Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
(4/10/2013) Đông y Việt Nam – Tiềm năng và tri thức
Cập nhật: 04-10-2013 05:06
Đất nước Việt Nam ở xứ nhiệt đới gió mùa, được thiên nhiên ban tặng cho một nguồn thực - động vật phong phú. Tổ tiên chúng ta đời này qua đời khác đã biết phát huy, giữ gìn tiềm năng to lớn ấy, đúc rút kinh nghiệm để xây dựng một nền Đông y phát triển như hôm nay. Nền Đông y Việt Nam hàng nghìn năm lịch sử đã đúc kết những kinh nghiệm của các thế hệ thầy thuốc Đông y, mang tinh hoa của nền y học Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn với nền y học phương Đông để có một kho tàng lý luận và kinh nghiệm thực tế phong phú, phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Mỗi thời đại của đất nước đều có những thầy thuốc giỏi, phát hiện được những cây thuốc quý. Việt Nam có 54 dân tộc, thì mỗi dân tộc lại có những bài thuốc phòng và chữa bệnh độc đáo riêng, như bài thuốc của dân tộc Dao đỏ, Thái, Hơmông, Bana, Êđê, Chăm, Khơme... Đó là nguồn trí tuệ dồi dào trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân bằng những cây thuốc có ở địa phương, dân tộc mình. Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX, đất nước ta có 59 danh y đã để lại 61 tác phẩm gồm: Lý luận cơ bản Đông y, nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, phụ khoa, ngũ quan khoa, dưỡng sinh phòng bệnh, châm cứu. Đó là các danh y: An Kỳ Sinh, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Đại Năng, Lê Hữu Trác, Đào Công Chính, Hoàng Đôn Hoà... Những bộ sách quý của tiền nhân để lại ngày nay đang được các thế hệ sau nghiên cứu, học tập, thừa kế để phát huy, phát triển.

