Sau 10 năm trồng cây thanh long, ban đầu chỉ có 9 gốc giống, được lấy từ các tỉnh miền trung về trồng; đến nay gia đình ông Khưu Lương Hữu đã nhân rộng ra diện tích gần 5 ngàn mét vuông, với tổng số hơn 240 gốc thanh long. Ban đầu trồng thất bại do chưa có kinh nghiệm và chưa hiểu biết nhiều về khoa học, kỹ thuật. Nhưng sau nhiều năm cần cù, chịu khó học hỏi kỹ thuật trên đài, trên báo và đúc kết kinh nghiệm, nên mấy năm qua cây thanh long đã đơm hoa kết trái trên mảnh đất nhiễm nhiều phèn, mặn của gia đình ông. Nhờ chăm sóc tốt, nên thanh long cho trái 2 vụ, mỗi gốc thu hoạch được trung bình hơn 40 kg trái, bán với giá 8 ngàn đồng/kg, thì sau khi trừ chi phí, gia đình ông Khưu Lương Hữu cũng có lãi vài chục triệu đồng/vụ. Ông Hữu còn cho biết kinh nghiệm để cho thanh long ra trái nghịch mùa hoặc để thanh long đậu trái nhiều thì chỉ cần thắp bóng đèn điện ban đêm là có hiệu quả.
Bốn năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ông Khưu Lương Hữu đã trồng thành công cây thanh long ruột đỏ và đã cho thu hoạch trái năng suất bằng với thanh long ruột trắng, nhưng giá 1 kg thanh long ruột đỏ thì lại gấp nhiều lần thanh long ruột trắng. Chính vì vậy, đã góp phần tăng thu nhập và đời sống gia đình ông khá hơn. Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình ông còn có thu nhập lãi hàng trăm triệu đồng từ sản xuất mô hình lúa - tôm với gần 3 ha đất sản xuất. Hiện nay, mô hình này đã được nhiều nông dân ở ấp Cai Giảng và ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi nhân rộng ra trồng ở bờ bao vuông tôm, nhờ vào sự giúp đỡ về giống và kỹ thuật của ông Khưu Lương Hữu.
Hội Nông dân huyện và tỉnh cùng các ngành chức năng cũng đã tổ chức đến thăm quan mô hình trồng cây thanh long của gia đình ông Khưu Lương Hữu. Qua việc tổ chức tham quan, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu và huyện Hồng Dân đánh giá: Khả năng tận dụng đất trống trên bờ bao vuông tôm, để nhân rộng phong trào trồng cây thăng long là rất khả thi.
Ngọc Giáp - truyenthongkhoahoc.vn