Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 52, 53, 54, 58 và 63 của Luật Khoa học và công nghệ về đầu tư, cơ chế tài chính và một số nội dung cần thiết về dự toán ngân sách nhà nước, nội dung chi cho hoạt động khoa học và công nghệ và quản lý nhà nước về quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Nghị định này áp dụng cho các cá nhân và tổ chức chủ trì thực hiện đề tài phải là tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ.
Chi phát triển tiềm lực KH&CN, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN không phân biệt thành phần kinh tế theo các nội dung: xây dựng mới, nâng cấp, tăng cường năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN; xây dựng khu nghiên cứu và phát triển cho các khu công nghệ cao; xây dựng hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về KH&CN; các hoạt động đầu tư khác phục vụ phát triển KH&CN.
Chi sự nghiệp KH&CN gồm có chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; chi thường xuyên và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các tổ chức KH&CN công lập theo quy định pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và nghiên cứu KH&CN; mua kết quả nghiên cứu KH&CN, mua công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chuyển giao và nhập khẩu công nghệ; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, truyền thông, hoạt động thông tin và thống kê KH&CN, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước;…
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính lập dự toán và trình Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dự toán chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp KH&CN theo đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ hàng năm (kinh phí giao hàng năm cho sự nghiệp KH&CN không thấp hơn mức của Trung Ương giao). Trường hợp có thay đổi sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phải có trách nhiệm thông báo cho Sở Khoa học và Công nghệ trước khi trình Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập khi có đủ các điều kiện về: nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đảm bảo vận hành Quỹ; biên chế sự nghiệp được điều tiết trong phạm vi tổng biên chế sự nghiệp hiện có; đảm bảo cơ cấu nguồn vốn từ NSNN và nguồn khác; không làm tăng chi phí quản lý từ NSNN.
Việc lập và duy trì quỹ dựa trên nhiều nguồn kinh phí như nguồn vốn được cấp lần đầu từ NSNN dành cho phát triển KH&CN của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; vốn bổ sung hàng năm từ phân bổ NSNN cho nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, tỉnh, cơ sở; các nguồn thu từ kết quả hoạt động của quỹ; kinh phí được điều chuyển tự nguyện hoặc nhận ủy thác từ quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; nhận ủy thác từ các quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng và nhận ủy thác của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.
Đối với doanh nghiệp, Nghị định nêu rõ hàng năm phải trích từ 3% - 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Đồng thời được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỉ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ phát triển KH&CN thì, doanh nghiệp nhà nước phải nộp về Quỹ phát triển KH&CN quốc gia hoặc quỹ phát triển KH&CN của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp còn lại được quyền đóng góp vào các quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế.
Cơ chế quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN cũng có nhiều nét mới. Cụ thể, trước đây, ngày 31/7 hàng năm là hạn chót mà Sở KH&CN phải tập hợp các đề tài, nhiệm vụ khoa học để gửi Sở Tài chính dự trù ngân sách. Những đề xuất được tập hợp sau ngày 31/7 phải chờ thêm một năm nữa. Tuy nhiên, cơ chế này đã thay đổi. Theo Nghị định, việc các định và phê duyệt nhiệm vụ KH&CN được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm trên cơ sở dự toán nguồn ngân sách nhà nước được phê duyệt và các nguồn kinh phí khác cân đối cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong năm kế hoạch và các năm tiếp theo tương ứng với thời gian thực hiện nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt.
Một trong những điểm mới quan trọng của cơ chế tài chính là việc thực hiện khoán chi. Cụ thể, nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí: nhiệm vụ KH&CN có sản phẩm cuối cùng đã xác định được rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí; dự toán của nhiệm vụ KH&CN đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các định múc kinh tế kỹ thuật theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2014 và thay thế Quyết định 117/2005/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và Công nghệ.
Lê Nghĩa