Điều dưỡng – Hộ sinh giỏi, thanh lịch hàng năm ở cấp cơ sở và cấp ngành 2 năm một lần.
- Tích cực phối hợp tốt các cơ quan, bộ phận chuyên môn giỏi đầu ngành để tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về mọi mặt như: Kỹ năng giao tiếp trong chăm sóc người bệnh, tập huấn thí điểm Tiêm an toàn tại các cơ sở khám, chữa bệnh…
- Công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và nghiên cứu khoa học: Các Chi hội đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng tốt trong công tác chăm sóc, phục vụ sức khỏe cho nhân dân.
- Công tác rèn luyện, nâng cao y đức người cán bộ y tế được Hội đặc biệt chú trọng nhất là đối với Hội viên là những điều dưỡng, hộ sinh đang trực tiếp tham gia chăm sóc người bệnh. Đây là công tác giáo dục tư tưởng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, là việc làm thường xuyên của các Chi hội trực thuộc.
- Công tác thông tin, tuyên truyền: Hàng tháng, quí Hội phát động đến toàn thể hội viên hưởng ứng viết bài chuyên ngành và hoạt động của Hội gửi đăng trên Thông tin Hội Điều dưỡng Việt Nam và Thông tin Sức khỏe ngành./.