
Hội đã tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo khoa học có tầm như “Tiềm năng và hướng phát triển du lịch Bắc Trung Bộ”, “Hội thảo Kỷ niệm 100 ngày sinh GS.VS.BS.AHLĐ Tôn Thất Tùng”, diễn đàn Sử học chủ đề Triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc,…Hội đã triển khai thực hiện đề tài khoa học cơ bản cấp Nhà nước “Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885”.
Bên cạnh đó, Hội đã tham gia tư vấn và thẩm định nhiều đề án, dự án như: Quy hoạch, bảo tồn phát huy giá trị tổng thể Văn Thánh, Võ Thánh; Tu bổ hệ thống kinh thành Huế; Kế hoạch xây dựng Thừa Thiên - Huê xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc,… Ngoài ra, Hội đã khảo sát lập hồ sơ quy hoạch khu di tích trường Thanh niên tiền tuyến Huế - 1945, khu di tích đàn Âm hồn và khu di tích Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị,…
Năm 2012, Hội đã xuất 4 số tạp chí Huế xưa và nay, được độc giả và dư luận đánh giá cao, cùng một số đầu sách như “Đạm Phương - Chân dung nhà văn hóa đầu thế kỷ XX”, “Tôn Thất Tùng - Phác thảo chân dung nhà y học Việt Nam thời hiện đại”,…
Từ những hoạt động có chiều sâu và hiệu quả, Hội đã tranh thủ sự quan tâm của tỉnh để có trụ sở làm việc mớivà nơi làm việc của Tạp chí Huế xưa và nay tại 26 Lê Lợi (TP.Huế). Được biết, Tạp chí sẽ được phân bổ biên chế, tăng kinh phí hoạt động vào năm 2013.
Năm 2013, Hội sẽ triển khai thực hiện đề án thành lập “Trung tâm Quốc sử”, xây dựng đề án “Văn hóa Huế, con người Huế”, “Trung tâm Phan Bội Châu”; Tổ chức hội thảo khoa học “Đô thị Thừa Thiên - Huế - Lịch sử và giải pháp phát triển”; xuất bản một số đầu sách như GS. Đinh Xuân Lâm: “Huế trong tôi”, GS. Phan Huy Lê: “Với Huế”, “Nguyễn Hoàng - người mở cõi”, Hoàng Sa - Trường Sa: Chủ quyền của Việt Nam; Tăng cường phổ biến kiến thức lịch sử qua phương tiện truyền thông, mở diễn đàn Sử học và tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập vào tháng 11/2013.
Ngọc Giáp – vusta.vn