Người dân tộc Mông xã Huổi Lèng thu hoạch cánh kiến đỏ.
Dự án “Góp phần khôi phục và phát triển bền vững nghề sản xuất cánh kiến đỏ tại huyện Mường Lát” được Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam tài trợ, Liên hiệp các Hội KH&KT Thanh Hoá chủ trì tổ chức triển khai từ năm 2007 đến năm 2012.
Đoàn gồm hơn 20 thành viên là các thành viên Ban điều hành, nhóm chuyên gia, các cán bộ kỹ thuật hiện trường, đại diện lãnh đạo các xã thuộc vùng Dự án, thành viên tổ công tác địa phương và các nông dân nòng cốt.
Đoàn đã được chia sẻ kinh nghiệm về nuôi thả cánh kiến đỏ trên các loại cây chủ hiện có tại Điện Biên, chủ yếu là cây chủ Cọ khiết. Người dân Mường Chà hiện đang nuôi thả cánh kiến đỏ trên khoảng 600-700 hecta rừng Cọ khiết. Năm 2010, sản lượng sặng cánh kiến đỏ thu được ở Mường Chà trên 300 tấn khô. Có những gia đình đã thu về giá trị 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, cũng giống như ở Thanh Hoá, nghề nuôi thả cánh kiến đỏ ở Điện Biên phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm 2011 là năm mất mùa, giá cánh kiến đỏ ở Điên Biên lên tới hơn 200.000 đ/kg, là giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thị trường cánh kiến đỏ thế giới đang sôi động, do nhu cầu xã hội cần dùng những sản phẩm có lợi cho sức khoẻ và môi trường, nhiều công ty trong nước đã ký hợp động mua sản phẩm với người dân Mường Chà ngay từ đầu vụ, nhiều hãng kinh doanh quốc tế cũng có những chuyến khảo sát tại Điện Biên để nhập sặng cánh kiến đỏ.
Xã Huổi Lèng nói riêng cũng như huyện Mường Chà nói chung là nơi được phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng cây Cọ Khiết, giống cây này rất ưa thổ nhưỡng khí hậu ở Mường Chà. Theo đánh giá của Trưởng nhóm chuyên gia Dự án, có thể Cọ Khiết sẽ sinh trưởng và phát triển rất tốt ở huyện Mường Lát vì huyện Mường Lát có điều kiện thời tiết khí hậu rất giống với huyện Mường Chà.
XT theo Phạm Ngọc Lân vusta.vn