Dong y 430t10.jpg
Ảnh minh họa

Như đã nêu ở trên, đất nước ta ở vị trí có độ ẩm cao nên có tới 4.000 loài cây có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Nhiều cây thuốc quý hàng nghìn năm nay đã được các nhà y học sử dụng để chữa bệnh và đang được phát triển để sử dụng ngày càng rộng rãi và có hiệu quả. Thế nhưng, nền Đông y Việt Nam đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử: 1000 năm Bắc thuộc của phong kiến Trung Hoa, đất nước, nhân dân ta - trong đó có các thầy thuốc Đông y phải chịu cảnh nô lệ khổ cực. Điều đặc biệt là, khi nước nhà độc lập, tự chủ thì người Việt Nam lại phát huy tính tự tôn dân tộc, bản sắc văn hoá riêng mà Đông y là một bộ phận không thể thiếu để phát triển đất nước, xây dựng một xã hội văn minh.
 Khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, ông đã ban chiếu lập ra Viện Thái y. Có thể nói, nền Đông y Việt Nam đã trở thành nền y học chính thống của nước nhà kể từ đó. Đến đời nhà Trần lại lập ra Ty Thái y, tuyển chọn nhiều thầy thuốc giỏi để chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đó là những bước tiến bộ lớn của nền Đông y Việt Nam trong thời đại phong kiến. Nhưng đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta thì Đông y lại bị rơi vào quên lãng. Ngày 17.7.1943, toàn quyền Decoux của Pháp tại Đông Dương đã ra lệnh cấm Đông y hoạt động. Nhiều thầy thuốc Đông y lúc bấy giờ đã viết những bài báo phản đối hành động nói trên của Decoux, nhân dân cũng đấu tranh đòi được khám và chữa bệnh bằng Đông y của Việt Nam, buộc chính quyền thực dân Pháp về sau phải nhượng bộ.
Thế kỷ XX, đất nước Việt Nam mang nhiều dấu ấn lịch sử. Cùng với Cách mạng tháng 8 - 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, thì nền Đông y cũng được giải phóng. Các thầy thuốc Đông y đã được Nhà nước bảo trợ để hành nghề. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22.8.1946, Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Hội Nghiên cứu nam dược, sau đổi tên thành Hội Đông y cứu quốc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nước ta bị bao vây, cấm vận, Hội Đông y đã góp phần xứng đáng vào việc chăm sóc sức khoẻ cán bộ, bộ đội và nhân dân bằng việc dùng những cây thuốc có trên đất nước Việt Nam để điều trị các bệnh như: Sốt rét, tiêu chảy, kiết lỵ, rắn độc cắn..., góp phần vào thắng lợi của công cuộc chống ngoại xâm.
Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, một số lương y của Hội Đông y Việt Nam được giao nhiệm vụ huấn luyện cho các chiến sĩ vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ tìm lá cây trong rừng để tự chữa bệnh (sốt rét, tiêu chảy, cảm mạo...) cho bản thân và đồng đội khi ở trong rừng sâu. Việc làm này tuy lúc đó hết sức bí mật nhưng đã được các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm Hợp tác xã thuốc nam chùa Bộc và trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều lương y đã tự giác lên đường đi đánh Mỹ, nhiều người trong số đó đã nằm lại chiến trường không bao giờ trở về nữa.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, nền Đông y Việt Nam đã có thêm nhiều bước phát triển mới. Chính phủ đã ban hành Chính sách quốc gia về phát triển y dược học cổ truyền đến năm 2010 với các mục tiêu: Phát triển đội ngũ cán bộ, nuôi trồng và sử dụng thuốc Đông y; tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân bằng những cây/con làm thuốc có trên đất nước Việt Nam. Ngày 23.5.2005, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 46 NQ/TW về công tác chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, trong đó chỉ rõ: “Đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền thành một chuyên ngành khoa học”. Ngày 4.7.2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 24 CT/TW “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”. Đến nay, các cấp uỷ đảng, chính quyền và Hội Đông y Việt Nam đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các văn bản này trong cả nước.
Hội Đông y Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp có 4 cấp hội từ Trung ương đến cơ sở, hiện nay có hơn 70.000 hội viên. Hội bao gồm các lương y, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đang ngày đêm chăm sóc sức khoẻ nhân dân, hàng năm đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 1/3 tổng số bệnh nhân của ngành y tế. Hội đã kế thừa được hàng vạn bài thuốc hay, sưu tầm, phát hiện nhiều cây thuốc quý chữa bệnh có hiệu quả. Hội đã phát động một phong trào nuôi trồng thuốc Đông y trong nhân dân để giảm bớt việc nhập ngoại dược liệu, đồng thời bảo tồn các cây thuốc quý hiếm có giá trị chữa bệnh cao đang ngày càng bị mai một...
Tuy nhiên, những việc làm trên chỉ là những kết quả ban đầu. Sự phát triển của nền Đông y, đông dược Việt Nam hiện nay còn chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Một số bài thuốc gia truyền đang có nguy cơ thất truyền, nhiều cây thuốc quý đến nay đã cạn kiệt và bị xoá sổ trên đất nước Việt Nam. Chủ trương, chính sách và sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam là rõ ràng, đầy đủ, nhưng các cơ quan chức năng triển khai chưa hiệu quả. Việc kết hợp giữa các ngành chưa được sít sao, đầu tư ngân sách cho nền Đông y chỉ chiếm 1,6-2% ngân sách của ngành y tế… Đó là những vấn đề chúng ta cần suy nghĩ. Nền Đông y Việt Nam là một di sản văn hoá, mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Trên thế giới ít dân tộc nào có được một nền y học phát triển sâu rộng và có hiệu quả như nước ta, nó gắn liền với cuộc sống và sức khoẻ của nhân dân, của các dân tộc từ miền núi, trung du đến đồng bằng, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, nơi mà Tây y chưa phát triển thì Đông y Việt Nam chiếm một vị thế hết sức quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tiềm năng to lớn ấy thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta, cha ông ta đã dành dụm, đúc kết từng kinh nghiệm nhỏ để có một nền Đông y phát triển như hôm nay. Người xưa có câu: “Phi cổ bất thành kim”. Ngày nay, chúng ta có một nền Tây y tương đối phát triển nhưng đừng quên đi một nền Đông y đã hàng nghìn năm gắn bó với dân tộc ta, nó đem lại sức mạnh và trí tuệ cho dân tộc Việt Nam để chiến thắng mọi kẻ thù.

                                                                                                      Dương Phúc (Nguồn: vusta.vn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: TS. Vy Văn Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập