Thái Nguyên là một tỉnh miền núi trung du với diện tích 3.562,82km2, với vị trí là khu vực trung tâm của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đồng thời là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô nên Thái Nguyên đã trở thành Trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội tại phía Bắc. Bên cạnh những thế mạnh về mặt xã hội, tỉnh cũng có nhiều lợi thế trong việc phát triển các mô hình kinh tế VAC và kinh tế trang trại - gia trại, khai thác triệt để tiềm năng đất đai (đặc biệt đất đồi núi) và lao động… đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhờ đó, hiện trên toàn tỉnh có 270 trang trại đủ tiêu chuẩn được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận, bên cạnh đó còn có hàng nghìn gia trại khác cũng làm ăn hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Ngoài việc tăng về số lượng thì quy mô của mỗi trang trại - gia trại cũng đang từng bước được mở rộng, đặc biệt là những mô hình đầu tư sản xuất theo hướng tổng hợp, chăn nuôi cả lợn, gà, ngan và các con đặc sản như rắn, ba ba, ong, kết hợp trồng cây sinh vật cảnh, hoa… đang khẳng định hiệu quả của mình.
Chủ tịch HLV Việt Nam Nguyễn Ngọc Trìu
tặng giấy khen cho các chủ trang trại xuất sắc
Tại Hội nghị, một số mô hình kinh tế trang trại, gia trại tiêu biểu đã được đưa ra tham luận, được các đại biểu đánh giá cao như mô hình trang trại chăn nuôi của anh Hoàng Văn Minh ở xã Na Mao, huyện Đại Từ đã cho thu nhập cao, giúp nhiều lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định.
Giới thiệu về mô hình của gia đình mình anh Minh cho biết, năm 2005, với kinh nghiệm là Bí thư Đoàn TNCSHCM của xã, nhiều lần tổ chức đưa đoàn viên thanh niên trên địa bàn đi các nơi học hỏi kinh nghiệm. Anh đã quyết định vay vốn cải tạo vườn tạp của gia đình, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi với 60 con lợn nái, 800 con lợn thịt, hàng trăm đàn ong… tạo nên một trang tại chăn nuôi hiệu quả.
Năm 2011 vừa qua, mô hình đã cho gia đình anh tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng. Không những vươn lên làm giàu, anh còn giúp nhiều hộ dân trên địa bàn về vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Minh còn là tấm gương đi đầu trong việc xử lý môi trường chăn nuôi khi đầu tư, xây dựng hệ thống hầm biogas để tận dụng khí gas phục vụ cuộc sống gia đình mà anh còn giúp 4 hộ gia đình xung quanh cùng được sử dụng khí gas miễn phí.
Bằng kinh nghiệm làm ăn hiệu quả của mình, anh Minh đã giúp nhiều hộ gia đình khác trong thôn phát triển các mô hình kinh tế VAC, tích cực đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Đặc biệt, với diện tích hơn 2000m2 đất, nhưng ông Nguyễn Mạnh Nhân ở huyện Phú Bình đã xây dựng mô hình kinh tế gia trại trồng táo, hiệu quả với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Chia sẻ về cách làm của mình, ông Nhân cho biết: “Xuất phát từ nghề trồng lúa đã được truyền lại từ nhiều đời nay của gia đình, tôi cứ suy nghĩ mãi là tại sao mình đã cố gắng chịu khó làm ăn mà kinh tế vẫn gặp khó khăn.
Sau đó tôi lên kế hoạch tìm cách làm mới, ban đầu tôi bàn với gia đình đi gánh đất phù sa ở ven sông, ven suối để cải tạo lại khu vườn của gia đình. Từ đó tôi chọn cây táo làm cây trồng chủ lực, sau nhiều năm làm ăn hiệu quả, nhiều hộ đã đến học cách làm theo nên tôi chuyển sang sản xuất giống cung cấp cho bà con. Điều quan trọng nhất quyết định hiệu quả sản xuất là phải chú trọng đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu hợp lý…”.
Nói về chiến lược phát triển kinh tế trang trại – gia trại trên địa bàn tỉnh, ông Đặng Viết Thuần, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên là tỉnh có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế vườn, rừng nên trong thời gian tới cần đầu tư hơn nữa để nâng cao năng xuất cây trồng, nâng cao đời sống người dân.
Thời gian tới tỉnh sẽ chỉ đạo thắt chặt công tác quản lý, nhất là việc quản lý các loại thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật, làm sao để người dân được sử dụng các loại thuốc đúng chủng loại, đảm bảo đúng danh mục, đẩy mạnh công tác phòng bệnh để sản xuất được sạch, an toàn hơn. Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh cần quy hoạch rõ ràng các khu chăn nuôi, trồng trọt, tập trung tìm ra thế mạnh của từng vùng để phát triển sản xuất, gắn việc phát triển kinh tế vườn gắn liền với chương trình phát triển nông thôn mới trên địa bàn.
Trong thời gian qua, Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành quả trong phát triển kinh tế VAC được nhiều cấp ghi nhận, khen ngợi, nhưng để sản xuất hiệu quả hơn, chúng ta cần phải thay đổi hơn nữa về phương thức sản xuất, nhất là tăng cường ý thức kỷ luật trong làm ăn kinh tế. Đặc biệt, người dân Thái Nguyên cần tuân thủ các quy trình sản xuất, chỉ làm ra những sản phẩm sạch, đáp ứng đúng nhu cầu thị hiếu người tiêu dung hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Bùi Sỹ Tiếu, Phó chủ tịch HLV Việt Nam, đã đánh giá cao và biểu dương những kết quả đã đạt được của các chủ trang trại, gia trại tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là mô hình trồng na hiệu quả ở xã La Hiên đã tạo nên một phong trào làm VAC hiệu quả, cho thu nhật hàng trăm triệu đồng/hộ/năm…
“Trong điệu kiện kinh tế, xã hội như hiện nay, kinh tế trang trại đóng một vai trò quan trọng giúp phát triển đời sống kinh tế của từng hộ gia đình, từ đó góp phần to lớn vào chương trình phát triển nông thôn mới nên Thái Nguyên cần quan tâm hơn nữa để phát triển mô hình kinh tế này. Để làm được điều đó thì điều cần thiết nhất là chú trọng đến khâu chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hang hóa nông nghiệp” - TS. Tiếu nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích cao trong công tác phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại, gia trại đã được Trung ương HLV Việt Nam và HLV tỉnh Thái Nguyên tăng giấy khen. Đây sẽ là động lực to lớn giúp người làm vườn Thái Nguyên phấn đấu trong thời gian tới.
Xuân Tuyến (nguồn kinhtenongthon)