
Theo Bộ GTVT, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã nghiên cứu chuyển giao, làm chủ một số công nghệ xây dựng cầu như các công nghệ xây dựng cầu bê tông cốt thép như đúc hẫng cân bằng cho nhịp dài đến 150 m (cầu Hàm Luông), đúc đẩy, đẩy đà giáo… Một số công trình cầu có kiến trúc hiện đại, độc đáo, tạo điểm nhấn trong đô thị như cầu quay sông Hàn, cầu treo Thuận Phước, cầu Rồng – cầu vòm đơn (đường xe chạy hai bên vòm), cầu dây văng Bãi Cháy, Rạch Miễu…
Về hầm giao thông, năm 2005, Việt Nam đã hoàn thành hầm đường bộ Hải Vân theo công nghệ NATM, từ đó tự chủ thiết kế và thi công hoàn thành một số hầm đường bộ như hầm Đèo Ngang, hầm A-Roòng 1, hầm A-Roòng 2, hầm dìm Thủ Thiêm…
Về xây dựng đường bộ, nhiều công nghệ đã được ứng dụng trong xây dựng các tuyến đường bộ cấp cao và đường cao tốc như lớp phủ siêu mỏng (Novachip) để thi công đường cao tốc có độ nhám cao, thoát nước tốt, giảm tiếng ồn, lớp phủ mỏng bê tông nhựa có độ nhám cao (VTO)…
Tuy nhiên, công tác KHCN trong lĩnh vực xây dựng cầu đường còn nhiều hạn chế, phát triển chưa đồng đều do thiếu nguồn nhân lực, thiếu các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu gặp khó khăn ở khâu thử nghiệm vì sản phẩm trong ngành cầu đường được sản xuất đơn chiếc, giá trị rất lớn, khó được các nhà thầu cho phép áp dụng vì rủi ro cao…
Ngọc Giáp – vusta.vn