Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự
tham dự của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương và các
Tỉnh ủy, Thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ
quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân. Chủ trì Hội nghị tại
điểm cầu Trung ương có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo
Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái - Phó Thủ tưởng Chính phủ; đồng chí Nguyễn
Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phạm Tấn Công - Chủ tịch
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Điểm cầu tỉnh Đồng Nai có
sự tham dự của đồng chí Hồ Thanh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai
Đội ngũ doanh
nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp
phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc
tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an
ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với
công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính
đáng, năng động, sáng tạo, năng
lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức,
văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ
môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Tại Hội nghị, lần lượt đại
diện các Ban, Bộ, ngành liên quan báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết
số 41-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số
41-NQ/TW và Chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI thực hiện Nghị quyết số
41-NQ/TW. Theo đó đến năm 2023, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình
thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm
lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò
mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; đến năm 2045,
phấn đấu đạt mục tiêu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt
các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi
giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước; hình
thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ
đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu
vực và quốc tế.
Một nội dung quan trọng đó là việc phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học
và Kỹ thuật Việt Nam, các viện trưởng trong việc thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa
doanh nhân, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức,… thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận
khoa học công nghệ thông qua đội ngũ trí thức, gắn nghiên cứu với thử nghiệm, tạo
đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng
năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Phát
biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung
ương đề nghị các cơ quan nhà nước trong thời gian tới cần khắc phục kịp thời những
hạn chế yếu kém đang tồn đọng, bám sát vào Nghị quyết 41-NQ/TW, các nghị quyết,
kết luận của Đảng liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân để sớm thể chế hóa, cụ
thể hóa, đồng bộ các chính sách đã đề ra. Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giao Trung
ương nhấn mạnh doanh nhân phải gắn liền với nông dân, gắn liền với đội ngũ trí
thức, gắn liền với giai cấp công nhân, đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, xây
dựng các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy, hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt
động giữa đội ngũ doanh nhân với nông dân, công nhân và trí thức, xây dựng quan
hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa doanh nhiệp và người lao động. Phát
huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống
chính trị, sự đồng thuận của xã hội và đặc biệt là sự nổ lực phấn đấu của đội
ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong thời kỳ mới./.
Tấn Phát