Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
(5/9/2012) Xây dựng tương lai Việt Nam bằng trí tuệ, lòng dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật
Cập nhật: 05-09-2012 05:21
Sau 67 năm tuyên bố nền độc lập với thế giới, một khoảng thời gian chưa phải là dài so với lịch sử nhưng Việt Nam đã trải qua biết bao nhiêu hy sinh, thử thách mới giành được độc lập hoàn toàn và đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.

 

 bhgfhbgyrnmbkjngytraogiyb.jpg

 Nhà sử học Dương Trung Quốc

Từ quá khứ hào hùng và bi tráng, suy ngẫm về tương lai, đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, tương lai Việt Nam phải được xây dựng bằng trí tuệ và lòng dũng cảm, quan trọng nhất là phải tự thay đổi mình, làm đúng với tinh thần Đổi mới là dám nhìn thẳng vào sự thật, mà trước hết, phải từ bỏ quyết liệt những lợi ích đi ngược lại với quyền lợi của nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 khởi đầu cho tiến trình này, xứng đáng với nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi coi đó là một sự kiện hệ trọng và thiêng liêng không chỉ với Đảng mà với cả Đất nước và Dân tộc.
- Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong bối cảnh cụ thể hiện nay của nước ta, ông có suy nghĩ gì về ý nghĩa của sự kiện này?
Bản Tuyên ngôn Độc lập là sự khởi đầu đáng tự hào cho sự ra đời một thể chế chính trị của một quốc gia hiện đại: Dân chủ - Cộng hòa, kết thúc cả chế độ thuộc địa, ách phát xít và chế độ quân chủ từng có từ cả nghìn năm. Bản Tuyên ngôn tựa như một cái mốc chia đôi lịch sử ra hai thời kỳ: truyền thống và hiện đại. 67 năm, một khoảng thời gian không ngắn đối với đời người nhưng cũng chưa phải là dài so với lịch sử mà chúng ta đã phải trải qua biết bao nhiêu thử thách kể từ ngày đất nước giành được độc lập: kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, xây dựng rồi Đổi Mới... có thể nói là một quá trình đấu tranh vật vã để tìm con đường phát triển cho đất nước, cho dân tộc... Từng thử thách được vượt qua với bao nhiêu hy sinh to lớn của nhân dân mà phía trước vẫn còn nhiều thử thách khác, càng thấy lòng yêu nước, sức chịu đựng và đức hy sinh của nhân dân là vô bờ bến. Và cũng thấy lo lắng khi cái điều tưởng chừng đơn giản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra ngay từ những ngày đầu độc lập ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, người già được nghỉ ngơi... vẫn chưa trở thành hiện thực cho tất cả mọi người. Vẫn còn những điều được ghi trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay chúng ta chưa thực hiện được. Vì thế mà càng thấm thía cái chân lý Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do mà đến nay cả dân tộc ta vẫn đang phải phấn đấu giữ gìn và bảo vệ.
- Ông vừa nhắc đến bản Hiến pháp đầu tiên được QH Khóa I thông qua. Có một nguyên tắc hết sức quan trọng của bản Hiến pháp này là: thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Sau này, dù diễn đạt dưới các hình thức khác nhau, nhưng các bản Hiến pháp đều khẳng định nguyên tắc: xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhìn lại việc thực hiện nguyên tắc này và đặt trong bối cảnh Đảng đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, ông thấy như thế nào?
- Nói cho chính xác thì nguyên lý về một nhà nước của dân, do dân và vì dân đã bắt đầu từ Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincohn. Bác Hồ luôn là người biết tiếp thu tinh hoa của thế giới và lựa chọn một mô hình phù hợp với đất nước, với dân tộc  mình. Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng vậy. Nguyên lý Nhà nước của dân, do dân và vì dân chính là thước đo, tiêu chí của một nền dân chủ hiện đại về phương diện thể chế chính trị. Dù chúng ta đã thay thế chế độ Dân chủ Cộng hòa bằng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa thì thước đo trên cũng không suy xuyển. Theo tôi, thực hiện Nghị quyết 4 chính là một phương thức thực hiện dân chủ trong Đảng. Một đảng phải dân chủ mới có sức mạnh và năng lực để xây dựng một đất nước dân chủ và đó cũng là con đường duy nhất để xã hội tiến bộ và nhân dân được hưởng hạnh phúc.
- Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng có thể xem là thông điệp mạnh mẽ của Đảng về quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng để thực hiện sứ mệnh lãnh đạo của mình đối với đất nước. Trong cái nhìn của một nhà sử học, ông suy nghĩ như thế nào về Nghị quyết này, và rộng hơn là về sứ mệnh lãnh đạo đất nước của Đảng trong bối cảnh nhiều khó khăn và phức tạp như hiện nay?
- Ngay từ khi Nhà nước Cách mạng của nước Việt Nam độc lập vừa ra đời, người đứng đầu Nhà nước cũng là lãnh tụ của cuộc cách mạng ấy đã dự báo và cảnh báo về khả năng tha hóa của một chính quyền nhân dân nếu xa rời dân, trở thành quan liêu và cảnh báo đội ngũ cán bộ của chính quyền ấy có nguy cơ thoái hóa, biến chất nếu không biết tu dưỡng và tổ chức của nó sẽ thoái hóa nếu buông lỏng kỷ luật. Chúng ta đều nhớ rằng, ngày hôm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh về việc thành lập hệ thống chính quyền (các ủy ban và hội đồng nhân dân) thì ngay ngày hôm sau đã ra sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và Tòa án đặc biệt chuyên để xử lý những kẻ mà Người gọi là quan cách mạng phạm pháp... Hơn thế nữa, bên cạnh khối quần chúng đông đảo các tầng lớp nhân dân yêu nước còn có những người lãnh đạo luôn gương mẫu đi đầu, đặt Tổ quốc lên trên hết và Lãnh đạo đồng nghĩa với sự hy sinh, đứng nơi đầu sóng ngọn gió, trước hòn tên mũi đạn nên được nhân dân tin tưởng và đi theo... Các thế hệ đảng viên, các nhà lãnh đạo của Đảng đã từng phát huy một cách xứng đáng năng lực và phẩm chất của mình trong các cuộc chiến tranh giữ nước. Nhưng trong quá trình hòa bình xây dựng đất nước hiện nay, đáng tiếc là đã có một bộ phận đảng viên và lãnh đạo của Đảng, chưa phát huy được vai trò tiên phong của mình, thậm chí còn bị tha hóa, đi ngược với lợi ích chính đáng của nhân dân. Điều này có thể sẽ làm mất lòng tin của người dân - vốn là sức mạnh lớn nhất của một Đảng cầm quyền.
Lịch sử đặt ra câu hỏi: vì sao hơn 60 năm trước, Đảng Cộng sản chỉ có 5 nghìn  đảng viên, có lúc Đảng ấy sẵn sàng rút vào bí mật, đảng viên của Đảng ấy sẵn sàng rời bỏ các ghế bộ trưởng để Mặt trận Việt Minh mở rộng đại đoàn kết toàn dân... mà Cách mạng làm được nhiều việc lớn đến thế? Còn bây giờ, Đảng có đến mấy triệu đảng viên lại phải đứng trước những thử thách sống còn của chính tổ chức của mình? Là một người ngoài Đảng, tôi nghĩ đến việc Đảng phải triển khai quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 với cả hai tâm trạng buồn và vui. Buồn vì thấy một tổ chức yêu nước tiên phong từng gánh vác và hoàn thành những sứ mệnh lịch sử to lớn trong quá khứ lại đang đứng trước nhiều thử thách. Và mừng vì Đảng đã nhận ra nguy cơ mà quyết tâm sửa chữa để lấy lại niềm tin của nhân dân. Tôi mong Đảng, mong từng đảng viên vượt qua được thử thách này với ý thức quyết liệt rằng đấu tranh đây là trận cuối cùng... – đấu tranh với chính mình để vượt qua chính mình bao giờ cũng là cuộc chiến cam go nhất, đòi hỏi mỗi con người, mỗi cá nhân phải quyết liệt nhất.
- Với tư cách là một ĐBQH, Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng, theo Ông có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của QH, của từng ĐBQH?
- QH hiện có hơn 90% đại biểu là đảng viên, lại do Đảng lãnh đạo toàn diện và triệt để. Nguyên lý hoạt động của Đảng là đại diện cho lợi ích của cả dân tộc. Do vậy, Đảng sạch, Đảng lành mạnh, Đảng cách mạng thì QH cũng sẽ có những phẩm chất như vậy. Đất nước được nhờ cậy, nhân dân tin tưởng QH hay không cũng bắt nguồn từ đó.
- Ở chiều ngược lại, mỗi ĐBQH dù là Đảng viên hay không phải là Đảng viên có thể lấy tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 để soi chiếu vào hoạt động của mình như thế nào? Với cá nhân, ông  đón nhận Nghị quyết này như thế nào?
- Tôi quen biết, gần gũi với nhiều đảng viên cùng thời với mình, nghề nghiệp cũng giúp tôi biết đến những thế hệ đảng viên tiền bối, rất nhiều tấm gương sáng trong chiến đấu, trong lao động hay đời thường và đó cũng là một phần quan trọng làm nên sức mạnh của Đảng khi thực hiện sứ mệnh lịch sử đối với đất nước. Nhưng tôi cũng đã và đang thấy những tiêu cực, những khoảng tối trong một bộ phận không nhỏ các đảng viên. Điều này, trong Nghị quyết Trung ương 4 Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay hay phát biểu của một số nhà Lãnh đạo cấp cao của Đảng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận... Tôi tiếp nhận Nghị quyết Trung ương 4 với hy vọng: Đảng sẽ quyết liệt chấn chỉnh những tiêu cực, những khoảng tối mà Đảng đã nhìn thấy để mang lại những hiệu quả tốt đẹp hơn nữa cho sự phát triển của đất nước. Đương nhiên, mặc dù không phải là một đảng viên, tôi vẫn ủng hộ Nghị quyết Trung ương 4! Song, tôi cũng muốn nhắn nhủ với mỗi đảng viên rằng: đây là vấn đề sống còn, không thể nửa vời đối với sinh mệnh của Đảng, sinh mệnh của dân tộc.      
