Để góp phần hoàn chỉnh Dự án luật về Hội đồng thời thực hiện yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về việc lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật về Hội sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, trong thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các hội thành viên, hội viên Liên hiệp Hội rất quan tâm và đã có nhiều ý kiến góp ý Dự án luật về Hội, nội dung góp ý tập trung vào các vấn đề có liên quan đến hội.
Trước hết về Sự cần thiết phải có Luật về Hội: Theo số liệu Bộ Nội vụ, đến cuối năm 2014, cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù. Với quy mô và số lượng các hội nhiếu và lớn như trên thì việc ban hành Luật về hội là rất cần thiết để việc quản lý nhà nước về hội được tốt hơn, mặt khác có Luật về hội sẽ giúp các hội có điều kiện và cơ sở pháp lý hoạt động thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, từ đó các hội sẽ có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ thiết thực đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã, một trong những cầu nối giữa nhân dân với Nhà nước.
Như chúng ta đã biết, quyền tự do lập hội là một trong những quyền tự do chính trị cơ bản của con người, không những trong các văn kiện quốc tế, mà trong các bản Hiến pháp của nước ta đều đã ghi nhận, khẳng định. Ở nước ta, mặc dù thành lập dưới hình thức tự nguyện, song việc tập hợp quần chúng đi theo chủ trương đường lối của Đảng là một nhiệm vụ trọng tâm mà nội dung dự án luật về hội cần phải đạt được. Thông qua quyền lập hội, các tổ chức xã hội được thành lập và đó là tiếng nói của những người dân có chung ý chí, nguyện vọng, tự nguyện tập hợp lại với nhau để tạo thành một sức mạnh, cùng Nhà nước thực hiện những mục tiêu của hệ thống chính trị, để kiểm soát Nhà nước, để bảo vệ mình và cũng là để đấu tranh chống lại những tiêu cực trong xã hội… do đó, cần phải tôn trọng tính xã hội của các tổ chức này. Tại dự thảo của dự án có sử dụng cụm từ là Luật về Hội thì vẫn chưa nêu bật lên được tính chất xã hội của các hội và với tên gọi như vậy thì Luật này vẫn hàm chứa việc nhà nước sẽ quản lý và điều phối hoạt động của Hội nhiều hơn là sẽ tạo điều kiện cho các Hội hoạt động. Vì vậy, nên nghiên cứu, xem xét lại nội dung Sắc lệnh 102/SL/L004 ngày 29-5-1957 trong đó có ghi rõ việc “ban bố quy định quyền lập hội” và tên luật là: “Luật quy định quyền lập hội”.
Ở góc độ phạm vi điều chỉnh: Hiện nay, trên thực tế có một số hội, tổ chức chính trị xã hội đã được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật (6 tổ chức) nhưng cũng còn có một số tổ chức hội đã được Đảng và nhà nước công nhận là tổ chức chính trị xã hội nhưng chưa được thể chế hóa bằng các văn bản quy định pháp luật, Tại Khoản 2, điều 1 Luật về Hội (dự thảo) quy định không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Nội dung Điều này của Dự thảo Luật về Hội thực tế chưa thể hiện được sự bình đẳng giữa các Hội, cụ thể đối với Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, trong khi Chỉ thị 42CT-TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị đã xác định rõ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là tổ chức chính trị-xã hội với lực lượng trí thức khoa học công nghệ đông đảo, có tổ chức Đảng đoàn, có Chi bộ, có các tổ chức chính trị khác như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Do đó đề nghị bổ sung thêm vào khoản 2 điều 1 là dự thảo Luật quy định không áp dụng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật. Mặt khác, hiện nay trên thực tế hội có hội viên và hội không có hội viên cũng đều do tổ chức, công dân thành lập, hoạt dộng và đều có chung mục đích là tham gia xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng của đất nước, nếu loại bỏ các đối tượng này ra khỏi Luật thì vô tình chúng ta đã loại bỏ mất một số thành phần quan trọng có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
Tại phần Những quy định của dự án Luật về hội, nội dung bản dự thảo nặng về phần quản lý Nhà nước đối với Hội hơn là tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của Hội. Cũng theo dự thảo, ngoài việc chịu sự quản lý của Bộ Nội vụ thì Hội hoạt động trên lĩnh vực nào phải chịu sự quản lý Nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực đó, qua nội dung những quy định của dự án Luật về hội đã thể hiện sự can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Hội như kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hội.
Đối với thủ tục thành lập Hội còn rườm rà, có quá nhiều thủ tục, thời gian kéo dài, nhiều quy định đã hạn chế quyền lập Hội không được trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của Hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vị hoạt động. Hơn nữa, thời gian thành lập Hội phải mất 60 ngày trong khi thành lập doanh nghiệp chỉ mất 3 ngày, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ mất 15 ngày…
Tại Khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật quy định Nhà nước “ban hành cơ chế, chính sách để hội tham gia xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ, tư vấn; thực hiện chương trình, dự án, đề tài và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật”. Quy định này chưa thực sự đầy đủ, quy định chỉ mới nhấn mạnh việc Hội thực hiện các dịch vụ, tư vấn, chương trình do Nhà nước đặt hàng, chưa đề cập đến chức năng phản biện xã hội của Hội. Đây là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp các Hội, góp phần thể hiện sự tham gia quản lý nhà nước của các tổ chức xã hội. Vì vậy, đề nghị phải bổ sung chức năng phản biện xã hội của Hội vào quy định tại khoản 2 Điều 6 của dự thảo.
Trong tình hình hiện nay, Đàng và nhà nước cũng như cả hệ thống chính trị của chúng ta đang đề cao cảnh giác với âm mưu “ diễn biến hòa bình” và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi con người, mỗi cán bộ đảng viên, trong nội bộ các tổ chức… thì việc nâng cao cảnh giác trước những âm mưu phá hoại của kẻ địch và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội, các tổ chức quần chúng lại càng cần thiết hơn bao giờ hết, nếu không có sự quan tâm kịp thời, đúng mức, rất có thể các hội có nguy cơ bị các thế lực khác lôi kéo, lợi dụng. Vì vậy, mong rắng Luật về hội sẽ được hoàn chỉnh và trở thành một đạo luật thể hiện được chính sách đại đoàn kết, để thu hút và phát huy được vai trò của các tổ chức hội, trong đó các tổ chức chíh trị-xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước đeể cùng thực hiện nhiệm vụ chung là xây dựng và bảo vệ đất nước.
Gia Bảo