Tại buổi làm việc ngày 15/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư nêu rõ: xây dựng đội ngũ trí thức, chăm lo và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức làm việc, cống hiến, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội mà trước hết là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước. Ngược lại, lao động sáng tạo và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, là tình cảm và trách nhiệm của mỗi nhà khoa học, của đội ngũ trí thức nói chung.
Tổng Bí thư mong rằng, ngay sau buổi làm việc này, các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy cần sớm xây dựng và quyết liệt thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động, bổ sung hoàn chỉnh những nội dung không còn phù hợp, nhất là về cơ chế, chính sách, tạo tiềm lực vật chất và tinh thần, phát huy mạnh hơn nữa tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức, tập hợp thu hút đội ngũ trí thức tham gia công hiến cho đất nước.
Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số đề án quan trọng, như đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, đổi mới mạnh cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ; phát triển kinh tế tri thức...; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc; xây dựng cơ chế làm việc, thường xuyên phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành hữu quan, từ Trung ương đến địa phương, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, xây dựng và phát huy mạnh mẽ tiềm năng của đội ngũ trí thức, thiết thực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ cùng với các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng giai cấp công nhân, về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão.
Sau 3 năm triển khai, việc kiểm tra, nghiêm túc đánh giá xem Nghị quyết đã được thực hiện như thế nào là rất cần thiết; cần làm rõ những mặt đã làm được, những mặt chưa làm được, trên cơ sở đó tìm ra nguyên nhân và những giải pháp thiết thực, hiệu quả, để tiếp tục đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Qua kiểm tra thực tế cũng như qua các buổi làm việc, ý kiến của đại diện các ban, bộ, ngành, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu của đất nước đều khẳng định việc ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 là hết sức cần thiết, quan trọng, nội dung sâu sắc, sát với thực tiễn. Ngay sau khi ra đời, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X đã nhanh chóng được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản, chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ...
Nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể, nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức quán triệt và xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị mình nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những chuyển biến bước đầu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết nhìn chung còn rất chậm.
Tổng Bí thư chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này, nhưng trước hết là do ý thức chấp hành Nghị quyết chưa tốt. Do nhận thức chưa đầy đủ nên việc triển khai chưa ráo riết, quyết liệt, chưa tiến hành một cách đồng bộ, bài bản các giải pháp đã đề ra, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban, ngành hữu quan...
Bên cạnh đó, điều kiện, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều khó khăn, cơ chế quản lý, đầu tư tài chính còn có những vướng mắc... Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan hữu quan cần kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế nói trên, thực hiện một cách tích cực và có hiệu quả 5 giải pháp cơ bản mà Nghị quyết đã đề ra.
Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, những nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW quyết từng bước được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách đang được triển khai thực hiện, góp phần phát huy vai trò của đội ngũ trí thức ở một số lĩnh vực.
Môi trường và điều kiện hoạt động của trí thức không ngừng được hoàn thiện, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có các chương trình, đề án, văn bản cụ thể nhằm thu hút và trọng dụng trí thức, tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức phát huy tiềm năng sáng tạo, tham gia tư vấn, phản biện và giám định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức Việt Nam tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ về số lượng, nâng cao về chất lượng, nhờ những chuyển biến mới trong đào tạo, bồi dưỡng tri thức.
KV (Nguồn vietnamnet.vn)