Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 250.000 - 300.000 đàn ong nuôi theo các dạng: hộ gia đình, nuôi bán chuyên nghiệp và nuôi ong chuyên nghiệp. Đối với những trại nuôi ong chuyên nghiệp quy mô từ 200 đến 1.000 đàn ong/trại. Giống ong được nuôi chủ yếu để khai thác và xuất khẩu là giống Apis Mellifera. Sản lượng trung bình hàng năm từ 6.000 - 8.000 tấn mật ong và những sản phẩm khác từ ong như: sáp ong, phấn hoa, sữa ong chúa…
Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng mật ong trong điều kiện hiện nay
Ở Đồng Nai, việc nuôi ong đã trở thành một nghề sản xuất nông nghiệp mang tính đặc thù, thu hút và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, là nghề có thu nhập cao, góp phần xoá đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn đồng thời việc nuôi ong cũng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng Nai hiện có hơn 500 người nuôi ong chuyên nghiệp, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm/một người nuôi ong với quy mô 250 đàn ong.
Có được sự phát triển như bây giờ là nhờ trong những năm qua, Hội Nuôi ong luôn luôn quan tâm đến việc cập nhật hóa thông tin về kinh tế, kỹ thuật cho người nuôi ong, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người nuôi ong và doanh nghiệp thông qua hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Hàng năm, đa số người nuôi ong chưa được vay tín dụng trực tiếp từ ngân hàng, nhưng vẫn được sự đầu tư hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng mỗi năm cho 475 hội viên từ Công ty Cổ phần ong mật Đồng Nai. Nhờ cách làm trên, ngành ong của tỉnh phát triển một cách ổn định và bền vững, năm sau cao hơn năm trước:
Về sản xuất: Năm 2010, toàn tỉnh có 70.240 đàn ong thuộc 251 trại, có 502 người nuôi ong, sản lượng 3.400 tấn, năng suất bình quân 5 kg/cầu.
Năm 2011, toàn tỉnh có 86.000 đàn ong thuộc 247 trại, có 494 người nuôi ong, sản lượng 4.422 tấn, năng suất bình quân 5 kg/cầu.
Năm 2012, toàn tỉnh có 145.950 đàn ong thuộc 266 trại, có 532 người nuôi ong, sản lượng 4.422 tấn, năng suất bình quân 5 kg/cầu.
Tính đến nay toàn tỉnh có 150.000 đàn ong thuộc 272 trại, có 550 người nuôi ong, sản lượng 4.700 tấn, năng suất bình quân 6kg/cầu.
Về xuất khẩu, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ, EU:
Năm 2010, xuất khẩu 3.165 tấn mật ong, 89 tấn sáp ong, kim ngạch xuất khẩu 254.629 USD.
Năm 2011, xuất khẩu 4.037 tấn mật ong, 75 tấn sáp ong, 7,4 tấn phấn hoa, kim ngạch xuất khẩu 10.280.023 USD.
Năm 2012, xuất khẩu 4.032 tấn mật ong, 74 tấn sáp ong, 15 tấn phấn hoa, kim ngạch xuất khẩu 8.085.000 USD.
Tính cuối năm 2013, xuất khẩu 3.895 tấn mật ong, 50 tấn sáp ong, 28 tấn phấn hoa, 10.000.000 kim ngạch xuất khẩu USD.
Với lượng sản phẩm chủ yếu dành cho xuất khẩu sang thị trường EU và Bắc Mỹ hàng năm - những thị trường có yêu cầu về chất lượng rất khắt khe, đặc biệt khắt khe với dư lượng kháng sinh trong mật ong. Để giải quyết tận gốc vấn đề này nhằm đạt uy tín đối với thị trường quốc tế, Hội nuôi ong Đồng Nai kết hợp với Công ty Cổ phần ong mật Đồng Nai đã xây dựng Câu lạc bộ “Những người nuôi ong sạch” với tiêu chí quản lý cộng đồng nhằm tạo ra sản phẩm “sạch” để đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay. Câu lạc bộ “Những người nuôi ong sạch” tại các địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền sâu rộng cho người nuôi ong về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, cập nhật thông tin kinh tế thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất phù hợp với đặc điểm quy mô sản xuất của từng hộ gia đình, từng bước thực hiện VIETGAP trong sản xuất mật ong. Hoạt động của câu lạc bộ đã mang lại sự cảm thông và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người nuôi ong với nhau, những người nuôi ong lâu năm và những người mới vào nghề, không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và năng suất cao trong quá trình quản lý và nuôi dưỡng đàn ong mà còn tạo dựng mối quan hệ tương thân, tương trợ giữa các hộ lao động trong nghề nuôi ong.
Mặt khác, để ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc nuôi ong, trong những năm qua, Hội Nuôi ong đã quan hệ chặt chẽ với Công ty Cổ phần ong mật Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Hội nuôi ong Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu ong Trung ương và các cơ sở nuôi ong trong tỉnh đã tiến hành thực hiện các chương trình nghiên cứu, ứng dụng đưa vào sản xuất các giống ong có năng xuất cao, có khả năng chống chịu bệnh tật tốt, đã cung cấp trên 1000 đàn ong giống cho các hộ nuôi ong trong tỉnh và các vùng phụ cận hàng năm, góp phần duy trì và phát triển đàn ong giống gốc của tỉnh. Đáng chú ý là việc áp dụng phương pháp điều trị bệnh chí Varroa bằng phương pháp sinh học kết hợp với các hoạt chất hữu cơ trên đàn ong đã nhằm đảm bảo sản phẩm ong mật không bị nhiễm chất tồn dư, Hội và các đơn vị liên kết còn triển khai dự án khai thác mật bằng thùng kế tự lên cho người nuôi ong, từng bước cải tiến việc khai thác mật ong hiện nay, đáp ứng cho yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chi Hội tại các huyện thường xuyên tổ chức sinh hoạt tại trại để hội viên có điều kiện trao đổi, học hỏi chuyên môn cũng như giúp đỡ hỗ trợ cho Hội viên mới. Hội nuôi ong thường xuyên phối hợp Công ty cổ phần ong mật Đồng Nai, các chuyên gia trong và ngoài tỉnh tổ chức hội thảo, toạ đàm về nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm trên đàn ong, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người nuôi ong …
Năm 2014, việc phát triển kinh tế hộ nuôi ong trong điều kiện còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bằng nỗ lực vượt khó và sự năng động trong sản xuất kinh doanh, Hội Nuôi ong không chỉ tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân và tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng, Hội còn phát triển tổ chức ngày càng rộng lớn. Năm 2011, toàn Hội có 17 chi Hội với 251 hội viên, đến nay, Hội Nuôi ong đã phát triển 21 chi Hội với 475 hội viên. Trong hoạt động năm 2014 này, Hội Nuôi ong xác định sẽ tiếp tục chú trọng chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội, tập trung củng cố và phát triển Hội vững mạnh gắn liền với sự phát triển kinh tế nghề nuôi ong trong tỉnh, xây dựng đội ngũ các nhà nuôi ong có kinh nghiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của hội viên, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về kỹ thuật, kinh tế ngành ong, tạo điều kiện cho các tổ hội hoạt động có hiệu quả và là chỗ dựa vững chắc cho người nuôi ong trong tỉnh.
Ngọc Trâm.