Tham dự và chủ trì Hội thảo có Đ/c Lâm Thành Đắc - Chủ
tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bạc Liêu; Đ/c Huỳnh Hùng Dũng - Phó
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu; Đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội
Khoa học và Kỹ thuật, Sở Khoa học và
Công nghệ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về phía Liên hiệp
các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Nai có sự tham dự của Đ/c Vy Văn Vũ - Chủ tịch.
Hội thảo đã thông qua 6 bài tham luận và 7 ý kiến thảo
luận của Liên hiệp Hội và Sở Khoa hoc và Công nghệ, các chuyên gia, các nhà
khoa học các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Nai, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ,
Cà Mau… với các nội dung về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý của
công nghệ sinh học; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc phát
triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong
tình hình mới; đề xuất một số giải pháp nhằm ứng dụng
công nghệ sinh học vào các lĩnh vực của đời sống và sản xuất trong thời gian tới.
Quang cảnh
Hội thảo
Theo Đ/c Vy Văn
Vũ - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai, thuật ngữ công nghệ sinh học có từ rất
lâu, nhiều quốc gia, lãnh thổ đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ
sinh học vào sản xuất như Nhật Bản, Ấn Độ… Việt Nam cũng đã ban hành các chính
sách, nghị quyết để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp,
y dược, bảo vệ môi trường… Riêng tỉnh Đồng Nai cũng sớm bắt nhịp, chủ
động đẩy mạnh thực hiện các nội dung theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương, từ đó
nêu cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức và các tầng lớp
nhân dân trong việc tổ chức, triển khai ứng
dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, phục vụ công
nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Đ/c Vy Văn Vũ
- Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai trình bày tham luận tại Hội thảo
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Đ/c Lâm Thành Đắc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học
và Kỹ thuật Bạc Liêu ghi nhận và đánh giá cao các bài tham luận và các ý kiến
góp ý tại Hội thảo, điều đó cho thấy, công nghệ sinh học và việc ứng dụng công
nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội được các cấp, các
ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm và nghiên cứu. Tuy
nhiên, Hội thảo cũng đã nhìn nhận những hạn chế như: công nghệ sinh học chưa có
đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế tại địa phương; cơ chế, chính sách
ưu tiên để phát triển công nghệ sinh học cũng như thu hút nguồn nhân lực có
chuyên môn cao còn khá ít; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư nhưng
chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất thực tế; nhận thức các cấp, các ngành và năng lực
ứng dụng công nghệ sản xuất của nông dân còn hạn chế nhất định. Vì vậy, trong
thời gian tới, việc nghiên cứu, úng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời
sống cần được tăng cường và đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững
kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Dương Phúc