Tìm kiếm
 

 Nội dung bản tin

 
(19/8/2013) Bộ trưởng Nguyễn Quân nói về tình hình nghiên cứu khoa học
Cập nhật: 19-08-2013 04:29
Đầu tư cho NCHK hiện chưa tương xứng, vì chủ yếu dựa vào 2% tổng chi ngân sách hàng năm; nhiều cơ quan quản lý cho rằng các nhà khoa học có đề tài nghiên cứu thì có thể sống dựa vào đó; cơ chế giải thể viện nghiên cứu yếu kém quá phức tạp… Vậy làm thế nào để các nhà khoa học yên tâm cống hiến cho đất nước?
Bộ trưởng Nguyễn Quân nói về tình hình nghiên cứu khoa học.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về tình hình nghiên cứu khoa học (NCKH) hiện nay.
Thực trạng bất cập
Thưa Bộ trưởng, Luật Khoa học Công nghệ vừa được thông qua, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cũng đã có cơ chế hoạt động. Như vậy ông có cho rằng hoạt động khoa học và đội ngũ trí thức Việt Nam được quan tâm thỏa đáng hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Giới khoa học nói riêng và giới trí thức nói chung luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chúng ta đã có Nghị quyết riêng cho đội ngũ trí thức từ Hội nghị lần thứ 7, BCHTW khóa X (Nghị quyết số 27 - NQ/TƯ về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước ban hành tháng 8/2008), và hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cũng đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng một đề án về phát triển đội ngũ trí thức để trình Ban Bí thư.
Khi chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chúng tôi đều xác định giới khoa học, các viện nghiên cứu, các cơ quan nghiên cứu sẽ tự chủ nhưng trên cơ sở Nhà nước vẫn hỗ trợ tối đa để tạo ra cơ chế có thể thu hút đầu tư của xã hội bên cạnh những hỗ trợ theo phương thức mới của Nhà nước, chứ không phải cắt bỏ “bầu sữa” Nhà nước để cho giới trí thức tự bươn trải trong nền kinh tế thị trường.
Nhưng rất tiếc, nhiều cơ quan quản lý lại quan niệm quá đơn giản khi cho rằng, các nhà khoa học có đề tài nghiên cứu rồi thì có thể sống dựa vào đó. Nhưng thực tế, kinh phí dành cho các đề tài nghiên cứu của Việt Nam hiện nay rất ít. Mỗi năm chỉ có đủ kinh phí cho vài trăm đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, đề tài nghiên cứu cấp bộ… Nếu chia ra cho các viện nghiên cứu và các trường đại học thì số người có đề tài nghiên cứu chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 90% không thể có đề tài nghiên cứu.
Bên cạnh đó, vì chế độ tiền lương rất khó khăn như hiện nay, các nhà khoa học buộc phải vươn ra ngoài, bươn trải rất nhiều để có thể tự đảm bảo cuộc sống của mình. Như vậy họ không thể chuyên tâm vào hoạt động nghiên cứu. Họ sẽ phải đi với doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp, tất nhiên cũng có tác dụng nhất định khi đem chất xám phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo thu nhập, nhưng đấy là nguồn thu nhập không ổn định, không khuyến khích được các nhà khoa học say sưa nghiên cứu.
Bộ trưởng có đề cập đến chuyện kinh phí thấp, nhưng thực tế là hoạt động khoa học thường tiêu không hết nguồn đầu tư mà ngân sách Nhà nước dành cho?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đầu tư cho NCKH hiện nay chưa tương xứng, vì chủ yếu dựa vào 2% tổng chi ngân sách hàng năm, chưa huy động được đầu tư của xã hội. Trong tổng số 2% ngân sách, gần 90% lại sử dụng cho đầu tư phát triển hạ tầng KHCN, chi thường xuyên của các tổ chức KHCN công lập, chi cho nghiên cứu (đề tài, dự án KHCN), chỉ còn khoảng hơn 10%. Nhưng thậm chí, vẫn có ý kiến nói là không nên quy định mức 2% này vì có hiện tượng một vài năm ngành KHCN phải trả lại ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Điều này không phải do các nhà khoa học không tiêu hết tiền ngân sách được cấp mà là vì quan điểm và cơ chế phân bổ ngân sách là chính.
Hoạt động KHCN mà áp dụng quy trình cấp ngân sách như với xây dựng cơ bản, làm cầu đường thì chắc chắn không thể tiêu được hết tiền. Vì tháng 7 hàng năm, toàn bộ các đề tài đã phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt cả về nội dung và kinh phí, đến đầu năm sau mới được cấp tiền. Để phê duyệt được thì cơ quan quản lý về KHCN phải triển khai từ đầu năm trước, theo trình tự quy định phải qua rất nhiều bước và các hội đồng khoa học (hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ, đăng báo công khai danh mục nhiệm vụ, thu nhận hồ sơ, hội đồng tuyển chọn xét chọn nhiệm vụ, hội đồng thẩm định kinh phí). Cho nên, đến lúc có tiền thì nhiều đề tài đã lạc hậu hoặc không còn cần thiết nữa. Ví dụ với đề tài phòng chống dịch bệnh trên lúa, trên tôm chẳng hạn, lúc được cấp tiền thì có khi dịch bệnh đi qua rồi, nghiên cứu xong cũng có tác dụng gì. Vì thế, do không hiểu rõ, có người nói rằng nhiều công trình NCKH không có tính ứng dụng…
Nhưng hiện tượng “đề tài bỏ ngăn kéo” là khá  phổ biến, như nhiều ý kiến từng nêu, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay đúng là có thực trạng một số đề tài chưa có tính ứng dụng cao. Đôi khi cũng phải thừa nhận một vài đề tài có tên rất hay, nhưng thực tế chỉ để giải ngân, làm xong đề tài không được ai sử dụng kết quả nên đành cất vào “ngăn kéo”. NCKH theo cung cách quản lý như thế, lương bổng như thế, muốn làm thật lại phải chờ hàng năm mới có tiền. Hơn nữa, các viện nghiên cứu công lập cũng cần phải nuôi đội ngũ, vì lương thấp mà không có thu nhập thì người giỏi sẽ bỏ đi hết, nếu không làm đề tài thì không có thu nhập. Thế nên nhiều khi biết đề tài không thiết thực lắm cũng đành phải làm để có nguồn nuôi bộ máy. Xin nói thêm là hiện nay chỉ còn cán bộ khoa học (ngạch nghiên cứu viên và kỹ sư) trong hệ thống công chức, viên chức nhà nước là không có bất kỳ chế độ phụ cấp nào, kể cả phụ cấp ưu đãi nghề hay phụ cấp thâm niên.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ có 3 loại đề tài nghiên cứu được coi là phải bỏ “ngăn kéo”. Một là đề tài nghiên cứu cơ bản. Đây là những đề tài rất quan trọng, rất cần thiết, vì nó đặt nền móng cho nghiên cứu ứng dụng nhưng không sử dụng ngay được. Phải nghiên cứu cơ bản để sau 5 - 7 năm khi cần nghiên cứu ứng dụng mới có nguồn. Nghiên cứu cơ bản coi như tạm bỏ “ngăn kéo” để chờ cơ hội chứ không phải lãng phí.
Loại nghiên cứu thứ 2 cũng có thể phải tạm thời bỏ “ngăn kéo” là đề tài nghiên cứu ứng dụng nhưng chưa có nguồn lực để thương mại hóa. Ví dụ, nghiên cứu được giống lúa mới có năng suất cao hay đặc tính chịu mặn, nhưng muốn ứng dụng đại trà thì phải thông qua doanh nghiệp, thành lập công ty giống, có vốn mới thương mại hóa được. Vì phải có thời gian khảo nghiệm, quảng bá thương hiệu, để người dân thấy được cái hay của giống mới đó, không mua giống nhập ngoại nữa...
Thứ  3 nữa là loại nghiên cứu bỏ “ngăn kéo” thực sự, tức là nghiên cứu mà không có nơi ứng dụng, không xuất phát từ thực tế mà chỉ theo mong muốn chủ quan của người làm khoa học hoặc chỉ để giải ngân. Loại này gây lãng phí, nhưng trong bối cảnh hiện nay người ta vẫn chấp nhận, vì khi kinh phí đã được bố trí, người ta không muốn trả lại ngân sách mà phải làm để duy trì hoạt động của viện và giữ được cán bộ. Một viện nghiên cứu lớn mà nhiều năm không có đề tài thì không thể giữ được cán bộ. Nghịch lý ở đây là đầu tư cho NCKH.
Thưa Bộ trưởng, tại sao chúng ta không giảm bớt số viện nghiên cứu  đang quá nhiều ở mỗi bộ, mỗi ngành?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Theo cơ chế hiện nay, viện nghiên cứu yếu kém cũng không giải thể được. Thành lập thì dễ những giải thể thì rất khó. Có những viện mấy năm không làm được gì cả, cơ quan chủ quản và bản thân họ cũng muốn sáp nhập, giải thể, nhưng cơ chế giải thể quá phức tạp, chưa kể hàng trăm cán bộ khoa học nhiều năm gắn bó với viện bây giờ biết giải quyết thế nào? Cơ quan chủ quản đành hàng năm vẫn cấp kinh phí hoạt động thường xuyên để chi lương, bộ máy cho nó tồn tại. Chưa kể nhiều tổ chức KHCN của nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương có chức năng nhiệm vụ chồng chéo nhau, đề xuất đề tài nghiên cứu trùng lặp nhau, dẫn đến đầu tư dàn trải.
Sắp tới, theo quy định của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI "về khoa học và công nghệ) cùng với Luật KHCN (sửa đổi), Bộ KHCN sẽ phải xây dựng quy hoạch mạng lưới các tổ chức KHCN công lập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu tổ chức nào không đáp ứng yêu cầu của quy hoạch sẽ phải giải thể. Nhưng ngay từ bây giờ tôi đã thấy quy trình thủ tục giải thể một tổ chức công lập rất phức tạp, chắc chắn cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành mới có thể thực hiện được.
                                                                     Ngọc Giáp – (Nguồn: http://truyenthongkhoahoc.vn)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập