Ngay từ đầu năm, Hội đã tiến hành cuộc họp định kỳ của Ban Chấp hành, kiện toàn công tác tổ chức và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ủy viên, cụ thể: Đ/c Chủ tịch Hội phụ trách chung, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách chiến lược khoa học công nghệ môi trường. một Phó Chủ tịch phụ trách công tác đối ngoại, truyền thông, các ủy viên khác phụ trách công tác kiểm tra pháp chế tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, công tác triển khai các ứng dụng về công nghệ mới, công tác phát triển nguồn nhân lực và phân công nhân viên Kế toán kiêm Văn thư hành chính Văn phòng Hội. chỉ qua sự phân công lãnh đạo phụ trách các đầu mối công việc đã cho thấy sự quan tâm của Hội đối với các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch hoạt động Hội đã đề ra.
Nhiệm vụ trước tiên mà Hội quan tâm đó là việc phát triển nguồn nhân lực: Hội đã tích cực tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân gia nhập Hội. Hội đã kết nạp mới được 3 Hội viên cá nhân, nâng tổng số 58 Hội viên. Căn cứ nghị quyết Ban Chấp hành, Hội đã nhanh chóng triển khai một số hoạt động, đối với hoạt động phát triển thị trường: Hội mở rộng thị trường sang các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, phát triển kinh doanh dịch vụ tư vấn, xây dựng các công trình khí sinh học quy mô lớn, phát triển thương hiệu là đơn vị dịch vụ đại diện cho Hội, đó là “Công ty TNHH Phú Hoàng Gia”. Bên cạnh đó, Hội chủ động tham gia hoạt động Khoa học - Công nghệ: Đăng ký và thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi quy mô nhỏ 10-20m3/ngày đêm” đã được chấp thuận chủ trương cho phép triển khai trong năm 2014.
Trong Hoạt động thông tin truyền thông: Thông tin về chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, thông tin hoạt động khoa học công nghệ, tuyên truyền hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuậtvà thông tin, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn, hoạt động Hội thông qua các buổi sinh hoạt hoặc email cá nhân. Hội phối hợp với VTV2 (Ban khoa giáo) đài truyền hình Việt Nam làm phóng sự 30 phút về hiệu quả kinh tế và môi trường trong phát triển Biogas tại Đồng Nai (phát sóng trên VTV2 – Đài truyền hình Việt Nam). Hội tổ chức tham quan các công trình xử lý môi trường tiêu biểu, điển hình trong lĩnh vực Biogas tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cho các Hội Viên. Hội phối hợp Ban quản lý Dự án Lifsap và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Đồng Nai tổ chức hội thảo giảng bài môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành chăn nuôi, đã triển khai 6 lớp trong địa bàn tỉnh.
Hợp tác chuyển giao công nghệ khí sinh học giữa Công ty ED Biogas AB
và Công ty TNHH Phú Hoàng Gia (Hội Khí sinh học)
Ngoài việc tham gia hội nghị triển khai kế hoạch nghiên cứu và phát triển khí sinh học tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2014, Hội còn phối hợp với Hội chăn nuôi Đồng Nai trong việc triển khai các mô hình khí sinh học phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường, tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Phú Hoàng Gia triển khai các mô hình Biogas cỡ lớn chạy máy phát điện tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, triển khai Công trình hầm Biogas 11.000m3 của Cty TNHH Cổ Phần Chăn Nuôi An Phú Khánh (thuộc huyện Xuân Lộc), công trình Hầm Biogas 31.000m3 của Hệ thống trại chăn nuôi Vĩnh Tân (thuộc huyện Dầu tiếng, tỉnh Bình Phước), Công trình Hầm Biogas 13.000m3 của Công ty TNHH MTV Phúc Lộc Vạn Phát (huyện Tân Phú, Đồng Nai), Công trình Hầm Biogas 6.000 của Công ty TNHH An Phú Khánh Sáu (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), hầm biogas mẫu KT2 (9m3-20 m3) số lượng 12 hầm (tại các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Long Thành và Thị xã Long Khánh), hầm Biogas Composite (7m3-9m3) số lượng 5 hầm ( tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai).
Trong hoạt động về chính sách tư vấn, phản biện: Hội đang tiến hành xây dựng các ban chuyên môn để tư vấn, phản biện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Hội khi được yêu cầu.
Thi công hầm Biogas tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi An Phú Khánh (Hội Khí sinh học)
Ban Chấp hành Hội gồm các đồng chí cán bộ có uy tín và kinh nghiệm trong công tác quản lý, với một đội ngũ hội viên năng động, tâm huyết với chuyên môn và tích cực với công tác hội nên trong năm 2014 đã tích cực tuyên truyền tiếp tục vận động phát triển Hội viên, củng cố tổ chức hội và chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động chuyên môn, đặc biệt trong nông nghiệp và ngành tài nguyên môi trường, đi sâu phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, xây dựng và phát triển các mô hình ứng dụng của khí Biogas phục vụ cho công nghiệp và sinh hoạt: Sử dụng khí biogas sấy bã mì, ấp trứng, chạy máy phát điện … góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong năm nay, Hội dự kiến sẽ tổ chức đào tạo đội thợ xây tại tỉnh Đồng Nai nhằm nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật thi công xây lắp các công trình khí sinh học nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương, Hội sẽ đánh giá hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi, chế biến tinh bột mì và giết mổ gia súc quy mô 100m3 tại một số huyện trong tỉnh nhằm cải tiến, phát triển, áp dụng và nhân rộng các mô hình xử lý nước thải hoạt động có hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh, tổ chức các buổi hội thảo về chuyên ngành môi trường nhằm nâng cao sự hiểu biết và trình độ chuyên môn cho các Hội viên trong Hội, đẩy mạnh thông tin đào tạo, huấn luyện, giao lưu, phát triển hội viên, gắn kết nối và hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, sử dụng, quản lý công trình khí sinh học. Chủ động mở rộng quan hệ, liên kết với các hội tỉnh bạn nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Tăng cường liên kết với các tổ chức tư vấn ngành môi trường để tạo điều kiện đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển hoạt động tư vấn, phản biện xã hội trong các dự án đầu tư về lĩnh vực chuyên môn trong tỉnh cũng như trong khu vực và cả nước. Phát triển thị trường dịch vụ khí sinh học, giảm phát thải trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung. Nâng cao dần tỉ lệ hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ khí sinh học an toàn, hiệu quả, bền vững góp phần xây dựng kinh tế xanh. Đặc biệt, Hội sẽ thành lập các ban chuyên môn nhằm tạo điều kiện để Hội vươn lên tổ chức các dịch vụ thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao, tiến tới tự trang trải về tài chính và xây dựng cơ sở vật chất để Hội phát triển bền vững.
Hiền Tâm