Theo Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng cần phải có các giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ để thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, khu vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ.
Hướng tiếp cận trình độ KH&CN thế giới
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, để có thể nhanh chóng bắt kịp được các nước phát triển khác trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần phải có những cách đi đặc biệt để tiếp cận được với trình độ khoa học và công nghệ của thế giới, áp dụng vào Việt Nam để tạo nên những đột phá về phát triển của các ngành kinh tế kỹ thuật. Bên cạnh việc đầu tư dài hơi để nghiên cứu từ cơ bản tất cả các vấn đề của kỹ thuật, chúng ta cần có những bước đi mới, đột phá mà các nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đã rất thành công cách đây 20, 30 năm, đó là “giải mã công nghệ”.
Có nhiều quan điểm về giải mã công nghệ, theo đó có nhiều phương pháp để giải mã công nghệ. Quan điểm chính thống nhất là “mua công nghệ”. Có quan điểm cho rằng sao chép “y như thật” cũng là giải mã công nghệ - mua một sản phẩm tương tự, tháo ra nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm tương tự… Chuyển giao công nghệ hoặc mua bản quyền công nghệ cũng là một quan điểm khác của giải mã công nghệ.
Trình độ KH&CN của các viện, trường cần bám sát nhu cầu thị trường và doanh nghiệp
Ông Tạ Việt Dũng nêu ra, giải mã công nghệ được tiến hành ở các nước đang phát triển có thể định hình theo các bước sau: sao chép công nghệ; hoàn thiện công nghệ; làm chủ công nghệ và sáng tạo công nghệ. Kinh nghiệm quốc tế đặc biệt là những nước ở châu Á đã có sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa thần kỳ cho thấy không thể bỏ qua việc xây dựng một nền khoa học và công nghệ vững chắc. Quá trình tích lũy công nghệ này không thể bỏ qua con đường chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Đây là một quá trình dài hơi, đòi hỏi có tính đồng bộ cao trong quy trình từ tìm kiếm – giải mã – nhập khẩu – làm chủ và đồng bộ trong sự gắn kết với các chương trình hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, kinh nghiệm cũng cho thấy mỗi nước đã có những chiến lược riêng trong việc giải mã và làm chủ công nghệ từ nước ngoài.
Trung Quốc là một quốc gia đã thành công từ việc mua sản phẩm tương tự, tháo ra nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm tương tự. Hiện nay, Trung Quốc có thể chế tạo được tất cả các sản phẩm khoa học và công nghệ trình độ từ thấp đến cao, chất lượng tốt và giá thành chỉ vào khoảng 20-50% so với chính hãng.
Đài Loan vươn lên thành một quốc gia hàng đầu về công nghệ nhờ việc mua bản quyền công nghệ từ Mỹ và Nhật để phát triển. “Made in Taiwan” là một thương hiệu lớn trên thị trường công nghệ thế giới hiện nay.
Nhật Bản cũng đã phát triển nền công nghiệp của mình thông qua việc mua các công nghệ rồi cải tiến sao cho phù hợp với sản phẩm, văn hóa của từng vùng khách hàng. Hàn Quốc sau khi đạt được những năng lực công nghệ nhất định đã khuyến khích các tập đoàn tiến hành lập các công ty con và các cơ sở R&D ở nước ngoài để nâng cao hơn nữa khả năng nắm bắt các công nghệ tiên tiến, khả năng hợp tác với quốc gia bản địa trong phát triển các hướng nghiên cứu công nghệ.
Thúc đẩy hoạt động giải mã làm chủ công nghệ tại Việt Nam
Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển năng lực công nghệ nội sinh đang gặp phải những khó khăn thì việc nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để thích hợp và làm chủ càng trở nên đặc biệt quan trọng. Điều này có vai trò chủ đạo trong việc kịp thời đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển của doanh nghiệp, góp phần nhanh chóng nâng cao trình độ công nghệ quốc gia, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia một cách bền vững.
Đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp và ngành kinh tế cần được chú trọng
Chia sẻ về vấn đề này, ông Tạ Việt Dũng cho biết, thực tế nhu cầu nhập khẩu công nghệ và thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam khá lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiên về nhập khẩu thiết bị máy móc hơn đi sâu vào phần công nghệ để nghiên cứu, thích hợp và tiến tới làm chủ, sáng tạo công nghệ. Công nghệ được mua bán chủ yếu trên thị trường là thiết bị, máy móc và dây chuyền công nghệ toàn bộ. Các giao dịch mua bán công nghệ ở dạng tài sản trí tuệ như các pa-tăng, li-xăng và bí quyết công nghệ còn hạn chế. Mặt khác, công nghệ nhập khẩu còn lạc hậu trong khi năng lực hấp thu công nghệ còn thấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nhiều kinh phí cho hoạt động nhập khẩu, mua bán thiết bị thay vì tập trung kinh phí cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và triển khai hay làm chủ công nghệ.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối đầu với những thách thức to lớn trong việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Thứ nhất là, năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Thứ hai là, do hạn hẹp về tài chính, rất ít doanh nghiệp trong nước có khả năng nhập công nghệ dưới dạng sáng chế, thiết kế, giải pháp công nghệ, bí quyết kỹ thuật. Thứ ba là, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nhập khẩu máy móc, thiết bị để ứng dụng trực tiếp vào sản xuất – kinh doanh. Thứ tư là, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ chưa quan tâm đầu tư thích đáng để thích nghi công nghệ nhập khẩu nên hiệu quả ứng dụng còn thấp. Cùng với đó là do thiếu thông tin, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn công nghệ nhập thích hợp, đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ…
Theo PGS.TS. Tạ Cao Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo Công nghệ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, quy trình triển khai hoạt động giải mã công nghệ đòi hỏi phải có đầu tư và sự quan tâm phối hợp đồng bộ của nhiều thành phần như hành lang pháp lý, quản lý nhà nước về hoạt động giải mã; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong điều kiện Việt Nam, để phát triển các hoạt động giải mã công nghệ thì hoạt động giải mã sẽ theo nguyên tắc chủ động tìm kiếm công nghệ trên thế giới có tính ứng dụng cao, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam để nghiên cứu, cải tiến, tạo ra những sản phẩm công nghệ trong điều kiện Việt Nam, giúp giảm giá thành đầu tư cho công nghệ mới và làm chủ được các công nghệ hiện đại. Tận dụng nguồn cơ sở dữ liệu phong phú từ những pa-tăng không được bảo hộ tại Việt Nam.
Ông Tạ Cao Minh cho rằng các lĩnh vực công nghệ nên được ưu tiên là cơ khí chế tạo; cơ điện tử; tự động hóa công nghiệp; công nghệ thông tin; quốc phòng và an ninh; các thiết bị dân dụng; các phương tiện giao thông.
Tìm hiểu và hấp thụ công nghệ thông qua các hoạt động giải mã, từ đó có thể ứng dụng, tiến tới làm chủ và sáng tạo công nghệ là một xu hướng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sức ép gia tăng nhu cầu phát triển nội tại của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, việc triển khai các chương trình khoa học và công nghệ mang tầm quốc gia nhằm thúc đẩy tốc độ và hiệu quả đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp, các ngành kinh tế là hết sức cần thiết và cấp bách.
Dương Phúc (Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn)