Hội nghị tiếp cận các tổ chức PCP nước ngoài do LHH Thanh Hoá tổ chức
Nhiều hoạt động của Liên hiệp hội là luận cứ khoa học giúp cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các ngành có cơ sở khoa học trong khi hoạch định và đề ra các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH ở địa phuơng và của mỗi ngành.
Liên hiệp hội Thanh Hoá đã có nhiều chương trình hợp tác quốc tế, như Dự án: "Xây dựng mô hình sử dụng bền vững rừng luồng bản địa ở xã Nguyệt ấn, huyện Ngọc Lặc Thanh Hoá"; Dự án: " Bảo tồn quỹ gen cây quế Thường Xuân, Thanh Hoá"; Dự án "Nâng cao năng lực Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội; Dự án " Khôi phục và phát triển nghề nuôi thả cánh kiến đỏ cho đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá"; Dự án “xây dựng mô hình lò giết mổ an toàn vệ sinh môi trường và tiết kiệm năng lượng”; Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tổn thương và tăng cường khả năng thích ứng trong giải quyết các vấn đề thiên tai/thời tiết cực đoan (lũ quét và hạn hán) tại xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy”; Dự án “Xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững ngành thủy sản xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa”; Dự án “ Giám định tác động phát triển lâm nghiệp (rừng), đa dang sinh hoc theo Quyết định 178/2001/QĐ.TTG của Thủ tướng Chính phủ về Quyền hưởng thụ, nghĩa vụ hộ gia đình, cá nhân được giao, thuê nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp” tỉnh Thanh Hoá; Dự án "Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đông"; Dự án "Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm dựa vào cộng đồng".
Và nhiều dự án được các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác tài trợ, như: Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán úc, Đại sứ quán Ireland, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Oxfarm, Quỹ Unilever… cho Hội Làm vườn và Trang trại, hội Giống cây trồng và vật tư nông nghiệp, cơ quan thường trực LHH Thanh Hoá và một số hội thành viên khác thực hiện cũng với kinh phí hàng trăm ngàn USD.
Hầu hết các dự án đều có ý tưởng mới, sáng tạo, nội dung triển khai là những vấn đề rất bức xúc và mang tính đặc thù của tỉnh Thanh Hoá. Các dự án đều do các tổ chức xã hội nghề nghiệp tại địa phương quản lý và được đánh giá là bám sát nhu cầu khoa học công nghệ phục vụ đời sống cộng đồng các dân tộc trong tỉnh cũng như giải quyết những vấn đề bức thiết của xã hội, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao năng lực cộng đồng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặc biệt ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, nhờ đó mà chất lượng cuộc sống của cộng đồng các vùng dự án được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc như trình độ ngoại ngữ của các cán bộ còn yếu, khả năng tiếp cận, năng lực tự lập chưa cao.
Vì vậy, nhằm nâng cao vai trò, vị thế trong thời gian tới, Liên hiệp hội và các hội thành viên sẽ xây dựng phương án hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Trong đó quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công nghệ thông tin, cơ sở vật chất hoạt động; Nâng cao năng lực tiếp cận với các đối tác ngoài nước, các tổ chức Phi chính phủ, tìm hiểu những lĩnh vưc ưu tiên của tổ chức đó trong các chương trình tài trợ; Nâng cao trình độ xây dựng ý tưởng và đề xuất các dự án tài trợ, hợp tác, nhằm vào các lĩnh vực chủ yếu: Hoạt động KH-CN, phát triển cộng đồng, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu, vận động chính sách, nâng cao năng lực hội viên và tổ chức hội, v..v..
Ngọc Giáp – vusta.vn