Có thể nói Tuần lễ truyền thông KH&CN 2013 được coi như một ngày hội của giới truyền thông KH&CN khi có sự tề tựu đông đủ của đội ngũ những người làm công tác này. Và việc tổ chức Tuần lễ truyền thông cũng được coi là bước chuẩn bị cho một loạt hoạt động tiến tới lần đầu tiên tổ chức ngày KH&CN (ngày 18/5) trong năm 2014.
“Động thái tích cực” đưa KH&CN vào đời sống xã hội
Theo nhận định của các nhà truyền thông, Tuần lễ truyền thông KH&CN 2013
lần đầu tiên được tổ chức nhằm thu hút sự ủng hộ của dư luận đối với sự phát triển KH&CN, đặc biệt là những nhà quản lý, người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, các tầng lớp nhân dân, nhất là các doanh nhân và thế hệ trẻ.
Đây cũng là cơ hội khẳng định vai trò của lực lượng truyền thông trong phát triển KH&CN, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông KH&CN; là dịp kết nối các hoạt động xây dựng và triển khai nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về truyền thông KH&CN, cung cấp những nội dung, hình thức phương thức truyền thông mới.
Nhà báo Trần Đức Chính – Nguyên Tổng biên tập Nhà báo và Công luận cho rằng, Tuần lễ Truyền thông về KH&CN 2013 có thể coi như một động thái tích cực đưa KH&CN vào đời sống xã hội thông qua truyền thông trong bối cảnh báo chí chạy đua công chúng để đứng được trong thị trường thông tin để tồn tại và phát triển.
Đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại Tuần lễ truyền thông KH&CN 2013 (ảnh: TH)
TS. Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN Địa phương (Bộ KH&CN) chia sẻ, công tác truyền thông KH&CN nhằm góp phần tạo ra một xã hội đổi mới sáng tạo, một thế hệ nhà khoa học, doanh nhân kiểu mới tận tụy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN gắn với nhu cầu của đất nước, gắn với hoàn cảnh, môi trường hội nhập hiện nay; một xã hội văn minh biết tư duy khoa học trong các hoạt động của mình.
Là người luôn dành sự quan tâm lớn cho công tác truyền thông KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã rất nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò to lớn của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN. Bộ trưởng nhấn mạnh, truyền thông có sức mạnh đặc biệt trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có KH&CN, không chỉ cung cấp thông tin về những thành tựu KH&CN mới, truyền thông còn có vai trò đưa các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, đây cũng là công cụ hữu hiệu, là cầu nối kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học với người dân.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, trên thực tế công tác truyền thông KH&CN vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Báo chí còn nhiều khiếm khuyết khi truyền thông về lĩnh vực KH&CN. Nhiều lĩnh vực hoạt động KH&CN chưa được báo chí phản ánh hết, phản ánh chưa chính xác, hay chúng ta chưa có một đội ngũ báo chí có kiến thức sâu, có kỹ năng về KH&CN, mối quan hệ giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và giới báo chí vẫn chưa thực sự chặt chẽ, nhanh nhạy….
Mong đợi nhiều nhà báo có tinh thần khoa học
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Lợi – TGĐ TTXVN cho rằng, cần thiết phải xây dựng một đội ngũ làm báo chuyên ngành, được trang bị đầy đủ kiến thức báo chí cũng như kiến thức chuyên sâu về KH&CN. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan đào tạo, quản lý báo chí nhưng cũng rất cần sự phối hợp với ngành khoa học công nghệ và các cơ quan liên quan.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải mong muốn những người làm truyền thông hiểu và tận tâm với sự nghiệp khoa học hơn nữa. Theo Thứ trưởng, chúng ta không thể tuyên truyền cho người khác một cách hiệu quả nếu bản thân chưa thực sự hiểu và yêu nghề, chưa nhiệt huyết với sự nghiệp chấn hưng đất nước dựa vào KH&CN.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng - Tổng biên tập Báo điện tử đại biểu nhân dân, Sức mạnh truyền thông là sực mạnh tổng hợp từ các báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng và từ các cơ quan, tổ chức tham gia. Hiệu quả của thông tin còn phụ thuộc ở nguồn thông tin khai thác sử dụng khách quan, kịp thời, phong phú và phù hợp với yêu cầu lợi ích của từng đối tượng, từng thời điểm… và phải thực sự thuyết phục.
Truyền thông KH&CN không chỉ là lĩnh vực thông tin chuyên sâu; dễ khô khan, hời hợt mà còn là lĩnh vực luôn tràn đầy sức sống lôi cuốn và hấp dẫn. Truyền thông KH&CN đòi hỏi nhà báo có tình yêu với nó, tìm hiểu, học hỏi kiến thức, đam mê và dấn thân. Sẽ có nhiều nhà báo bản lĩnh, dũng cảm đột phá mang tới thông tin KH&CN giá trị làm thay đổi cuộc sống.
Và tại Tuần lễ truyền thông KH&CN 2013 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã tâm huyết nhắc lại: Việc xuất hiện nhiều nhà báo có tinh thần khoa học và các nhà khoa học có tinh thần báo chí sẽ giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. “Chúng tôi mong đợi sẽ xuất hiện nhiều nhà báo có tinh thần khoa học, nhiều doanh nghiệp có tinh thần khoa học cùng với các nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp và tinh thần báo chí sẽ giúp đất nước chúng ta phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.