Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
17/12/2014) Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài.
Cập nhật: 17-12-2014 04:08
"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống thấp". Đoạn văn trên do Thân Nhân Trung soạn và được khắc trên bia đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám đã nói lên tầm quan trọng của đội ngũ trí thức giữ vai trò có ý nghĩa quyết định trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của ông cha xưa. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng vấn đề xây dựng lực lượng cách mạng, ngoài hai giai cấp công nhân và nông dân, Người quan tâm và trân trọng tầng lớp trí thức, những người "hiền tài" góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Người khẳng định "trí thức là vốn quý của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế".

 

Sau khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, trong những ngày đầu thành lập nước, với cương vị đứng đầu nhà nước cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới giới trí thức. Trong Chính phủ lúc bấy giờ do Người được ủy nhiệm đứng ra thành lập, nhiều vị trí thức được giữ cương vị quan trọng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Đình Hòe, luật sư Phan Anh, giáo sư Đặng Thai Mai... Chính phủ lâm thời vừa mới thành lập đã phải đương đầu với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn thiếu thốn nhưng với tinh thần yêu nước và cách sử dụng nhân tài khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên hầu hết trí thức lúc này đều đem hết tâm sức của mình phụng sự Tổ quốc. Theo tiếng gọi của non sông và dưới ảnh hưởng của Bác Hồ, đông đảo trí thức Việt kiều cũng về nước như giáo sư Hồ Đắc Di, Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch... và cùng với trí thức trong nước góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc xây dựng Tổ quốc. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù phải huy động sức người, sức của với khẩu hiệu "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc" nhưng Đảng và Bác Hồ đã có tầm nhìn chiến lược trong công tác đào tạo đội ngũ trí thức: đưa học sinh đi đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa, cùng với đào tạo trong nước hình thành đội ngũ trí thức đông đảo vừa phục vụ ngay trong cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng đất nước sau này.
Ở Đồng Nai quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với sự đóng góp to lớn của giới trí thức; đội ngũ trí thức của tỉnh được hình thành từ nhiều nguồn, nhiều cấp khác nhau. Một vấn đề đặt ra đối với đội ngũ trí thức là đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; mặt khác theo Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đảng và Nhà nước phải có nhiệm vụ chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức". Vì vậy, để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều văn bản có nội dung quy định việc đào tạo, sử dụng đãi ngộ, đánh giá đối với đội ngũ trí thức.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được một đội ngũ trí thức đông đảo. Đội ngũ trí thức của tỉnh hiện có hơn 48.000 người đang làm việc ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh, huyện và cơ sở; các đơn vị sự nghiệp thuộc cấp tỉnh, huyện. Trong đó, trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên chiếm tỷ lệ trên 50,5%; cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Hầu hết đội ngũ trí thức của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và có quá trình công tác trong các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; nhiều người có kinh nghiệm và am hiểu sâu về chuyên môn; nắm bắt được các chủ trương, cơ chế phối hợp làm việc, cũng như việc vận dụng đúng đắn những quan điểm, mục tiêu, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với thực tế của tỉnh. Trong năm qua tỉnh đã xét chọn và tôn vinh được 10 trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu.
Có thể khẳng định, đội ngũ trí thức của tỉnh có số lượng khá lớn và đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đội ngũ trí thức nhạy bén và có khả năng nhanh chóng tiếp cận cái mới. Nhiều người có những ý tưởng, sáng kiến, làm chủ nhiều đề tài khoa học cấp ngành, cấp tỉnh và  cấp nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mà đội ngũ trí thức Đồng Nai đạt được vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục như: Hạn chế về tư tưởng, nhận thức, về chất lượng hoạt động, về sáng tạo, phản biện, tư vấn, giám sát xã hội, hạn chế về mặt số lượng, về cơ cấu và phân bố; cơ cấu đội ngũ trí thức hiện tại còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với cơ cấu các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung nhiều vào khối hành chính sự nghiệp và được phân bổ không đều, không hợp lý, phần lớn tập trung ở thành phố Biên Hòa. Năng lực nghiên cứu, sáng tạo còn nhiều hạn chế do Đồng Nai chưa phải là nơi tập trung các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu, các bệnh viện lớn, do đó tỉnh hiện còn rất thiếu đội ngũ trí thức đầu đàn, những chuyên gia giỏi am hiểu và có khả năng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề bức xúc của tỉnh. Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức tỉnh chưa thật sự phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Hoạt động của trí thức còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, việc ứng dụng các nghiên cứu vào thực tế chưa nhiều… Tỉnh đã có chế độ, chính sách thu hút ưu đãi, sử dụng nhân tài song chưa đủ sức hấp dẫn những người tài về địa phương công tác. Nguyên nhân khách quan là Đồng Nai giáp ranh với những tỉnh thành lớn phía nam như Bình Dương, Tp.Hồ Chí Minh, có thể do điều kiện, môi trường làm việc, thu nhập ở các nơi này có sức hút lớn nên ngay cả con em là người Đồng Nai sau khi ra trường, nhất là những người giỏi cũng muốn ở lại đây công tác.
Để xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, cần làm tốt một số vấn đề sau:
Một là, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước phải có nhiệm vụ chăm lo tới đội ngũ trí thức để vừa có trình độ học thức vừa có lý luận và thực tiễn. Do đó, hàng năm phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ trí thức hiện có để cập nhật kiến thức về lý luận chính trị, quản lý kinh tế, về khoa học kỹ thuật, về ngoại ngữ, tin học. Mặt khác, cần tăng cường phát hiện nhân tài để có kế hoạch đầu tư nuôi dưỡng ngay từ khi còn đang học tại các trường học.
Hai là, định kỳ sau 5 năm, 10 năm, 15 năm... nên điều tra số lượng, phân tích cơ cấu thuộc các lĩnh vực khoa học kinh tế, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, về trình độ chuyên môn, trên cơ sở đó sắp xếp lại cho phù hợp với khả năng trình độ và yêu cầu thực tế của tỉnh. Đồng thời cũng đánh giá những mặt mạnh, những điểm yếu và những cống hiến đóng góp của đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực chuyên môn; từ đó có chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.
Ba là, Tỉnh ủy, Uỷ ban Nhân dân tỉnh cần quan tâm hơn về chế độ thu hút, ưu đãi và sử dụng nhân tài theo hướng nâng mức thưởng, mức hỗ trợ kinh phí cho những người có học hàm, học vị, người đạt thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, công tác, người đạt danh hiệu thi đua, danh hiệu nhà nước phong tặng. Ngoài ra, cũng nên có chế độ, chính sách khác như hợp lý hóa gia đình, tiếp nhận bố trí công tác cho vợ hoặc chồng về công tác ở địa phương... Tạo điều kiện về môi trường, phương tiện làm việc, tức là cần tập trung đầu tư cho người tài cả về chế độ đãi ngộ lẫn phương tiện làm việc, nghiên cứu. Đi liền đó là khắc phục hiện tượng "chảy máu chất xám" khi có người giỏi xin thôi việc trong khu vực nhà nước để làm cho các công ty tư nhân hoặc đi ra ngoài tỉnh. Mặt khác, đội ngũ trí thức cần thấy rõ trách nhiệm, tình cảm xây dựng Đồng Nai trở thành một tỉnh giàu đẹp mà rèn luyện phấn đấu trở thành "hiền tài" đem hết tâm nguyện, trí tuệ, tài năng phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với lòng hâm mộ, tin cậy của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
                                                                                                                          Ngọc Giáp
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập