Quang cảnh buổi Tọa đàm
Qua buổi tọa đàm, các vấn đề về văn hóa, giáo dục ở Tây Nguyên phần nào được khắc họa rõ nét, đánh giá những mặt đạt được và một số hạn chế, khó khăn cũng như đề xuất các giải pháp cho vấn đề văn hóa, giáo dục ở Tây Nguyên qua các bài tham luận của các trí thức tiêu biểu.
Tham gia phần thảo luận và đề xuất một số giải pháp đột phá để phát triển Liên hiệp hội, đáp ứng yêu cầu mới ở Tây Nguyên, ông Nguyễn Thanh Cao, Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Kon Tum, cho rằng Liên hiệp hội Việt Nam cần chủ động và tích cực tham mưu, vận động chính sách để không còn sự vênh nhau giữa chủ trương, nghị quyết và tổ chức thực hiện. Hiện có sự thiếu đồng bộ trong việc thể chế hóa nghị quyết điển hình như Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã khẳng định vai trò, vị trí của trí thức, đã xác định Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Song tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội và tại Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg, ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định Hội có tính chất đặc thù thì Liên hiệp hội Việt Nam được xếp trong 28 hội có tính chất đặc thù.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh hệ thống Liên hiệp hội cần thay đổi nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sáng tạo và chuyên nghiệp hơn, củng cố tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương, nâng cao năng lực thực hiện các nhiệm vụ như thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ; tăng cường công tác tư vấn phản biện; phổ biến kiến thức. Việc này sẽ tạo môi trường điều kiện thuận lợi để Liên hiệp hội hoạt động và đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp chấn hưng đất nước.
Buổi tọa đàm gửi gắm nhiều tâm tư, kỳ vọng của các nhà trí thức đến các bộ, ngành Trung ương trong công tác bảo tồn và phát huy nền văn hóa đặc sắc Tây Nguyên; đầu tư giáo dục cho vùng Tây Nguyên tương xứng với ví trí chiến lược, nghiên cứu để có chương trình giáo dục phù hợp với trình độ dân trí vùng Tây Nguyên; phát triển hệ thống Liên hiệp hội bền vững xứng tầm là tổ chức của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ.
Ngọc Giáp – (Nguồn: vusta.vn)