Ông Nguyễn Sinh Hùng Ủy viên Bộ
Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đến dự và chủ trì Hội nghị. Tham gia điều hành
Hội nghị còn có ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban
KHCN&MT Quốc hội; ông Nguyễn Quân, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN
và ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn. Hội nghị đã thu hút hàng trăm đại biểu đến từ các Viện,
trường, Bộ ngành, các Sở KH&CN và doanh nghiệp, nông dân sản xuất
giỏi trong cả nước,…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những thành tựu nghiên cứu khoa học
trong nông nghiệp đã đạt được. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, để có nông nghiệp
Việt Nam
phát triển như ngày hôm nay không thể thiếu vai trò của KH&CN. Việt Nam
coi nông nghiệp là một thế mạnh, mang ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an
ninh lương thực quốc gia, tạo nền tảng phát triển các ngành kinh tế khác. Do
vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao sức
cạnh tranh của nông sản sẽ là một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng cũng cho rằng, ngành nông nghiệp tuy đã đạt được nhiều thành tích
nhưng vẫn còn những hạn chế mà trong thời gian tới cần tìm hướng tháo gỡ. Chủ
tịch Quốc hội nhấn mạnh “một khi KH&CN và các lĩnh vực công nghệ cao còn
chưa thay thế được sức mạnh của nền kinh tế nước nhà thì nông nghiệp nước ta
vẫn chiếm một vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta
cần phải đẩy mạnh việc nghiên cứu những công nghệ, những giống cây, con có chất
lượng cao.
Chủ tịch nhấn mạnh, Hội nghị là dịp
để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường 5 năm triển khai Nghị quyết Hội nghị
lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Nông nghiệp, Nông dân và Nông
thôn. Trong thời gian tới cần xác định tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp
có thế mạnh, lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn. Việc nghiên cứu
những sản phẩm mũi nhọn cho từng vùng miền cần dựa trên điều kiện thổ nhưỡng,
khí hậu đất đai và trình độ dân trí,… Phải lấy hiệu quả, sản phẩm, sức cạnh
tranh, thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp làm tiêu chí đánh giá mức độ thành
công nghiên cứu KH&CN trong nông nghiệp. Do vậy trong thời gian tới, đội ngũ
các nhà quản lý, các nhà khoa học cần đánh giá những thành công và hạn chế của
giai đoạn vừa qua, qua đó tìm ra hướng phát triển phù hợp nhất cho nền nông
nghiệp Việt Nam.
Dương Phúc (Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn)