Tìm kiếm
 

 Nội dung bản tin

 
(29/7/2013) Thúc đẩy nghiên cứu KHCN: Đổi mới căn bản 3 vấn đề
Cập nhật: 29-07-2013 10:33
Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, để thúc đẩy hoạt động NCKH và phát triển đội ngũ cán bộ NCKH phải thực hiện đúng theo tinh thần Luật KHCN (sửa đổi) và Nghị quyết Trung ương 6.
 Thúc đẩy nghiên cứu KHCN Đổi mới căn bản 3 vấn đề.jpg
 Dàn khoan tự nâng 90m nước, công trình cơ khí trọng điểm quốc gia đầu tiên được chế tạo trong nước.
Thưa Bộ trưởng, theo ông, động lực nào để thúc đẩy hoạt động khoa học, phát triển giới trí thức Việt Nam thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Luật KHCN (sửa đổi) và Nghị quyết Trung ương 6 nói rất rõ là phải tăng quyền tự chủ và phải đổi mới căn bản 3 vấn đề. Thứ nhất, phương thức xây dựng nhiệm vụ KHCN là theo cơ chế đặt hàng. Doanh nghiệp, xã hội đề xuất vấn đề cần giải quyết xuất phát từ thực tiễn, cơ quan nhà nước đặt hàng giới khoa học và chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả sau nghiên cứu để tổ chức ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Nói khác đi, đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ thực tiễn, có địa chỉ ứng dụng ngay từ khâu đặt hàng. Thêm nữa, phải nâng cao chất lượng hội đồng khoa học, sử dụng các chuyên gia, nhất là chuyên gia phản biện độc lập phải đúng chuyên ngành, đúng trình độ, có kinh nghiệm...
Thứ  hai, về đầu tư phải thay đổi cán cân đầu tư giữa Nhà nước và xã hội. Hiện nay chi phí nghiên cứu chủ yếu sử dụng tiền Nhà nước nên cơ chế rất phức tạp, từ đó nảy sinh chuyện gian dối để hợp thức hóa. Nếu nguồn đầu tư từ xã hội và doanh nghiệp thì không có chuyện này. Doanh nghiệp đầu tư để đặt hàng giới nghiên cứu phục vụ cho mục đích cụ thể của họ, nên sẽ không có chuyện bỏ đề tài vào “ngăn kéo”. Ngược lại, doanh nghiệp chẳng quan tâm đến chuyện hóa đơn, chứng từ, không quan tâm định mức chi phí bao nhiêu mà chỉ quan tâm trả sản phẩm khoa học đúng hợp đồng. Đó là thay đổi phương thức đầu tư, huy động đầu tư của xã hội để tăng nguồn lực cho KHCN, và để cho các nhà khoa học đỡ khổ về thủ tục thanh quyết toán.
Thứ  ba, về cơ chế tài chính, chúng ta phải áp dụng cơ chế quỹ. Tức là tiền lúc nào cũng phải sẵn sàng để khi đề tài được phê duyệt là có tiền cấp ngay chứ không phải chờ đợi hàng năm như hiện nay. Thêm nữa là không phải quyết toán theo năm tài chính mà quyết toán theo hợp đồng. Kinh phí chưa sử dụng hết được tự động chuyển nguồn sử dụng sang năm sau. Vấn đề nữa là cần áp dụng cơ chế khoán chi. Những đề tài nào mà có sản phẩm đã xác định rõ kết quả thì được khoán đến sản phẩm cuối cùng, giống như hợp đồng đặt hàng sử dụng tiền của doanh nghiệp. Còn những loại đề tài mà sản phẩm không rõ ràng thì áp dụng cơ chế khoán một phần như Thông tư 93 hiện nay. Ví dụ như nghiên cứu chưa biết có thành công hay không thì những gì chi cho con người mới được khoán (chi phí hội thảo, hội nghị, công tác phí, thuê khoán chuyên môn, làm chuyên đề…). Còn mua sắm nguyên vật liệu, thiết bị, đi công tác (kế cả đi nước ngoài) thì vẫn theo định mức của Nhà nước và chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ như hiện nay.
Thưa Bộ trưởng, vậy với những chính cơ chế và chính sách mới được ban hành, chúng ta có thể  kỳ vọng vào tương lai hoạt động nghiên cứu khoa học?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có luật rồi, giờ là việc ban hành nghị định, thông tư... để luật đi vào cuộc sống. Ví dụ như ưu đãi liên quan đến thuế và tài chính thì phải có Thông tư của Bộ Tài chính, quy định cụ thể với sản phẩm công nghệ cao, hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ… Liên quan đến lương, phụ cấp, chế độ nâng lương, trọng dụng cán bộ khoa học thế nào... thì phải có Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Nội vụ.
Các nhà khoa học Việt Nam có tư chất và trình độ không thua kém đồng nghiệp trong khu vực, muốn thu hút họ thì cần có điều kiện làm việc tốt, Nhà nước phải đầu tư phòng thí nghiệm, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh, có những đồng nghiệp giỏi, các nhà khoa học có điều kiện giao lưu quốc tế, được đào tạo nâng cao trình độ...
Các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài cũng đang nhìn vào những điều kiện này, nếu được trọng dụng, họ sẽ về nước. Nếu đầu tư cho họ vài triệu USD mà mấy năm sau họ sẽ làm ra hàng tỷ USD cho đất nước thì tại sao mình không đầu tư? Chẳng hạn như chuyện đầu tư cho nghiên cứu thiết kế và chế tạo dàn khoan dầu khí tự nâng 90m nước, ngân sách Nhà nước đã đầu tư khoảng 6 triệu USD trên tổng số hơn 100 triệu USD vốn đầu tư của Tập đoàn Dầu khí quốc gia, nhưng chỉ sau 2 năm chúng ta đã làm chủ hoàn toàn thiết kế, tự chế tạo được, đã hạ thủy và đưa ra thềm lục địa để khai thác, đem lại hiệu quả cao.
Tôi tin tưởng nếu các chính sách mới được Đảng, Nhà  nước quan tâm ban hành và chỉ đạo thực hiện, các bộ ngành, địa phương quyết tâm đổi mới và tổ chức thực hiện tốt thì KHCN nước nhà sẽ  phát triển và góp phần đạt được các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển KHCN cũng như Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước vào năm 2020.
                                                                        Ngọc Giáp (Nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập