Tìm kiếm
 

Nội dung bản tin

 
(28/2/2013) Hội thảo các đơn vị phía Bắc đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Cập nhật: 28-02-2013 04:20
Tiếp theo 6 cuộc toạ đàm, sáng 22/2/2013, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với thành phần là lãnh đạo các hội ngành toàn quốc, lãnh đạo Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ Đà Nẵng trở ra, đại diện một số tổ chức KH&CN trực thuộc.

Hội thảo các đơn vị phía Bắc đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.JPG

 GS.TSKH Đặng Vũ Minh khai mạc Hội thảo
GS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Nội, đã đánh giá cao bản dự thảo. Dự thảo đã có nhiều điểm mới, nhiều điểm bổ sung cho Hiến pháp 1992, nhiều nguyện vọng chính đáng của nhân dân đã được thể hiện. Đóng góp ý kiến cụ thể vào nội dung dự thảo, Theo GS Hoan, “Lời nói đầu” quá dài dòng, cần phải sửa cho súc tích, chặt chẽ, dễ hiểu và phải nêu được những vấn đề cốt lõi và mang tính cương lĩnh của Hiến pháp. Đối với Điều 4, GS Hoan cho rằng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là cần thiết, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, ngôn từ chưa phù hợp mà phải viết rõ hơn, nêu trọn bản chất của Đảng là luôn luôn đổi mới, tự hoàn thiện để lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng là bộ phận tinh tuý nhất, cách mạng nhất của nhân dân, quyền lực của nhân dân là tối thượng, sức mạnh của nhân dân là vô biên. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều này và Đảng là đại diện. Đảng lãnh đạo Nhà nước theo sự uỷ nhiệm của nhân dân. Đảng được sinh ra từ trước khi giành chính quyền. Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, chống xâm lược, xây dựng chính quyền, xây dựng phát triển đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội cũng cần vận động và phát triển một cách sáng tạo và biện chứng. Đảng lãnh đạo đất nước không chỉ bằng pháp luật mà bằng nhiều phương tiện, phương thức khác nhau, bằng long yêu nước, bằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bằng lòng tự hào dân tộc, trí tuệ của người cộng sản.

TS Nguyễn Hữu Tri - Viện Nghiên cứu đào tạo về tổ chức hành chính, cho rằng Hiến pháp chỉ nên nêu những vấn đề quan điểm và nguyên tắc, không nên nêu quá chi tiết, cụ thể. Bên cạnh đó, việc sử dụng một số thuật ngữ chưa chính xác. TS Tri cũng cho rằng Hiến pháp là đạo luật gốc vì vậy không nên sử dụng những từ bổ nghĩa, không cần thiết như: quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, công an nhân dân Việt Nam cách mạng, cạnh tranh lành mạnh. . . . dễ dẫn đến hiểu và sử dụng các thuật ngữ này khác nhau. Theo ông Tri, bản chất của nhà nước ta hiện nay là nhà nước dân chủ nhân dân, cụm từ “xã hội chủ nghĩa” mới là định hướng  mà Nội hàm “xã hội chủ nghĩa” hiện nay có nhiều vấn đề về mặt lý thuyết, về mặt khoa học còn nhiều điểm chưa rõ. Vì vậy, quyền lợi, trách nhiệm nghĩa vụ của công dân, của Nhà nước trong Nhà nước xã hội chủ nghĩa chưa được xác định rõ ràng. Chẳng hạn như trong vấn đề sở hữu, nhiều điểm chúng ta nêu “đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”, tại sao chúng ta không ghi luôn là sở hữu Nhà nước để làm rõ vai trò pháp lý, tránh tình trạng lợi dụng sở hữu toàn dân để tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Trong việc sử dụng quyền lực, vai trò cầm quyền của Đảng là rất ràng nhưng trong mô hình tổ chức Nhà nước cần thể hiện rõ mối quan hệ giữa tổ chức Đảng với bộ máy Nhà nước, vai trò, trách nhiệm pháp lý của Đảng cầm quyền. Để làm được điều này, mô hình tổ chức phải có sự thay đổi, người đứng đầu của Đảng phải là người đứng đầu của Nhà nước nắm quyền hành pháp. Điều đó đảm bảo để người đứng đầu của Đảng có quyền lực xã hội, có điều kiện đưa đường lối của Đảng vào thực thi trong toàn xã hội, phù hợp với quan hệ đối nội đối ngoại, chịu trách nhiệm pháp lý thực sự trước xã hội.
GS Nguyễn Đức Cương - Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam, cũng đồng tình với ý kiến cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý của Đảng trong việc lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong việc bầu chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cần có ít nhất 2 ứng viên để việc bầu cử có thể công bằng. Trở lại với vấn đề thuật ngữ, GS Cương góp ý Hiến pháp là đạo luật cao nhất nên viêc sử dụng thuật ngữ phải chính xác để phù hợp với luật pháp quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. VD: Điều 1: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Khái niệm vùng biển, vùng trời cần phải được làm rõ theo các luật của Việt Nam và Công ước quốc tế để tránh cách hiểu khác nhau.
Đóng góp ở khía cạnh khác, GS Nguyễn Lân Dũng - Hội các ngành Sinh học Việt Nam, cho rằng nên mạnh dạn nhìn nhận việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp lần này thực chất là việc đổi mới Hiến pháp nghĩa là làm Hiến pháp mới. Liên quan đến tên nước, GS Dũng kiến nghị chúng ta nên đổi lại tên nước như năm 1946 là Việt Nam dân chủ cộng hoà và tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam. Về vấn đề thu hồi đất, GS Dũng đề nghị việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất canh tác nông nghiệp phải được Chính phủ quy định tránh tình trạng các tỉnh chạy theo GDP nên cho phép chuyển đổi mục đích dẫn đến đất nông nghiệp bị thu hồi cho các mục đích khác.

Ông Bùi Sĩ Tiếu - Hội Làm vườn Việt Nam đề nghị quyền cơ bản của con người không chỉ có quyền được sống (như Điều 21 của dự thảo) mà cần bổ sung quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc mà nhân loại cũng như trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam đã nêu. Về quyền sở hữu đất đai cần nêu rõ quyền sở hữu đất đai nên tồn tại nhiều hình thức sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng, Nhà nước. Có như vậy việc quản lý đất đai mới tránh tình trạng sử dụng kém hiệu quả và lãng phí. Góp ý cho Chương V, VI, VII, ông Tiếu cho rằng cần phải làm rõ các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội phải được người dân thực hiện bầu qua hình thức dân chủ trực tiếp. Hiện nay ta đang thực hiện hình thức bầu dân chủ gián tiếp thông qua Quốc hội. Việc thực hiện dân chủ trực tiếp sẽ khiến người dân sáng suốt bầu ra những người có tâm và có tầm để lãnh đạo đất nước.

Cũng tại hội thảo, các ý kiến đóng góp đề cập thêm về các Chương và Điều quy định về bảo vệ Tổ quốc, về các thiết chế Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Hội đồng Hiến pháp… Các ý kiến sẽ được Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp thu và chuyển tới các cơ quan của Quốc hội trong thời gian tới

                                                                                                                                     Ngọc Giáp – vusta.vn
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
Select a date from the calendar.
 

Liên Kết Website

 
Lượt truy cập:

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT ĐỒNG NAI                            * Chịu trách nhiệm chính: - Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai
DONG NAI UNION OF SCIENCE AND TECHNOLOGY ASSOCIATIONS         * Chịu trách nhiệm Biên tập:
* Địa chỉ: 281 Đường 30/4 - P.Quyết Thắng - TP.Biên Hòa - Đồng Nai               - ThS. Nguyễn Văn Liệt - PCT-TTK Liên hiệp Hội Đồng Nai
* Điện thoại:0251.3946348 - Email:lienhiephoidn@gmail.com                            - ThS. Đào Đức Trình - PCT - Liên hiệp Hội Đồng Nai


 ​

Đăng nhập