Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
(19/10/2012) Cần lực đẩy cho ứng dụng tiến bộ khoa học vào nông nghiệp
Cập nhật: 19-10-2012 07:27
Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã có bước phát triển, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, gia tăng kim ngạch xuất khẩu… Tuy nhiên, do việc áp dụng tiến bộ KHCN vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, thiếu các giải pháp động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất… nên năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường còn thấp

  Cần lực đẩy cho ứng dụng tiến bộ khoa học vào nông nghiệp.jpg

Ứng dụng, chuyển giao KHCN còn chậm

Thời gian qua, KHCN nông nghiệp đã góp phần quyết định để nhiều nông sản của Việt Nam như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su... trở thành các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Tuy nhiên, đến nay, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam còn thấp. Phần nhiều nông dân còn rất thiếu thông tin và chưa tiếp cận được các loại giống mới, quy trình canh tác tiên tiến, các nhu cầu đa dạng của thị trường… Tiềm năng của KHCN đối với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn rất lớn nhưng chưa được khai thác và phát huy đầy đủ.
Theo Bộ NN và PTNT, 10 năm qua (từ 2001 - 2011), các hoạt động KHCN nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đóng góp trực tiếp vào GDP của ngành khoảng 35%. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Bộ NN và  PTNT đã đẩy mạnh công tác quản lý KHCN, về tổ chức đã và đang gom bớt đầu mối từ vài chục viện nghiên cứu xuống còn 11 viện chính. Số cán bộ nghiên cứu khoa học tăng lên gần 8.000 người, cán bộ khuyến nông tăng 33.000 người. Đầu tư xây dựng cơ bản và nghiên cứu cũng tăng mạnh, gấp 10 lần so với 10 năm trước. Dù vậy, những nỗ lực này chưa đem lại thay đổi quan trọng về kết quả KHCN. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp vẫn còn hạn chế…
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát cho rằng, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như sự biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét với tần suất thiên tai ngày càng dày, mức độ nghiêm trọng và quy mô ngày càng lớn tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Thêm nữa, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô rộng cho cả cây trồng, vật nuôi, một số loại bệnh có nguy cơ lây lan sang người, gây khó khăn ổn định kinh tế - xã hội trong khi khả năng và nguồn lực cho phòng chống khắc phục còn hạn chế. Bên cạnh đó, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn thấp và chưa có sự hợp lý trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn và đã được tập trung khai thác mạnh… Đó là những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong công tác nghiên cứu, chuyển giao KHCN, chưa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm cho sản phẩm. Một số lĩnh vực đã có công nghệ mới nhưng chậm hoặc ít được chuyển giao vào sản xuất hoặc KHCN chưa tác động được nhiều như chè, dâu tằm, rau, nhiều loại cây ăn quả, chăn nuôi...
Thu hút sự tham gia của doanh nghiệp
Mặc dù Nhà nước đã ban hành Nghị định 115, Nghị định 43, Nghị định 80 để trao quyền tự chủ cho cơ quan sự nghiệp hoạt động KHCN công lập, cho phép thành lập các doanh nghiệp KHCN, nhưng những văn bản trên đi vào cuộc sống rất chậm. Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, để cải tiến cơ chế quản lý hoạt động KHCN trong nông nghiệp thì chắc chắn phải có sự đồng thuận rất cao, không chỉ của các nhà khoa học mà của cả các cơ quan quản lý về tài chính. Bởi hiện nay, đầu tư cho KHCN chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước, có nghĩa là từ nguồn thuế, nên phải tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước về mức thu - chi, thanh quyết toán theo đúng quy định. Điều đó làm cho các nhà khoa học cảm thấy quyền tự chủ của mình chưa được triệt để.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, Trường Đại học Nông nghiệp cho rằng, để tạo động lực ứng dụng và phát triển KHCN trong nông nghiệp, nên chọn một số đề tài KHCN đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn để treo giải thưởng quốc gia, ai có thể thực hiện thì đăng ký, sau đó tự tìm kinh phí để thực hiện. Khi thành công, Nhà nước sẽ thưởng tiền, có thể gấp hàng chục lần chi phí mà người thực hiện đã bỏ ra, tính theo tỷ lệ % mà sáng tạo KHCN đó mang lại cho cộng đồng. Điều này sẽ làm cho thị trường KHCN thực sự sôi động.
Cũng theo PGS.TS Trâm, đã đến lúc cần chấm dứt hình thức đầu thầu trong cách làm KHCN nông nghiệp nếu không muốn lĩnh vực này tiếp tục khủng hoảng. Do đó, cách làm tốt nhất là phải tìm cách để thu hút doanh nghiệp tham gia vào KHCN nông nghiệp hoặc sáp nhập các viện nghiên cứu với trường đại học chuyên ngành để tận dụng tối đa khả năng nghiên cứu, đào tạo.
Tuy nhiên, theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, thực tế hiện nay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, có đến 60% doanh nghiệp có tổng vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản hiện có khoảng 1.400 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đầu tư chỉ đạt khoảng 0,9% so với tổng số vốn của doanh nghiệp cả nước. Những con số nói trên cho thấy, tâm lý của các doanh nghiệp đối với việc đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rất e dè, hay nói cách khác, lĩnh vực nông nghiệp chưa có đủ sức kích cầu, thu hút vốn từ các doanh nghiệp.
Muốn làm được điều đó, theo các chuyên gia trong ngành, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, phải mở ra con đường nối nông dân với thị trường, để thực sự kết nối được doanh nghiệp với kinh tế nông nghiệp nông thôn, với người nông dân. Cụ thể, cơ chế chính sách phải tạo được sự hấp dẫn thực sự để thu hút các doanh nghiệp, đi kèm đó là các chính sách hỗ trợ ưu đãi với những điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp không còn e ngại khi đầu tư phát triển. Không còn cách nào khác để ngành Nông nghiệp tăng trưởng là phải dựa vào KHCN để có thể phát triển bền vững.
                                                                                                 Ngọc Giáp - truyenthongkhoahoc.vn
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập