Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
Viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Cập nhật: 02-06-2023 02:02
Tại Hà Nội, chiều ngày 27/2/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp”. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện tiến tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023) và 110 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

​           Một tấm gương tự học vươn lên trong khoa học

Nói đến Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tức nói đến một trí thức lớn, một nhân cách lớn, suốt cuộc đời cống hiến tài năng cho sự nghiệp khoa học, phụng sự Tổ quốc; một tấm gương sáng về ý chí tự lực tự cường và sáng tạo không ngừng.

          Tên thật của ông là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình khó khăn, cha mất sớm, nhưng được mẹ và chị tảo tần nuôi nấng, năm 1933 Phạm Quang Lễ đã thi đỗ đầu cả bằng tú tài Việt và tú tài Pháp. Năm 1935, ông sang Pháp đi du học và tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân toán học tại các trường: Bách khoa Paris (École Polytechnique), Đại học Mỏ (École nationale supérieure des mines de Paris), Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris. Sau đó ông ở lại Pháp làm việc tại Trường Quốc gia Hàng không và Vũ trụ (École nationale supérieure de l'aéronautique et de l'espace). Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí. Thư viện là trường học chính của ông, nơi lưu giữ tri thức, kiến thức khoa học kỹ thuật mà ông cần học, nghiên cứu, đặc biệt âm thầm nghiên cứu về kỹ thuật chế tạo vũ khí.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Bước ngoặt trong cuộc đời khi ngày 22/6/1946, Trần Đại Nghĩa gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp[1]. Cùng với hai trí thức khoa học Võ Quý Huân (kỹ sư luyện kim) và Trần Hữu Tước (bác sĩ) ông đã đến gặp Chủ tịch nước và đi cùng Người nhiều nơi trong nước Pháp.

Một lần Hồ Chủ tịch hỏi Phạm Quang Lễ: “Nguyện vọng của chú lúc này là gì?”. Ông trả lời ngay điều đã ôm ấp từ buổi đầu du học: “Dạ thưa, nguyện vọng cao nhất là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”. Nghe nguyện vọng của ông về nước để chiến đấu cho độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hỏi: “Đời sống ở trong nước còn đang rất khó khăn, chú về nước có chịu nổi không?” Phạm Quang Lễ trả lời: “Thưa, tôi chịu nổi”. “Ở trong nước không có kỹ sư, công nhân về vũ khí, máy móc thiếu, liệu chú có làm việc được không?” Phạm Quang Lễ trả lời: “Thưa, tôi tin là làm được vì tôi đã chuẩn bị mười một năm ở bên Pháp” (với tâm nguyện chế tạo vũ khí ông đã âm thầm tự nghiên cứu kỹ thuật chế tạo vũ khí khi còn ở Pháp).

Kính phục lý tưởng giải phóng dân tộc, nhân cách gần gũi, thân mật của Hồ Chí Minh, Phạm Quang Lễ đã từ bỏ cuộc sống cao sang, bổng lộc nơi xứ người, trở về Việt Nam với hoài bão cùng nhân dân kháng chiến giành độc lập. Sau này, khi được hỏi tại sao ông lại tình nguyện rời bỏ cuộc sống đầy đủ tại Pháp để về nước tham gia kháng chiến, chấp nhận cuộc sống khó khăn gian khổ, ông từng nói: “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”.


Giáo sư Trần Đại Nghĩa (thứ ba từ phải sang) xem sản phẩm do Quân giới sản xuất thời chống Mỹ 

(ảnh tư liệu)

Người chế tạo vũ khí cho quân đội kháng chiến chống thực dân Pháp

          Từ Pháp qua nhiều chặng đường, về đến Hà Nội chỉ được nghỉ có bảy ngày, kỹ sư Phạm Quang Lễ phải lên ngay xưởng quân giới Giang Tiên ở Thái Nguyên nghiên cứu chế tạo súng chống xe tăng, dựa theo mẫu súng bazoka của Mỹ với hai viên đạn dự trữ do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu cung cấp. Công việc mới bắt đầu được ít ngày thì ông nhận được điện của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gọi về Hà Nội gấp để gặp Hồ Chủ tịch.

Ngày 5/12/1946, trước ngày toàn quốc kháng chiến, ông đến Bắc Bộ Phủ, nhận trọng trách do Chủ tịch nước giao cho. Bác nói: “Kháng chiến sắp đến nơi rồi. Hôm nay, Bác quyết định giao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới[2]. Chú sẽ chăm lo vũ khí cho quân đội. Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đổi tên cho chú là Trần Đại Nghĩa...”.

Chưa phải đảng viên Cộng sản, lại xuất thân nhà trí thức khoa học ở châu Âu về, nhưng Chủ tịch nước vẫn trao cho ông chức vụ và trách nhiệm quan trọng trong quân đội, điều này cho thấy sự tôn trọng của Chủ tịch nước với trí thức và tài dùng người của Bác. Đối với Trần Đại Nghĩa bằng tấm lòng yêu nước nung nấu và với ý thức tự lực, tự cường trong điều kiện nước nhà bước vào cuộc chiến tranh không cân sức với thực dân Pháp, nhưng ông sẵn sàng nhận nhiệm vụ và tin rằng với đường lối kháng chiến toàn dân, với sự tin tưởng của lãnh đạo và quân đội mình có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ. 

Từ cuối năm 1946, thực dân Pháp triển khai hàng loạt biện pháp nhằm đưa quân đánh chiếm miền Bắc, buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu hàng. Trước hành động ngang ngược của thực dân Pháp, ngày 18/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết nghị phát động cuộc kháng chiến trong cả nước. Và chiều 19/12/1946, Tổng Tư lệnh Quân đội hạ lệnh cho toàn thể Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Bắc - Trung - Nam chiến đấu chống quân xâm lược Pháp. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Trên chiến khu ở Thái Nguyên, Trần Đại Nghĩa cùng binh công xưởng bắt tay tiếp tục nghiên cứu chế tạo vũ khí. Cuộc chiến càng mở rộng nhu cầu cung cấp vũ khí cho chiến trường ngày càng cấp thiết, đặc biệt những loại vũ khi có thể chống được xe tăng thế mạnh của quân đội Pháp. Những năm miệt mài nghiên cứu, sản xuất của ông rồi cũng cho kết quả tốt đẹp. Ngày 3/3/1947 đã trở thành một mốc son của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, súng đạn. Đó là ngày chiếc bazoka do Cục trưởng Trần Đại Nghĩa chế tạo, sau thử nghiệm, lần đầu tiên ra trận và đánh thắng, tiêu diệt ngay 2 xe tăng của thực dân sau hai phát đạn đầu tiên. Bazoka do ông chế tạo có tầm bắn xa tới 600m, mức xuyên đạt 75cm trên tường gạch, tương đương với sức nổ xuyên phá của đạn bazoka do Mỹ chế tạo trong chiến tranh thế giới thứ hai. Trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, bazoka còn bắn chìm cả tàu chiến Pháp trên sông Lô. Bazoca trở thành thứ vũ khí làm quân viễn chinh Pháp phải khiếp sợ.

Sau thắng lợi, ông được phong hàm thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam (1948) và quyết định nghiên cứu chế tạo súng không giật SKZ - một loại súng trọng lượng nhẹ có thể vận chuyển, mang vác dễ dàng, nhưng lại có sức công phá ngang đại bác và bom bay. Kiểu đầu tiên trong hệ thống súng không giật là SKZ 60cm, đã được sử dụng trong các chiến dịch năm 1949 - 1950. Súng không giật SKZ đã khiến quân địch hoảng sợ, buộc chúng phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống công sự, đồn bốt. Trong cuốn sách “Chiến tranh Đông Dương”, Lucien Bodard đã viết: “Chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi. Dưới tác dụng của các quả đạn lõm, tất cả đều sụp đổ”[3].

Sau súng không giật SKZ, Trần Đại Nghĩa tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thành công loại tên lửa nặng 30kg, có thể đánh phá các mục tiêu cách xa 4km. Tất cả những nghiên cứu đó của ông đã góp phần làm nên thắng lợi quan trọng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời khẳng định trí tuệ Việt Nam trong nền khoa học thế giới, một kỳ tích phi thường của quân và dân ta trong điều kiện khó khăn thiếu thốn lúc bấy giờ.

Tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952, với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quân đội, ông đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động.


Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp”

Trở về đời thường tiếp tục cống hiến

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), Trần Đại Nghĩa được điều động sang lĩnh vực dân sự, giữ chức: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (1975), Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 1983 - 1988), đại biểu Quốc hội khoá II, III.

Ngày đất nước hoàn toàn không còn bóng quân xâm lược vào mùa xuân 1975, Trần Đại Nghĩa có ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Ngày 30/4/1975, nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, vì hoài bão của tôi hồi nhỏ, sứ mạng của tôi rất đơn giản là tham gia về mặt khoa học, kỹ thuật vũ khí trong cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng để giải phóng đất nước và nay đất nước đã được giải phóng, tôi không muốn gì hơn nữa, vì một đời người không thể làm hơn”. Tấm lòng nhiệt huyết và sự cống hiến của một trí thức khoa học thật đáng trân trọng.

Những năm cuối đời, ông cùng gia đình trở về quê hương miền Nam, sinh sống tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Ông mất vào 16 giờ 20 phút ngày 9/8/1997, hưởng thọ 83 tuổi.

Bài học mà Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa để lại cho đội ngũ trí thức và các thế hệ trẻ rất chân thành như chính cuộc đời ông đã trải qua: “Tuổi trẻ thật là quý giá. Khi đã định hướng là khi ta không đánh mất mình trong dòng đời trôi nổi. Tuổi trẻ đủ sức mạnh giúp ta đứng dậy mỗi khi bị sức mạnh phũ phàng đánh ngã. Tuổi trẻ đủ dũng khí vượt lên trên con đường lẻ loi, âm thầm để đi tới tương lai. Tuổi trẻ khát khao tình yêu và cuộc sống, song khi đã có chí hướng, tuổi trẻ lại có thể dồn toàn bộ khát vọng cho tình yêu lớn. Bây giờ tôi muốn nói lại với các con tôi và tất cả các bạn trẻ như vậy. Đó là kinh nghiệm sống của đời tôi”.

Để tôn vinh “đại trí thức” Trần Đại Nghĩa, ngày 16/11/2015, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ra Quyết định số 1883/QĐ-VHL về việc ban hành Quy chế Giải thưởng Trần Đại Nghĩa nhằm tuyên dương tác giả của các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học xuất sắc và đã trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.                                      


[1] Mục đích chuyến đi là thương thuyết với chính phủ Pháp vừa tìm một giải pháp cho vấn đề độc lập của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, đồng thời tạo thêm thời gian để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

[2] Nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

[3] Trong khi đó, ở chiến trường Nam bộ bấy giờ chưa có súng không giật, bộ đội du kích phải đánh tháp canh của thực dân có tường dày đến 60cm bằng cách bí mật tiếp cận tường tháp đánh lựu đạn vào các lỗ châu mai trên tháp (đánh tháp canh cầu Bà Kiên, Tân Uyên 19/3/1948). Rồi sau đó nhờ kỹ sư Lê Tâm xưởng quân giới khu 7 chế tạo được mìn lõm và bêta mới đánh sập hàng loạt tháp canh của thực dân xây dựng trên các tuyến giao thông như tỉnh lộ 16, quốc lộ 14… làm thất bại chiến lược tháp canh De Latour của Pháp ở miền Đông, làm xuất hiện bộ đội đặc công và bộ đội đặc công anh hùng. 

ThS. Trần Quang Toại

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đồng Nai

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập