Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu chú trọng xây dựng các trung tâm nghiên cứu KHCN
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nghe báo cáo về kết quả hợp tác về giáo dục với Ấn Độ, Nhật Bản, Đức và LB Nga trong thời gian qua.
Với Ấn Độ, hàng năm, Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam 20 suất học bổng đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ và tiến sỹ. Bên cạnh đó, Ấn Độ tài trợ một số dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực.
Với CHLB Đức, hai bên đã xây dựng Đại học Việt - Đức thông qua đối tác chính là bang Hessen; triển khai chương trình thí điểm đưa tiếng Đức vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình đưa lưu học sinh Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Đức ở các trình độ. Sắp tới, hai bên sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Với Nhật Bản, mỗi năm, Chính phủ Nhật dành cho Việt Nam 100 suất học bổng dài hạn. Hiện tại, tổng số lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản là 3.000 người.
Với LB Nga, hợp tác đào tạo giữa hai nước dựa trên Hiệp định Hợp tác giáo dục được ký vào tháng 6/2005. Hiện nay, Việt Nam có gần 2.000 lưu học sinh đang học tập và nghiên cứu tại LB Nga.
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác giáo dục, nghiên cứu với những nước kể trên, đặc biệt là giáo dục đại học, thông qua chương trình học bổng, hoặc hợp tác song phương cấp trường.
Tiếp tục tăng cường hỗ trợ tài chính và nhân lực cho thành lập những trường đại học quốc tế chất lượng cao tại Việt Nam, xúc tiến nghiên cứu xây dựng Đại học Việt Nam – Nhật Bản, Đại học Công nghệ Việt - Nga theo tiêu chuẩn quốc tế. Đối với Đại học Việt - Đức, tích cực thông tin giới thiệu để thu hút cộng đồng hàn lâm Đức tham gia giảng dạy và hợp tác nghiên cứu…
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thời gian tới, đẩy mạnh xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, có thể nằm ở Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, trong các Bộ, ngành, các trường đại học… để gánh vác trách nhiệm phát triển và làm chủ công nghệ.
Theo đó, mỗi loại công nghệ có danh sách các đơn vị trong nước được lựa chọn để phát triển thành các trung tâm nghiên cứu, hình thành nhóm nghiên cứu với ít nhất 3 chủ thể trong nước tham gia, có thể là trường đại học, bộ chuyên ngành, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu một số nguyên tắc lớn trong hợp tác quốc tế trên hai lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.
Cụ thể, hợp tác khoa học công nghệ phải nâng lên tầm cao hơn, hợp tác với đối tác nước ngoài đào tạo từ cấp đại học trở lên; chủ động phối hợp xây dựng đề tài nghiên cứu chung, làm cơ sở để xem cần chuyển giao công nghệ nào; định kỳ tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế; đặc biệt thu hút sự tham gia của Việt kiều.
Về lộ trình hợp tác quốc tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong tháng 1/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ cung cấp danh mục những lĩnh vực ưu tiên hợp tác nghiên cứu chung với nước ngoài, phấn đấu tháng 6/2013 sẽ trình được nội dung thỏa thuận hợp tác trong 3 năm 2013-2015.
Về giáo dục và đào tạo cần chọn lựa nhu cầu hợp tác quốc tế, từ đó tích hợp vào chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và chiến lược phát triển dạy nghề, tiến tới đẩy mạnh triển khai xây dựng các cơ sở đào tạo và dạy nghề đạt chuẩn quốc tế. Theo đó, tháng 1/2013 cụ thể hóa danh mục các cơ sở đào tạo chất lượng cao cần triển khai trong 10 năm tới, bao gồm từ cơ sở dạy nghề đến giáo dục đại học.
Ngọc Giáp - truyenthongkhoahoc.vn