- Đảng lãnh đạo toàn diện – Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Nhưng có ý kiến cho rằng, vừa qua, có biểu hiện Đảng làm thay Nhà nước, Nhà nước ỷ lại vào Đảng và một bộ phận cán bộ có quyền lực trong tay đã xâm phạm quyền lợi của nhà nước, quyền lợi chính đáng của nhân dân. Một ĐBQH không phải là Đảng viên, tự xác định vị trí của mình là một tiếng nói độc lập trong QH vì lợi ích chung, ông có thể bình luận gì về điều này. Và theo ông, làm thế nào để khắc phục?
- Chúng ta đừng lý tưởng hóa mà quên rằng, nói đến Đảng, cuối cùng cũng là nói đến con người, những con người rất cụ thể của một thời đại cụ thể. Và đã là con người thì không thể không nói đến lợi ích. Lợi ích tinh thần, vật chất, lý tưởng và tham vọng. Rõ ràng môi trường ngày nay không khốc liệt như thời chiến tranh gian khổ nhưng lại đầy cạm bẫy và thách đố đối với mỗi cá nhân khi đứng trước lợi ích. Người trong hay ngoài Đảng đều vậy. Nhưng với đảng viên, một phần đã tự nguyện gắn mình với những lý tưởng cao đẹp của Đảng, phần khác lại nắm trong tay những quyền lực có thể sinh ra lợi ích nên thử thách là nặng nề gấp bội, giữ được phẩm chất cũng khó gấp bội... Sự tha hóa của bộ phận này cũng gây tác hại gấp nhiều lần những đối tượng khác, nhất là nó có thể làm xói mòn lòng tin của đông đảo quần chúng nhân dân đối với những đảng viên nói hay làm bậy...       
Gốc rễ của tình trạng này, nói theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày trước là chủ nghĩa cá nhân. Nhưng theo cách nói của bây giờ, có người gọi đó là chủ nghĩa phi nhân tính của một số người đã xa rời và đối lập với lợi ích của nhân dân. Cách khắc phục căn bản nhất là dân chủ – Đảng và Nhà nước phải tạo ra cơ chế khiến cán bộ, đảng viên muốn xa rời nhân dân cũng không được bởi họ luôn bị người dân giám sát và sinh mệnh chính trị của họ được quyết định bởi nhân dân. Mặt khác, Đảng và Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, từng khâu của cơ chế đó phải được vận hành một cách nhuần nhuyễn và bảo đảm từng cá nhân trong guồng máy đó phải thanh sạch.
- Với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của mình, liệu có thể nói rằng: việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng là xây dựng, chỉnh đốn đất nước không, thưa ông?
- Đảng là nhân tố duy nhất lãnh đạo đất nước. Theo lẽ đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng là xây dựng, chỉnh đốn đất nước. 
- Theo ông, QH nên làm gì, cần làm gì để chúng ta thực sự có được một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân?
- Theo nguyên lý phổ quát của toàn thế giới thì QH là biểu hiện quan trọng nhất của thể chế dân chủ. Vấn đề còn lại là một QH của một quốc gia do một đảng cầm quyền lãnh đạo tuyệt đối thì việc Đảng quyết định lựa chọn Dân chủ là mục tiêu hàng đầu mới là quan trọng. Và một QH dân chủ sẽ là công cụ để xây dựng và giám sát một nhà nước của dân, do dân và vì dân đúng nghĩa mà chúng ta mong muốn.
- Sau 67 năm Tuyên bố độc lập với toàn thể thế giới và cũng đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội – thử tưởng tượng về một Việt Nam trong tương lai xa hơn, có thể là 10 năm, 20 năm – theo hình dung của ông sẽ như thế nào?
- Các bạn cứ đọc các Đề án từ các ngành đến của cả quốc gia luôn lấy tầm nhìn dăm ba chục năm thì khó hình dung (ví dụ đến năm 2020, trở thành một nước công nghiệp hiện đại). Sự phát triển của nước ta cần đặt trong mối tương quan với sự phát triển của khu vực và thế giới. Xây dựng tương lai Việt Nam không phải bằng cách đi tắt đón đầu siêu hình mà phải bằng trí tuệ và lòng dũng cảm và quan trọng nhất là phải tự thay đổi mình, dám làm đúng với tinh thần Đổi mới là dám nhìn vào sự thật, mà trước hết phải từ bỏ quyết liệt thói đạo đức giả, phải dám từ bỏ những lợi ích mà thực chất là lấy cắp và đi ngược lại với  quyền lợi của nhân dân.
 Nghị quyết Trung ương 4 Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay khởi đầu cho tiến trình này sẽ xứng đáng với nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi coi đó là một sự kiện hệ trọng và thiêng liêng không chỉ với Đảng mà với cả Đất nước và Dân tộc.
- Xin trân trọng cám ơn ông!
                                                  XT (nguồn vusta.vn) Phạm Thúy thực hiện - Đại biểu nhân dân

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập