Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
(17/10/2013) Hội bảo vệ người tiêu dùng còn nản…?
Cập nhật: 17-10-2013 10:49
Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm các Hội Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) trong cả nước nhận được khoảng 2.000 đơn thư khiếu nại của NTD, và giải quyết được gần 80% số vụ vi phạm.

Ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam, cho rằng, con số này quá ít ỏi so với những vi phạm đang ngày một gia tăng, và hoạt động của các Hội Bảo vệ quyền lợi NTD vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của hơn 80 triệu NTD trong cả nước.

Các tổ chức xã hội tham gia và hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD nói chung và các tổ chức bảo vệ NTD nói riêng được xem là “cánh tay nối dài“ của cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý, là cầu nối để NTD được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, do không có kinh phí hoạt động, các thành viên hầu hết là kiêm nhiệm, nên dù đã có mạng lưới tương đối “dày”, nhưng hoạt động của các Hội Bảo vệ NTD lại chưa thật hiệu quả.
Theo qui định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, Hội Bảo vệ NTD tham gia bảo vệ quyền lợi NTD bằng các hoạt động như hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn NTD khi có yêu cầu.
Hội còn đại diện NTD khởi kiện hoặc tự khởi kiện vì lợi ích chung của người dân, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý Nhà nước về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; khảo sát, thử nghiệm và thông tin, cảnh báo cho NTD về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã thông tin; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến NTD…
Hoi BVvhhdgfhdD.jpg
Các hội bảo vệ NTD khó khăn về kinh phí nên không thể khảo sát,
thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa khi có nghi ngờ
Thế nhưng, khác với nhiều tổ chức hội khác, các Hội Bảo vệ NTD không có nguồn thu từ hội phí của hội viên cũng như không có nguồn thu nào ổn định. Từ nhiều năm nay, một trong những khó khăn chủ yếu theo Hội Bảo vệ NTD Việt Nam vẫn là thiếu thốn cả về con người lẫn cơ sở vật chất.
Về nguồn từ ngân sách, chỉ khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan Nhà nước giao họ mới được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, còn lại là “tự túc”. Tổng kết 2 năm thi hành Luật Bảo vệ NTD, nhiều ý kiến đã phản ánh, tuy Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BTC quy định việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hội có hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao. Nhưng cho đến thời điểm này, việc triển khai các quy định nói trên vẫn gặp lúng túng và các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.
Thực tế cũng cho thấy, quy định về cấp ngân sách cho các tổ chức xã hội tham gia hoạt động bảo vệ NTD hiện nay chưa có một trình tự, kế hoạch chặt chẽ, chưa hình thành được dự toán chi phí cho các hoạt động cụ thể, chưa xây dựng được những đề án, kế hoạch hoạt động và đánh giá hiệu quả hoạt động.
Vậy nên, các Hội Bảo vệ NTD phải tự nuôi sống mình để “hoàn thành nhiệm vụ”. Việc eo hẹp về kinh phí khiến hoạt động của các tổ chức này có nhiều hạn chế, không thể “nhanh chóng, kịp thời” khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ khi thấy nghi ngờ và cảnh báo cho NTD… Chưa kể, một khó khăn lớn hiện nay trong việc bảo vệ NTD là Luật Bảo vệ NTD chưa được thực thi nghiêm túc.
Ví dụ, Luật Bảo vệ NTD quy định vụ án dân sự về bảo vệ NTD khi hội đủ một số điều kiện thì được giải quyết theo thủ tục đơn giản, rút gọn. Song 2 năm qua, chưa một vụ kiện về bảo vệ NTD nào được TAND các cấp áp dụng theo qui định này, mà đều áp dụng theo qui định chung, khiến NTD nản vì vừa tốn thời gian hầu tòa, và vẫn phải nộp tạm ứng án phí... 
Thực tế trên cho thấy, trong khi các cơ quan quản lý vì nhiều lý lo chưa “quản” hết các lĩnh vực, khiến NTD dễ bị xâm phạm quyền lợi, thì các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD vì thiếu tiền, thiếu người cũng chưa trở thành “chỗ dựa” tin cậy cho NTD tìm đến.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và mở cửa thị trường, NTD ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro, nên cần nắm vững các quyền và nghĩa vụ để tự bảo vệ mình.
Lẽ ra, NTD phải mạnh dạn khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện sai phạm; chủ động góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch, yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, phần lớn NTD còn khá thờ ơ, thậm chí là “ngây ngô” với quyền lợi của mình…
Theo nhiều người, sở dĩ vai trò của các hiệp hội, tổ chức về bảo vệ quyền lợi của NTD còn khá “mờ nhạt” trong mắt NTD bởi việc phổ biến, tuyên truyền về lợi ích trong việc cung cấp thông tin về các sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng cho NTD vẫn chưa được rộng rãi, nhiều NTD không dễ tiếp cận được điện thoại, địa chỉ, trang web của các hiệp hội, tổ chức để nhờ giúp đỡ khi cần.
                                                                                                                   Dương Phúc (Nguồn: vusta.vn)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập