Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Lâm Hiếu Trung: Người gắn bó với lịch sử - văn hóa địa phương
Cập nhật: 25-10-2021 01:54
Tháng 11/1977, tôi đến Phòng Tổ chức cán bộ - Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh để nhận nhiệm vụ do tổ chức phân công sau tốt nghiệp. Cán bộ tổ chức giới thiệu ông Lâm Hiếu Trung, Phó ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Đồng Nai sẽ là người tiếp nhận tôi về công tác ở tỉnh Đồng Nai. Đó là người cán bộ trên 40 tuổi da ngâm đen, người tầm trung bình, chân hơi khập khiểng do vết thương trong chiến tranh. Cuộc trao đổi giữa tôi và chú Bảy Trung diễn ra ngắn gọn. Chú nói sở dĩ chọn tôi về cơ quan vì tôi người quê quận Thủ Đức, mà quận Thủ Đức trong thời kháng chiến chín năm (1945 - 1954) có lúc thuộc tỉnh Thủ Biên (thời gian 1951 - 1954) thuộc tỉnh Biên Hòa. Chú cho biết, tỉnh Đồng Nai còn nhiều khó khăn, khi về phải chuẩn bị tinh thần đón nhận. Khi tôi hỏi, về làm sử nhưng cháu học văn thì sao? Chú nói văn với sử thực ra chỉ là một bởi mục đích của văn và sử cũng chỉ vì làm cho con người và cuộc sống tốt đẹp thêm mà thôi.

​           

          Thế là tôi khăn gói chuẩn bị về Đồng Nai. Cùng về với tôi là hai người bạn cùng học Huỳnh Tấn Bửu, người quê Cù lao Phố và Nguyễn Thị Hồng, người Biên Hòa.

            Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng bấy giờ trực thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, được bố trí hai phòng làm việc liền nhau ở khu tập thể Ban Tuyên giáo (62 Quốc lộ 1), một căn là nhà ở gia đình chú Phan Ngọc Danh, cán bộ của Ban (sau đề bạt Phó ban), một căn vừa là văn phòng Ban, một căn buồng nhỏ bố trí cho tôi ở khi công tác.

            Chú Lâm Hiếu Trung nguyên là một thanh niên sinh ra trong gia đình nghèo thành thị, thuở nhỏ học ở Trường Nguyễn Du, Biên Hòa, một ngôi trường thành lập sớm của quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa, nhiều thế hệ học sinh ở đây sau này trưởng thành trở thành những nhà giáo, nhà văn hóa và tham gia kháng chiến. Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, như bao người thanh niên yêu nước bấy giờ, chú Lâm Hiếu Trung cùng anh trai tham gia vào Thanh niên Tiền Phong, sau là Đoàn Thanh niên Cứu quốc ở địa phương.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, tỉnh lỵ Biên Hòa bị chiếm đóng (tháng 10/1945), ông đã tham gia Vệ quốc đoàn quận Châu Thành, Biên Hòa để kháng chiến cứu nước. Cuối năm 1947, ông được quyết định về làm thư ký văn phòng quận đội bộ quận Châu Thành. Với sự hăng hái nhiệt tình của tuổi trẻ, ông trưởng thành và được bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng Cộng sản năm 1949 (một chi tiết là ông phải khai sinh năm 1931 thay vì 1932 để đủ 18 tuổi khi vào Đảng theo quy định Điều lệ Đảng bấy giờ).

Từ năm 1949, theo sự điều động của Tỉnh đội Biên Hòa, ông về nhận nhiệm vụ ở huyện đội Vĩnh Cửu[1] giữ chức vụ Phó ban, sau đó là Trưởng ban quân báo - địch vận của huyện. Ông đã cùng với đơn vị và đồng đội vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đặc biệt trong năm Nhâm Thìn bão lụt tháng 10/1952 và trận càn quét của thực dân Pháp tháng 1/1953, chiến đấu xây dựng bảo vệ Chiến khu Đ, Bình Đa, chiến khu Hố Cạn (Tân Phong).

Từ 1953 - 1954, ông được điều động về công tác chính trị ở Tỉnh đội Thủ Biên, sau đó về Đại đội Lam Sơn, huyện Vĩnh Cửu cho đến ngày tập kết ra miền Bắc tháng 7/1954.

Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã cưu mang, giáo dục, đào tạo để ông trở thành người cán bộ kinh qua nhiều chức vụ ở nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương[2]. Năm 1966, ông về công tác tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương (thành lập năm 1962 do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng ban), Bí thư Chi bộ Vụ miền Nam nhiều khóa. Thời gian công tác ở Vụ miền Nam, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, ngoài kiến thức, lý luận được đào tạo, ông có điều kiện nghiên cứu tài liệu, dự hội nghị, hội thảo, tiếp xúc, làm việc với các đồng chí lão thành cách mạng cả ở Trung ương và địa phương tỉnh Biên Hòa trong kháng chiến[3], do vậy tích lũy được nhiều vốn sống trong nghiên cứu lịch sử Đảng.

Sau khi ổn định tạm nơi ăn, chốn ở, để tạo điều kiện cho chúng tôi nghiên cứu, trước hết ông mở một “lớp tập huấn” ngay tại văn phòng, người đứng lớp là Lâm Hiếu Trung và người được tập huấn gồm 3 cán bộ mới: Toại, Bửu và Hồng. Nội dung tập huấn là sơ lược lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và phương pháp sưu tầm, khai thác tư liệu lịch sử, cách viết lịch sử địa phương… Lịch sử Đảng chung thì chúng tôi đã được học ở trường, nhưng “lớp tập huấn” giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về lịch sử Đảng của địa phương Biên Hòa, Bà Rịa.

Năm 1978, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng được dời về địa điểm mới, căn nhà lầu nằm giữa hai cây cầu Ghành và Rạch Cát do Ban tuyển sinh đại học tỉnh chuyển giao (vốn là nhà đại tá Kim của chế độ Sài Gòn trước đây). Đồng chí Lâm Hiếu Trung được đề bạt làm Phó ban. Với sự chủ trì của đồng chí Bảy Trung, nhiều cuộc tọa đàm về thời kỳ lịch sử 1930 đến Cách mạng tháng Tám 1945, thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Biên Hòa, Bà Rịa (1945 - 1954)[4] được tổ chức. Được tiếp xúc với các đồng chí cách mạng lão thành, chúng tôi không chỉ thu thập tư liệu lịch sử địa phương, hiểu tình hình diễn biến phong trào cách mạng của tỉnh trong những thời đoạn gian khổ, hào hùng và lẫn bi thương của địa phương, mà còn học được cả về đạo đức cách mạng, tính nhân văn trong ứng xử với văn hóa và lịch sử cách mạng. Đồng chí còn tổ chức cho chúng tôi xâm nhập thực tế các huyện, xã để hiểu cụ thể hơn về con người, sự kiện lịch sử địa phương. Sự nhiệt tình, thái độ trách nhiệm, phương pháp khoa học mà đồng chí truyền đạt cho chúng tôi là những bước cơ bản nhất trong công việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa sau này ở địa phương.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ III năm 1983 (vòng II), ông được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và được Tỉnh ủy phân công về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, giữ chức vụ phó Trưởng ban thường trực. Vào thời điểm này Ban Tuyên huấn, Ban Khoa giáo và Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng sáp nhập thành Ban Tuyên giáo. Tuy không còn trực tiếp lãnh đạo, nhưng ông vẫn luôn quan tâm và tạo điều kiện cho chúng tôi và đồng chí Phan Ngọc Danh (Phó Ban Tuyên giáo phụ trách lịch sử Đảng) để nghiên cứu lịch sử địa phương. Một số đầu sách lịch sử Đảng bộ địa phương được xuất bản trong giai đoạn này như Lịch sử Phước Long Hội, Phước Hải, huyện Long Đất…

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ IV (1986), ông tiếp tục được được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, được Tỉnh ủy bố trí làm Trưởng Ty văn hóa thông tin tỉnh Đồng Nai. Ông cùng với Ban lãnh đạo Ty văn hóa thông tin tham mưu cho Đảng bộ, chính quyền lãnh đạo xây dựng và phát triển nhiều thiết chế văn hóa, tăng cường trang thiết bị cho sự nghiệp phát triển văn hóa ở cơ sở. Đặc biệt, ông đã vận động nhiều Sở, ban ngành, công ty, xí nghiệp phát triển mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng như hội diễn nghệ thuật Nông - Công - Binh tổ chức hàng năm, góp phần đào tạo nhiều diễn viên, nghệ sĩ hạt nhân nòng cốt của tỉnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Ông tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định và đề nghị Bộ Văn hóa thông tin công nhận nhiều di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương (như Bửu Hưng Tự, Đài chiến sĩ trận vong, nhà Xanh, nhà hội Bình Trước…).

Tại kỳ họp của HĐND tỉnh khoá IV, nhiệm kỳ 1989 - 1994, ông Lâm Hiếu Trung - Tỉnh ủy viên, được bầu vào UBND tỉnh với chức danh Phó Chủ tịch UBND phụ trách công tác văn xã. Ông thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa trong thời kỳ nước ta đang trong tiến trình đổi mới. Qua đó, với những nỗ lực và quyết tâm cao, ông tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng, phát triển được nhiều thiết chế văn hóa trong tỉnh, từng bước đưa sự nghiệp văn hóa - văn nghệ thành mũi nhọn xung kích trên mặt trận tư tưởng, xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa theo hướng tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ V, nhiệm kỳ 1990 - 1996, ông được bầu vào Tỉnh ủy và được Ban Chấp hành Đảng bộ bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ở cương vị này, ông đã tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống Ban Tuyên giáo và đội ngũ cán bộ, báo cáo viên cơ sở, củng cố đội ngũ phóng viên, biên tập viên phát thanh - truyền hình, báo chí, xuất bản, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng và sự sáng tạo, tự chủ, độc lập của Đảng ta trong công cuộc đổi mới. Đồng thời, ông tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng nhiều công trình kinh tế, hạ tầng tạo điều kiện thu hút nhiều nguồn lực đầu tư để hình thành các khu công nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương; tham mưu và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình văn hóa như Bảo tàng Đồng Nai, Thư viện Đồng Nai...

Chúng tôi lại được làm việc với chú Bảy Trung, nhiều đầu sách lịch sử Đảng bộ địa phương đã được nghiên cứu biên soạn và xuất bản trong giai đoạn này như: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Long Thành, Tân Phú; lịch sử ngành như: Đồng Nai 30 năm chiến tranh, Cuộc  nổi dậy phá khám Tân Hiệp, Trận đầu diệt Mỹ (Nhà Xanh BIF)…

Năm 1996, ông nghỉ hưu theo chế độ, nhưng vẫn tham gia nhiều hoạt động xã hội, hoạt động khoa học trong tỉnh. Năm 1996, ông tham mưu tổ chức đại hội thành lập và làm Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Nai. Ông là Ủy viên Trung ương Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhiều khóa liền.

Tôi nhớ để chuẩn bị kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Tỉnh ủy chủ trương nghiên cứu phỏng dựng lại Văn miếu Trấn Biên, một thiết chế lịch sử văn hóa truyền thống hình thành sớm ở vùng đất mới Nam bộ. Tôi được tham gia cùng đồng chí Lâm Hiếu Trung, giáo sư Huỳnh Minh Đức, Đỗ Bá Nghiệp, Huỳnh Văn Tới, Đỗ Thiện Tâm - kiến trúc sư… cùng cán bộ Phòng Văn hóa thông tin TP. Biên Hòa đi khảo sát nghiên cứu chọn địa điểm, nghiên cứu kiến trúc một số Văn miếu hiện tồn như Văn miếu Quốc tử giám (TP. Hà Nội), Văn miếu Vĩnh Long, Văn miếu Huế… để trên cơ sở đó tham mưu tổ chức thi thiết kế Văn miếu Trấn Biên trên nền cũ như sử sách xưa ghi lại. Tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lâm Hiếu Trung, Văn miếu Trấn Biên tuy là một thiết chế văn hóa - lịch sử truyền thống, nhưng nội dung và mục đích chính là góp phần xây dựng một nền văn hóa mới gắn với truyền thống và sự nghiệp văn hóa, giáo dục, khoa học tiến bộ phục vụ công cuộc xây dựng đất nước quả là chính xác.

Vì sự nghiệp khoa học của tỉnh, hơn 10 năm nỗ lực, ông cùng với tập thể phát triển Liên hiệp Hội Đồng Nai từ vài tổ chức thành viên lên đến 23 hội khoa học, hội nghề nghiệp, tập hợp trên 3.000 trí thức vào tổ chức, góp phần phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong tỉnh vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Ông có nhiều đóng góp trong việc phỏng dựng lại công trình Văn miếu Trấn Biên nhân kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm (1698 - 1998); cùng với Ban Chỉ đạo và biên soạn của tỉnh hoàn thành các công trình nghiên cứu khoa học chào mừng có giá trị lịch sử như “Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển”, trong đó đánh giá đúng vai trò, công lao của các chúa Nguyễn trong việc mở mang vùng đất mới Nam bộ; “Địa chí Đồng Nai”, một công trình khoa học “đồ sộ” của tỉnh với những số liệu, nhận định đánh giá có giá trị lâu dài; cùng với Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử miền Đông hoàn thành công trình “Lịch sử Đảng bộ miền Đông lãnh đạo hai cuộc kháng chiến” và nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hoá khác trong tỉnh.

Ông là thành viên Hội đồng nghệ thuật và Hội đồng khoa học công nghệ của tỉnh, tham gia tư vấn, phản biện nhiều đề án, dự án dân sinh của tỉnh, góp phần xây dựng nhiều tượng đài có ý nghĩa lịch sử - văn hóa như Tượng đài chiến thắng sân bay Biên Hòa, Tượng đài chiến thắng La Ngà, Tượng đài chiến thắng Xuân Lộc…

Ông rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ, vì thế ông tham gia là thành viên sáng lập Trường Đại học Lạc Hồng đầu tiên của Đồng Nai, là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Bí thư Chi bộ, Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Nhà trường.

Tôi nhớ mãi chú Bảy Trung - người rất thẳng thắn góp ý chân thành trong khoa học cũng như trong cuộc sống và lao động. Những ý kiến phát biểu của chú ở Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam (tôi đi dự cùng với chú) về trí thức, khoa học và công nghệ; những bài phát biểu về xây dựng văn hóa với đầy ắp những tâm huyết ở địa phương luôn đặt ra nhiều băn khoăn, trăn trở và trách nhiệm của người làm quản lý cũng như những người nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở Đồng Nai.

 ThS. Trần Quang Toại

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Đồng Nai

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập