Nghiên cứu về vật liệu truyền thống và vật liệu mới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) có các đơn vị như Viện Khoa học vật liệu ứng dụng tại TP Hồ Chí Minh, Viện Hóa học, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang cũng như một số khoa thuộc các Trường đại học Khoa học tự nhiên, Ðại học Bách khoa Hà Nội... Nhưng kết hợp nhịp nhàng giữa nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh thì Viện Khoa học vật liệu (IMS) làm được nhiều việc hơn cả. GS, TS Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng IMS cho biết: Kể từ năm 2008, viện mở rộng lĩnh vực nghiên cứu, hình thành được một số nhóm khoa học khá mạnh, vừa nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, vừa coi trọng tổ chức triển khai và chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tế đời sống. Với nguồn nhân lực khoảng 300 người, trong đó có hơn 20 GS và PGS, 03 TSKH, hơn 60 TS... biên chế ở 26 đầu mối phòng, trung tâm và doanh nghiệp, IMS tập trung vào các lĩnh vực vật liệu và linh kiện điện tử, vật liệu và linh kiện quang học, quang điện tử và quang tử; vật liệu kim loại và vật liệu tổ hợp; vật liệu và công nghệ Na-nô; vật liệu có tính năng đặc biệt (siêu cứng, chịu mài mòn, chịu nhiệt độ cao)….
Sản xuất vật liệu pô-li-me phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Viện Hóa học
Từ năm 2006, nhất là 05 năm gần đây, đội ngũ của IMS đã triển khai, thực hiện 20 đề tài cấp Nhà nước thuộc các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, chương trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Viện đã và đang thực hiện 51 đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc quỹ phát triển khoa học - công nghệ quốc gia (NAFOSTED); gần 20 đề tài thuộc 07 hướng ưu tiên của VAST, và một số đề tài, dự án hợp tác quốc tế theo Nghị định thư. Nhờ có phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về vật liệu và linh kiện điện tử (đầu tư 55 tỷ đồng), IMS triển khai, thực hiện các nghiên cứu về vật liệu mới, vật liệu tiên tiến mà trong nước và thế giới quan tâm. Chẳng hạn như nghiên cứu cấu trúc, tính chất quang điện tử và quang tử, tính chất điện - từ của các loại vật liệu. Công nghệ Na-nô, một lĩnh vực còn non trẻ ở nước ta, nhưng viện đã đi tiên phong nghiên cứu cách đây hơn 10 năm do sự khởi xướng của GS, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Ðến nay, tuy chưa đạt được thành tựu lớn, song IMS đã chủ động nguồn mẫu cho nghiên cứu cơ bản và các nghiên cứu định hướng ứng dụng trong nông - y - sinh học, năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường. Từ đây, IMS đang xúc tiến các hoạt động cần thiết để sớm thành lập một trung tâm khoa học và công nghệ Na-nô tiên tiến đạt trình độ khu vực và quốc tế, theo chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 như Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Ở mảng vật liệu truyền thống, các nhóm nghiên cứu của IMS đi sâu phát triển các nghiên cứu về kim loại, hợp kim có tính năng đặc biệt (như siêu cứng, chịu mài mòn, chịu nhiệt độ cao). Nhất là quan tâm việc tìm ra vật liệu hấp phụ cấu trúc Na-nô để xử lý ô nhiễm nước sinh hoạt, vật liệu xúc tác Na-nô hoạt động ở vùng nhiệt độ thấp dùng xử lý ô nhiễm môi trường khí. Ðồng thời, mở rộng hoạt động nghiên cứu về công nghệ tuyển khoáng, công nghệ chế biến tinh khoáng sản để nâng cao giá trị mặt hàng xuất khẩu...
Cùng với nghiên cứu cơ bản, Viện đã tích cực triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Ðó là nghiên cứu, chế tạo nam châm đất hiếm NdFeB ứng dụng vào sản xuất máy phát thủy điện nhỏ và các máy tuyển từ được sử dụng khá rộng rãi trong công nghiệp sản xuất vật liệu ở nước ta. Riêng sản phẩm máy phát thủy điện nhỏ với ba loại công suất 200W, 500W và 1.000W không chỉ được sử dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Cạn, Lào Cai mà còn được một tổ chức nhân đạo quốc tế hợp đồng sản xuất hàng nghìn máy để cung cấp cho các vùng khó khăn ở châu Á và châu Phi. Phân viện khoa học vật liệu tại TP Hồ Chí Minh khoảng 10 năm trở lại đây đã nghiên cứu thành công công nghệ chế tạo nhiều loại vật liệu ứng dụng có hiệu quả hoặc có triển vọng ứng dụng rộng rãi. Trong đó, phải kể đến các vật liệu xúc tác xử lý khí thải, vật liệu Aluwat xử lý nước sinh hoạt bị nhiễm ô-xít sắt; thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt bằng phương pháp thẩm thấu ngược phục vụ đời sống của người dân khu vực Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Ðặc biệt, tro bay (làm phụ gia) được nghiên cứu, sản xuất từ xỉ than thải loại của các nhà máy nhiệt điện của IMS đã phục vụ thiết thực cho xây dựng công trình thủy điện Sơn La trên sông Ðà. Gần đây nhất (năm 2011 - 2012) IMS là đơn vị chủ trì dự án hợp tác quốc tế về kỹ thuật chiếu sáng tiết kiệm năng lượng được triển khai tại khá nhiều địa phương trong cả nước... Với sự nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu và sáng tạo, từ năm 2005 đến nay, đội ngũ cán bộ của IMS đã có hơn 200 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Mặt khác, IMS vinh dự được Ðảng, Nhà nước hai lần trao tặng giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ cũng như nhiều giải VIFOTEC.