Quang cảnh Hội nghị
Trong số 165 đề tài nghiệm thu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của khoa học tự nhiên, 149 đề tài (tương đương 90%) được đánh giá đạt, 4 đề tài không đạt, và 10 đề tài được hội đồng khoa học đề nghị cho gia hạn vì có khả năng hoàn thành kết quả nghiên cứu đã đăng ký, và đều đã có ít nhất 1 công bố quốc tế trên các tạp chí ISI. Tổng số công bố ISI của các đề tài nghiệm thu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của khoa học tự nhiên là 692, đạt tỉ lệ 4,4 công bố/đề tài.
Trong số các đề tài thực hiện từ năm 2009, một số đề tài thuộc chương trình hợp tác song phương với nước ngoài, như chương trình hợp tác song phương Việt Bỉ với kết quả là 5 bài báo công cố quốc tế trên tạp chí ISI và 1 cuốn sách được xuất bản tại Châu Âu. Các chương trình hợp tác quốc tế này cũng giúp đào tạo được nhiều thạc sỹ và tiến sỹ, trong đó ít nhất có 10 lượt nhà khoa học trẻ có cơ hội được đào tạo, trao đổi ngắn hạn tại các trường đại học và viện nghiên cứu của nước ngoài.
Hiện nay, Quỹ vẫn đang tiếp tục triển khai hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác đã thiết lập quan hệ như Quỹ Khoa học Đức (DFG), Quỹ Giáo dục Việt nam của Mỹ (VEF), Viện Nghiên cứu phát triển và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (IRD và CNRS), Hiệp hội Phát triển Khoa học Nhật Bản (JSPS), v.v. Ngoài ra, Quỹ đang chuẩn bị nhân lực và chuyên môn để tham gia thực hiện Dự án “Đối mới sáng tạo hướng tới người nghèo” (VIIP) trển khai tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới cấp vốn.
Không chỉ hỗ trợ các nhà khoa học và viện nghiên cứu, Nafosted còn triển khai các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp qua các hình thức là hỗ trợ trực tiếp, bảo lãnh vốn vay, và cho vay. Đến nay, Quỹ đã quản lý và nghiệm thu được 28 đề tài nghiên cứu do doanh nghiệp thực hiện với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 33 tỷ VND. Tính đến 30/9/2012, Quỹ cũng thực hiện bảo lãnh được 39 dự án trên toàn quốc với tổng dư nợ 16,8 tỷ đồng (phần bảo lãnh của Quỹ là 12,3 tỷ đồng). Cũng trong năm 2012, Quỹ đã thực hiện thí điểm cho vay vốn tại 4 dự án, trên cơ sở phối hợp với 2 ngân hàng trong hoạt động thẩm định tín dụng.
Nhằm tăng hiệu quả hoạt động và tính công khai minh bạch, Quỹ đã tiến hành thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008, và đặt mục tiêu trong Quý 1 năm 2013 sẽ được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn này. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên gia, đề tài, và kết quả thực hiện đề tài được cập nhật để bảo bảo tính mới, chính xác, phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý, với một cơ sở dữ liệu chuyên gia gồm thông tin của hơn 1000 nhà khoa học, và cơ sở dữ liệu đề tài gồm danh sách và sơ đồ phân tích dữ liệu trong 4 năm giai đoạn 2009-2012.
Cần mời thêm nhà khoa học quốc tế có uy tín tham gia hội đồng
Phát biểu tại Hội nghị, GS. Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm thành viên Hội đồng Quản lý của Nafosted cho rằng Quỹ nên có cơ chế chú trọng phù hợp cho các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng cường nền móng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực sinh học và nông nghiệp phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, phù hợp với điều kiện và đặc thù phát triển của Việt Nam. Ông cũng đề nghị Quỹ tiếp tục đẩy mạnh tính công khai minh bạch bằng cách công bố chỉ số ảnh hưởng (impact factor) của các tạp chí đăng công trình nghiên cứu do Quỹ tài trợ lên trang web.
Nhà báo Văn Thành của Tạp chí Tia Sáng cho rằng Quỹ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút sự quan tâm và tạo dựng niềm tin của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, đối với những nỗ lực đổi mới của Quỹ tiếp cận theo các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động quản lý khoa học và công nghệ. Ngoài ra, ông tin rằng Quỹ cần tiến hành mời các chuyên gia, nhà khoa học uy tín của nước ngoài và Việt kiều tham gia vào các hội đồng khoa học, nhằm tăng cường chất lượng và uy tín của các hội đồng và các đề tài nghiên cứu do Quỹ tài trợ.
Đồng tình với quan điểm trên, Vụ trưởng Nguyễn Văn Liễu,Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật của Bộ KHCN, cho rằng việc Quỹ mời các chuyên gia quốc tế có uy tín tham gia vào các hoạt động KHCN trong nước là cần thiết, và điều này sẽ tạo cơ sở tiền lệ để các cơ quan quản lý khoa học trong nước khác mạnh dạn hơn trong việc xây dựng những cơ chế, chính sách thích hợp cần thiết cho việc thu hút và đãi ngộ cho các chuyên gia quốc tế tham gia hợp tác trong các hoạt động khoa học công nghệ trong nước. Ông lấy ví dụ như hiện nay Chương trình Phát triển Sản phẩm Quốc gia đến năm 2020 rất cần có các chuyên gia nước ngoài tham gia trong các hoạt động tư vấn, nghiên cứu, thẩm định, phản biện, nhưng đến nay Bộ KHCN và Bộ Tài chính vẫn chưa thể xây dựng được cơ chế chính sách phù hợp cho những nội dung này.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Tiến của Bộ KH&CN yêu cầu Quỹ tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu do Quỹ tài trợ bằng những cơ chế khuyến khích phù hợp, thay vì chỉ đặt ra các tiêu chí về số lượng công bố quốc tế. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, để có thể tiếp cập các chuẩn mực quốc tế, ông yêu cầu Quỹ xây dựng những giải pháp thiết thực, ví dụ như tạo cơ chế ưu tiên thuận lợi cho những nhà nghiên cứu đã từng có công trình công bố quốc tế. Đối với vấn đề mời các chuyên gia nước ngoài tham gia vào các hội đồng khoa học và phản biện độc lập, ông yêu cầu Quỹ cần tiến hành một cách nghiêm túc, có số liệu thống kê để có thể tự đánh giá nhìn nhận lại, và trên cơ sở đó liên tục từng bước mở rộng.
Ngọc Giáp - truyenthongkhoahoc.vn