Nhận lời mời của Tổng thống Nga V.Putin, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm nay(7/9) đến Vladivostok bắt đầu tham gia các hội nghị của Cấp cao APEC 20.
Các sự kiện ông sẽ tham dự gồm khai mạc cấp cao APEC 20, hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, hai phiên họp kín với các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên của APEC. Trong đó, ông được nước chủ nhà mời là diễn giả chính trong phiên họp về an ninh lương thực - một trong 4 chủ đề ưu tiên của Năm APEC 2012 do Nga chủ trì.
Cấp cao APEC năm nay tập trung vào chủ đề "Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng", được cho là cuộc gặp gỡ quan trọng giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên trong khu vực trước bối cảnh kinh tế thế giới vẫn như đang trong "cơn chấn thương" sau khủng hoảng, chậm phục hồi và tiềm ẩn rủi ro.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trở lại LB Nga tham dự hoạt động đa phương, không lâu sau chuyến thăm LB Nga hồi tháng 7 vừa qua. Ảnh: TTXVN
Song đáng chú ý, châu Á - Thái Bình Dương cho đến nay vẫn tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế, liên kết cũng như đàm phán các hiệp định khu vực mậu dịch tự do, được các nước lớn coi trọng và thúc đẩy quan hệ.
Sứ mệnh ngoại giao kinh tế của Chủ tịch nước tại cấp cao APEC 20 lần này, ngoài việc tiếp tục phát huy vai trò trong APEC, sẽ tranh thủ các chương trình hợp tác để phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, đồng thời thúc đẩy hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ của APEC trong những vấn đề an ninh, phát triển của Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn, đó là thúc đẩy việc đàm phán các hiệp định FTA song phương với các đối tác chủ chốt: EU, Hàn Quốc, Nhóm Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, cùng ASEAN đàm phán FTA khu vực với Nhật Bản và các đối tác khác trong đàm phán Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những đàm phán thương mại có tính chất then chốt trong việc đưa nền kinh tế sang bước chuyển cao hơn, đóng góp cho hoàn thiện nền kinh tế thị trường.
Với EU, sau những phối hợp tuyên bố khởi động đàm phán FTA tại Brussels vừa qua, cuộc gặp của Chủ tịch nước với đại diện EU tại APEC lần này tiếp tục là cơ sở chuẩn bị cho việc hai bên chính thức khởi động đàm phán vòng đầu tiên tại Hà Nội đầu tháng 10 tới.
Hiệp định FTA với EU được kỳ vọng sẽ loại bỏ dần dần hoặc ngay lập tức 90 dòng thuế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU, ngoài ra hàng hóa từ EU cũng dễ dàng đến tay người tiêu dùng Việt với giá rẻ hơn.
Với Hàn Quốc, Việt Nam đã nhất trí đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và cải thiện các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc.
Việc tiếp tục tự do hóa thương mại và đầu tư thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc được kỳ vọng giúp hai bên đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương vượt mức 20 tỷ USD trước năm 2015.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sẽ chứng kiến Tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan - một hiệp định sẽ mở ra triển vọng về một khu vực thương mại tự do rộng lớn.
Liên minh thuế quan này cho phép tạo ra vùng lãnh thổ thuế quan thống nhất, trong đó không áp dụng thuế hải quan và hạn chế kinh tế, ngoại trừ các biện pháp bảo vệ đặc biệt, chống bán phá giá và các biện pháp bồi thường. Liên minh thuế quan này cũng áp dụng mức thuế hải quan thống nhất và phổ biến các biện pháp như nhau về điều tiết thương mại hàng hoá với các nước thứ ba.
TPP được coi là một trong những hiệp định thương mại sẽ tạo ra những bước ngoặt lịch sử trong phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam trong tương lai. Các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo các nước trong nhóm đàm phán TPP bên lề cấp cao APEC lần này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định sắp đi vào giai đoạn cuối....
Bên lề cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự kiến sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các đối tác quan trọng nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ song phương.
XT nguồn vietnamnet.vn